Vun đắp thói quen đọc sách cho trẻ
Sự phát triển mạnh mẽ của các nền tảng mạng xã hội đã tác động không nhỏ đến nhu cầu giải trí của cộng đồng, nhất là ở lứa tuổi học sinh. Nếu như trước đây chỉ có vài ba sự lựa chọn cho giải trí (đọc sách, chơi các trò chơi, xem phim…) thì nay con trẻ lại có đến hàng trăm lựa chọn khác nhau. Và tất nhiên, trước hàng trăm lựa chọn giải trí ngày càng sôi động, hấp dẫn, không ít em đã thiếu vắng đi niềm vui và thói quen đọc sách mỗi ngày.
Vốn thích đọc sách và quan tâm nuôi dưỡng, phát triển thói quen đọc sách cho các con, chị bạn đã mua nhiều sách và hướng dẫn các con đọc sách phù hợp theo độ tuổi. Tuy nhiên, điều chị nhận ra, với khoảng cách độ tuổi của hai cậu con trai chị là 6 năm thì sự quan tâm, sở thích của các con cũng có nhiều thay đổi theo sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội. Lúc ở lứa tuổi bậc THCS, nếu cậu con trai đầu của chị giờ là sinh viên đại học khi ấy chưa có nhiều điều kiện để tiếp xúc với các thiết bị nghe nhìn, nền tảng mạng xã hội (wifi, điện thoại thông minh, tivi thông minh… còn hạn chế), rất say mê đọc sách, lấy sách làm bạn, thì nay cậu con trai thứ hai cũng ở độ tuổi ấy cho dù cũng được giới thiệu, hướng dẫn nhưng lại chẳng mặn mà. Cu cậu có cầm cuốn sách lên đọc cũng chiếu lệ, ít hứng thú, khác hẳn với sự say mê, có thể ngồi liên tục cả buổi trước màn hình tivi, máy tính để xem những video, đoạn phim ngắn trên các nền tảng mạng xã hội.
|
Đó nào đâu là chuyện riêng của gia đình chị bạn, nhiều ông bố, bà mẹ tâm sự rằng, các con suốt ngày say sưa với các thiết bị nghe nhìn, các nền tảng mạng xã hội. Nhiều em mới học tiểu học đã có tài khoản mạng xã hội và có em không dừng lại một nick, mà nhiều nick và cũng không dừng lại ở một mạng xã hội, mà có tài khoản ở nhiều mạng xã hội khác nhau. Trong khi đó, các em ở lứa tuổi ấy và cả các anh, chị ở các lớp lớn hơn lại chưa từng sở hữu, chưa từng đọc một cuốn sách nào ngoài sách giáo khoa.
Không thể phủ nhận những tiện ích mà mạng xã hội mang lại, chúng khiến cho cuộc sống của chúng ta nhiều thay đổi, từ thông tin liên lạc cho đến dịch vụ giải trí. Thế nhưng, mạng xã hội cũng chi phối, khiến cho nhiều người, đặc biệt là các em học sinh – lứa tuổi đang dần hình thành thói quen đọc sách – thiếu kiểm soát về mặt thời gian, sa đà vào mạng xã hội mà ít đọc sách, không xây dựng được thói quen đọc sách.
Theo thống kê của Hội Xuất bản Việt Nam năm 2023, sách giáo khoa và sách tham khảo học đường chiếm đến 80% số lượng sách trên thị trường. Nếu để 2 loại sách này qua một bên, số còn lại chia đều trên số dân thì người đọc sách được khoảng 1,2 quyển/người/năm. Còn theo báo cáo của Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), năm 2022, tỷ lệ người hoàn toàn không đọc sách chiếm tới 26%, người thỉnh thoảng mới cầm sách để đọc là 44% và chỉ có 30% người đọc sách thường xuyên.
Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính tới tháng 9/2022, số người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam là gần 76 triệu người, tăng gần 10 triệu người trong vòng 1 năm (tương đương 73,7% dân số). Và theo thống kê từ Google, tính đến tháng 6/2023, có 79% người dùng internet tại Việt Nam sử dụng mạng xã hội, thời lượng trung bình một người dành ra trong một ngày để sử dụng mạng xã hội là 2 giờ 52 phút.
Không ít người đã thú thật, ngoài thời gian ngủ nghỉ, công việc, chăm chút cho gia đình, các nền tảng mạng xã hội với ngồn ngộn các thông tin (từ chuyện bạn bè, chuyện các ngôi sao, đến chuyện hội nhóm, chuyện các vấn đề xã hội, các clip ngắn…) đã choán hết quỹ thời gian, khiến cho họ ít có thời gian để đọc sách, lâu dần rời xa thói quen đọc sách. Còn với các em học sinh, ngoài chuyện học hành, nghỉ ngơi, dù cho rằng không có thời gian để đọc sách nhưng lại có thể dành ra hàng giờ trên các nền tảng mạng xã hội để theo dõi thông tin từ bạn bè, xem vô vàn các clip mới được đăng tải mỗi ngày, chỉnh sửa tấm ảnh cho thật đẹp để câu like…
|
Tất nhiên so với việc đọc sách đòi hỏi sự tập trung, trầm lắng thì các thông tin ngồn ngộn sắc màu, sống động trên các thiết bị điện tử, nền tảng mạng xã hội bao giờ cũng hấp dẫn, lôi cuốn hơn, không chỉ khiến con trẻ mà ngay cả người lớn cũng phải đấu tranh tư tưởng giữa các lựa chọn. Nhưng, nếu như quá phụ thuộc, quá dành thời gian vào các thiết bị điện tử và các nền tảng mạng xã hội, các em học sinh đang ở lứa tuổi hoàn thiện nhân cách, hoàn thiện tri thức sẽ không có thời gian để đọc sách – một thế giới của tri thức, của tư duy, của sự tưởng tượng, trí sáng tạo.
Quay trở lại chuyện mạng xã hội, chuyện đọc sách, nhiều người cho rằng do internet lên ngôi và phương tiện nghe nhìn lấn át. Thế nhưng, chính Mark Zuckerberg - nhà sáng lập và điều hành Facebook đã cho rằng: Tôi đã thấy rằng đọc sách là làm cho trí tuệ viên mãn. Sách cho phép ta khai thác trọn vẹn một đề tài và cho ta chìm đắm sâu hơn so với bất kỳ phương tiện truyền thông nào hiện nay.
Khi tỷ lệ nghịch giữa số người sử dụng mạng xã hội với số người đọc sách, khi mà các em học sinh ít say mê đọc sách và dành nhiều thời gian, hứng thú với các nền tảng mạng xã hội… thì thật khó nếu chỉ để các em tự lựa chọn mà thiếu đi sự khuyến khích, động viên. Bởi vậy, làm sao để cân bằng giữa các lựa chọn giải trí, làm sao để nuôi dưỡng, vun đắp, xây dựng được niềm vui đọc sách, thói quen đọc sách cho các em học sinh chính là điều mà nhà trường và mỗi gia đình cần phải quan tâm.
Nguyên Phúc