Vui sao nước mắt lại trào!
Cuối tháng Tư, trời xanh ngằn ngặt, nắng nhuộm vàng trên những mái nhà, sánh như mật. Dưới phố, rực rỡ cờ Tổ quốc tung bay trong gió mừng Ngày Chiến thắng 30/4.
Tôi dạo bước trên phố, dưới bóng cờ Tổ quốc đang căng gió, như thấy những bước chân thần tốc của cha anh trong mùa Xuân năm 1975, lần lượt đạp bằng các cứ điểm, đập tan mọi kháng cự, tiến về Sài Gòn quét sạch giặc thù, thu non sông về một mối .
49 năm trước, khi đoàn quân giải phóng lấm láp bụi đường tiến về Sài Gòn, nhiều hãng thông tấn nổi tiếng thế giới dự báo rằng: giờ cáo chung của Ngụy quyền Sài Gòn đã điểm.
Đúng 11 giờ 30 phút, ngày cuối cùng của tháng Tư năm 1975, những chiếc xe tăng khét mùi thuốc súng húc đổ cổng sắt Dinh Độc Lập, và những lá cờ giải phóng tung bay trên nóc dinh.
Giờ này, ngày này, năm này trở thành một trong những thời khắc thiêng liêng nhất của lịch sử đất nước. Cả dân tộc reo mừng chiến thắng. Muôn người như một, trái tim vui suốt dải đất 3 miền.
Vui sao nước mắt lại trào!
|
Tờ New York Times ra ngày 1/5/1975 đã gọi ngày 30/4/1975 là “ngày lịch sử của thế giới”. Còn hãng thông tấn AFP khẳng định: “Trong năm 1975, sự kiện nổi bật nhất châu Á là sự kiện 30 tháng 4 của Việt Nam, dư chấn rung động địa cầu”.
Alain Rusco- nhà sử học nước Pháp đánh giá: “Sự kiện 30/4/1975 ở Việt Nam gây tiếng vang lớn trên trường quốc tế về một dân tộc không chịu khuất phục trước quân thù”.
Còn với đất nước ta, dân tộc ta, Ngày Chiến thắng không chỉ là reo mừng, hoan ca, mà còn có những khoảng lặng sâu thẳm.
Ngày Chiến thắng cũng là lúc thích hợp nhất để mỗi người Việt Nam nhìn lại những gì mình đã trải qua, đã làm được và cũng là lúc cân nhắc xem mỗi người và mọi người có thể làm gì để cuộc sống tốt hơn, để xây dựng đất nước tươi đẹp hơn.
Dạo bước dưới cờ Tổ quốc tung bay, nhưng tâm hồn tôi thì đã hướng về quê nhà xa xăm. Dù ở xa, nhưng tôi vẫn biết, bác tôi đang run run thắp nén nhang trước di anh của anh tôi. Anh ngã xuống ngay cửa ngõ Sài Gòn khi tròn 20, chỉ cách giây phút toàn thắng mấy tiếng đồng hồ!
Kể từ đó, 49 năm qua đi, vào ngày này, bác tôi làm giỗ anh. Và ở ngôi làng nghèo khuất nẻo thuộc dọc dài miền Trung nắng cháy ấy, cũng có nhiều gia đình giống như bác tôi, thầm lặng sắp mâm cơm lên bàn thờ cho chồng, cha, con, người thân không thể trở về trong ngày vui đại thắng.
Trong bữa cơm vui Ngày Chiến thắng 30/4 ở mỗi mái nhà, có náo nức, cũng có sự ngậm ngùi vì một phần cơ thể của người thân gửi lại chiến trường; có tiếng cười và cũng có những giọt nước mắt khóc thương người đã khuất ở tuổi đôi mươi.
Kể từ đó, 49 năm qua đi, dù là mâm cơm cúng đơn sơ ở mỗi nhà, hay cuộc diễu binh hoành tráng, những chuyện kể rì rầm hay lễ dâng hương linh thiêng, thì đều chung ý nghĩa: Nhân dân ta, Tổ quốc ta đời ghi ơn những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do, thống nhất.
|
Giữa dòng người tấp nập, tôi thoáng thấy một dáng người hơi quen trong bộ quân phục đã bạc màu theo thời gian đang thong dong đi dưới bóng cờ bay. Khi đến gần, tôi nhận ra ông Quyền Đình Phong, một cựu chiến binh gần nhà từng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Cách đây 49 năm, vào những ngày tháng 4 lịch sử, trong đội ngũ trùng điệp của bộ đội ta thần tốc, táo bạo “tiến về Sài Gòn quét sạch giặc thù” có chàng trai trẻ Quyền Đình Phong- lúc bấy giờ là Tiểu đội phó Tiểu đội 2 (Trung đội 2, Đại đội 9, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 66).
Nhập ngũ tháng 6/1974, đời binh nghiệp của anh lính trẻ gốc Hà Nam gắn liền với những địa danh, những trận đánh đầy gian khổ, hy sinh nhưng cũng vang dội chiến công: Giải phóng Buôn Mê Thuột; đè bẹp lực lượng phòng thủ của Ngụy quyền Sài Gòn, giải phóng Cam Ranh; quay ngược trở lại địa bàn Tây nguyên theo hướng khác đánh xuống đồng bằng.
Trong thời gian này, tính ra ông Quyền Đình Phong và đồng đội đã phải cơ động hơn 1.000 từ Tây Nguyên xuống đồng bằng rồi từ đồng bằng ngược Trường Sơn đổ vào Sài Gòn.
Để đến với Sài Gòn sáng 30/4/1975, ông và đồng đội đã vượt qua bao nhiêu cung đường, qua bao giới hạn, qua bao địa hình, qua bao mất mát, hy sinh. Trong một trận chiến đấu dưới chân đèo Xông pha (đường 14 B), ông bị thương nhưng vẫn kiên quyết theo đơn vị tiến quân.
Ông Phong nhớ lại: Lúc này tinh thần của lính Ngụy đã rệu rã, hoang mang lắm rồi- dù trang bị, vũ khí của chúng vẫn khá đầy đủ và mạnh. Trong khi đó bộ đội ta đang hừng hực khí thế quyết tâm đánh địch giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Với sự yểm trợ mạnh mẽ của xe tăng, pháo binh, đơn vị của ông nhanh chóng tiến vào nội đô. Đêm 29, rạng ngày 30/4, đơn vị ông- đang là lực lượng dự bị- được lệnh tham gia đánh Bộ Tổng tham mưu Ngụy.
Càng vào sâu, địch càng kháng cự quyết liệt, nhiều trận đấu chiến xa đã diễn ra. Tại ngã tư Bảy Hiền, ổ kháng cự của địch đã bắn cháy một xe tăng của Trung đoàn 24, một số chiến sĩ hy sinh, càng thôi thúc chiến sĩ xông lên. 8 giờ sáng, bộ đội ta đã làm chủ trận địa.
Khi ấy, giữa đống đổ nát, giữa khét lẹt khói súng, ông và đồng đội đã ôm chặt lấy nhau, hô tên Bác Hồ khản cả tiếng, mà sao trên gương mặt những chiến sĩ Sư 10 đã dày dạn chiến trận long lanh những giọt nước mắt.
Họ khóc trong niềm vui chiến thắng. Họ khóc vì những đồng đội đã ngã xuống trong suốt hành trình. Khóc cho những đồng đội đã ngã xuống trước giờ phút hòa bình.
Với những người đã trải qua tất cả những thái cực của cuộc sống, ánh sáng và bóng tối, lụi tàn và tái sinh, sống và còn, được và mất như ông Phong và đồng đội, thì Ngày Chiến thắng chính là ngày được sống, được gặp lại nhau và được yêu thương.
Còn với những người sinh ra sau thời đạn bom, chia cắt và mất mát, sống trong hòa bình, Ngày Chiến thắng nói lên rằng, giá trị của hòa bình ngày nay được làm nên bởi rất nhiều mất mát, hy sinh. Và hãy nhìn về Ngày Chiến thắng để tự sửa mình.
Như những dòng thơ sâu lắng như lời tự sự của nữ thi sĩ Đinh Thị Thu Vân: “Nếu không có ngày ba mươi tháng Tư/Em vẫn như thuở nào, sợ tay mình lấm đất/Sẽ không biết tự khuyên mình những lời khuyên nghiêm khắc/Không một lần dám sống hy sinh”.
Thật hạnh phúc khi được tận hưởng thành quả từ sự hy sinh máu xương của cha anh. Hãy dấn thân và cống hiến hết mình, để xứng đáng với những người đã khuất.
Để Ngày Chiến thắng luôn là niềm tự hào bất diệt trong tiềm thức mỗi người mà không thế lực nào, không sức mạnh nào có thể xóa bỏ.
Hồng Lam