Việc làm cho người khuyết tật
Giải quyết việc làm cho người khuyết tật không phải là giúp đỡ, làm từ thiện, mà là đáp ứng nhu cầu chính đáng được làm việc và được ghi nhận khả năng làm việc của người khuyết tật.
Gần nhà tôi có một xưởng làm cửa sắt. Tuy quy mô khá khiêm tốn, nhưng chủ xưởng có tay nghề khá, lại quảng giao, nên lượng khách hàng cũng đều, đủ việc làm cho 3 thợ.
Điều đặc biệt là trong 3 thợ của xưởng có 2 thợ là người khuyết tật. “Nhận em ấy vào dạy nghề và tạo việc làm là một quyết định khó khăn. Tôi không lo em ấy không được việc, vì đó là một thanh niên sáng dạ và nhẫn nại, nhưng lại ngại dư luận”- anh chia sẻ.
Và thực tế đã cho thấy anh lo lắng là có cơ sở. Một số người hiểu và chia sẻ, thậm chí hỗ trợ anh bằng cách đặt hàng, hay giới thiệu khách hàng mới cho xưởng của anh.
|
Nhưng cũng có không ít người không đồng tình. Họ cho rằng, người khuyết tật cần được chăm sóc, thay vì phải làm việc vất vả. Nặng nề hơn, có người còn phê phán anh đang “lợi dụng sức lao động người khuyết tật”, hoặc “đánh bóng tên tuổi”, kiếm lợi từ lòng thương hại của khách hàng.
Dù có bị nói thế nào chăng nữa, thì tôi vẫn giữ em ấy lại làm việc, và em ấy cũng muốn như vậy. Tôi luôn hy vọng giúp em ấy đứng vững bằng chính đôi chân tật nguyền của mình, thay vì ỷ lại gia đình, hoặc từ sự giúp đỡ của người khác- anh quả quyết.
Còn với cậu thanh niên đang ngồi chăm chú hàn sắt trong góc kia thì cái xưởng cửa sắt nhỏ này chính là nhà, là nơi cậu được làm việc, được vui được buồn, được mệt mỏi sau những lúc lao động vất vả như bao người bình thường khác.
Công việc giúp cho em thấy mình không phải gánh nặng của gia đình và xã hội, không phải nhận những ánh mắt thương hại hay kỳ thị của người khác. Hơn thế, em mong sẽ truyền cảm hứng về cộng đồng người khuyết tật luôn lạc quan, kiên trị, giàu nghị lực và dám mơ ước- cậu nói.
Qua câu chuyện trên, có thể thấy một thực trạng là, chúng ta kêu gọi xóa bỏ kỳ thị, tiến tới đối xử công bằng với người khuyết tật, nhưng lại tranh cãi khi thấy người khuyết tật làm việc cùng những người “bình thường”.
Khi người khuyết tật được học nghề và làm việc phù hợp với khả năng, họ sẽ có thêm tự tin để cống hiến, tự tạo ra thu nhập, sống hòa nhập hơn với cộng đồng, xã hội. Nhiều người khuyết tật khởi nghiệp thành công, trở thành chủ doanh nghiệp, sau đó quay lại giúp những người đồng cảnh ngộ với mình
Tuy nhiên, kỳ thị người khuyết tật, hay các phân biệt đối xử gắn với khuyết tật, vẫn hiện diện trong cuộc sống hàng ngày. Đó là thái độ có thành kiến, khinh thường hoặc thiếu tôn trọng người khuyết tật, thậm chí là xa lánh, từ chối, ngược đãi, phỉ báng, hoặc hạn chế quyền của người khuyết tật.
|
Sự kỳ thị đang là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng nghèo, thiếu cơ hội việc làm và ít được tiếp cận các dịch vụ y tế và giáo dục của người khuyết tật.
Đặc biệt là vấn đề giải quyết việc làm cho người khuyết tật vẫn còn nhiều khó khăn, bởi định kiến của xã hội.
Mặc dù trong những năm gần đây, vấn đề dạy nghề, tạo ra cơ hội việc làm cho người khuyết tật, giúp họ hòa nhập xã hội đã nhận được nhiều sự quan tâm, nhưng người khuyết tật tại tỉnh vẫn khó khăn trong việc tiếp cận các cơ hội việc làm một cách công bằng và đầy đủ.
Đa số người khuyết tật chưa được đào tạo nghề hoặc chưa được đào tạo nghề đúng với khả năng; tỷ lệ người khuyết tật tìm được việc làm sau đào tạo nghề còn rất thấp và chủ yếu là tự tạo việc làm.
Các doanh nghiệp còn dè dặt khi tuyển dụng người khuyết tật vào làm việc. Nếu được nhận, thì người khuyết tật cũng được trả lương thấp hơn, hoặc không được ký hợp đồng lao động như các đồng nghiệp “bình thường”.
Bên cạnh đó, phần lớn những người khuyết tật có việc làm cũng thiếu tính ổn định, làm các công việc tạm thời, lao động chân tay, làm việc trong các tổ chức cơ sở mang tính nhân đạo, từ thiện.
Rất ít người tìm được việc làm ổn định trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hoặc các công việc đòi hỏi kỹ năng, trình độ chuyên môn. Vì vậy, thu nhập của người khuyết tật cũng tương đối thấp.
Đôi khi, người khuyết tật trở thành nạn nhân của kỳ thị ngay trong ngôi nhà của mình, khi không nhận được sự ủng hộ ý muốn học hành, hoặc tìm kiếm việc làm từ các thành viên trong gia đình.
Đây là thực trạng cần được cả xã hội quan tâm, nhằm xóa bỏ rào cản cho người khuyết tật hòa nhập cộng đồng. Người khuyết tật cần được nhìn nhận là một lực lượng lao động của xã hội, thay vì là đối tượng ưu tiên.
Không có một giải pháp chung nào trong việc tạo cơ hội việc làm cho người khuyết tật. Tuy nhiên, vẫn có những nhóm giải pháp mà các cấp ủy, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp có thể quan tâm thực thi phù hợp với điều kiện thực tế.
Điều này có nghĩa là chính quyền, các tổ chức kinh tế-xã hội, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp cần quan tâm thực sự đến tạo việc làm cho người khuyết tật, đặc biệt là những người khuyết tật có khả năng và năng lực vượt trội để đảm nhận những vị trí công việc bình thường.
Trong đó, cần thúc đẩy mạnh mẽ vai trò, sự vào cuộc của gia đình, cộng đồng và các bên để xóa bỏ rào cản và xây dựng môi trường sống và làm việc hòa nhập cho người khuyết tật.
Các cấp ủy, chính quyền quan tâm khuyến khích các cơ sở dạy nghề tuyển người khuyết tật vào học hòa nhập; hỗ trợ về tài chính để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề phù hợp với người khuyết tật.
Khuyến khích doanh nghiệp tạo việc làm cho người khuyết tật; kết nối, hợp tác chặt chẽ giữa các đơn vị có liên quan nhằm tăng cơ hội tiếp cận việc làm phù hợp cho người khuyết tật; phát triển các kênh tuyển dụng chuyên biệt, nhất là quan tâm tổ chức các ngày hội việc làm.
Quan trọng nhất là, cần xác định rõ tạo việc làm để người khuyết tật hòa nhập không chỉ là sự thôi thúc lương tâm, một việc làm từ thiện, mà còn là trách nhiệm xã hội.
Hồng Lam