Vì thành phố của chúng ta
Trong dòng chảy lịch sử của một vùng đất luôn có những mốc thời gian trọng đại, mở ra trang sử mới vô cùng rạng rỡ trong hành trình phát triển. Và ngày 10/4/2009 là một trong những mốc thời gian quan trọng ấy.
|
Tôi gõ những dòng chữ này khi ngày 10/4 vừa đến. Thật kỳ lạ là sáng nay trời trong và gió mát, dù mới hôm qua thôi, nóng bức cả ngày đêm.
Ánh nắng sớm mai tràn đến nơi tôi ngồi, tràn trên phố xá; gió reo trên những hàng cây, trên những mái nhà, như hát như ca đón mừng ngày vui.
Chiều qua, 9/4, tôi vui mừng khi được gặp lại kỹ sư Nguyễn Văn Bách sau nhiều năm. Bên ly cà phê chúng tôi cùng ôn lại kỷ niệm, vui có buồn có, trong đó phần nhiều là những câu chuyện về thành phố Kon Tum.
Anh kể rằng, buổi sáng đã hào hứng mượn xe máy dạo một vòng thành phố. Và anh rất ngỡ ngàng, xen lẫn tự hào, khi thấy thị xã Kon Tum nhỏ bé bên sông Đăk Bla ngày nào đã vươn mình đầy mạnh mẽ.
Là một trong những người đầu tiên về "nhà mới" Kon Tum sau ngày tỉnh được thành lập lại (12/8/1991), đến bây giờ, kỹ sư Nguyễn Văn Bách vẫn chưa quên cảm giác không mấy lạc quan ngày ấy.
Sau nhiều năm đóng vai "vệ tinh" thị xã Kon Tum khi ấy mang dáng dấp một thị trấn, với những dãy nhà lèo tèo, những khu đất hoang vắng, rậm rạp, những con đường lổm nhổm đá và ổ gà. Đêm đêm, vài bóng đèn điện đỏ quạch, mới tám giờ tối đã im lìm, lạnh vắng, trễ nải.
Ngay con đường ta đang ngồi đây, bây giờ là con phố hiện đại, năng động thu hút du khách với nhà hàng, khách sạn, quán cà phê, nhưng trước đây vốn là đường đất lúp xúp cây cỏ, ngập ngụa bùn đất- anh nhớ lại.
|
Nhắc lại không phải để “ôn nghèo kể khổ” mà là ôn chuyện cũ để biết trân trọng những gì đã có, đang có và thêm quyết tâm, thêm nỗ lực vì sự phát triển mạnh mẽ hơn. Và cũng là để xứng đáng với những người đi trước, đặt nền móng cho sự phát triển hôm nay.
Ngày ấy, đối diện với bao khó khăn, thử thách, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị xã Kon Tum hăm hở bước vào hành trình mới: Tái thiết và định hình dáng vóc đô thị trung tâm của tỉnh; xây dựng và phát triển đô thị hiện đại, năng động.
Với sự nỗ lực lớn lao của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân các dân tộc trên địa bàn, lãnh đạo thị xã Kon Tum thời bấy giờ đã phát huy tinh thần dân chủ, thống nhất lựa chọn được hướng đi đúng, xác lập lộ trình thích hợp.
Gạt bỏ những lo toan, vướng víu riêng tư, những “kiến trúc sư” này bắt tay vào công việc hoạch định tương lai trong điều kiện mọi thứ đều tạm bợ, ngổn ngang trăm mối.
Hàng loạt quyết sách phát triển kinh tế - xã hội được triển khai; bài toán phát huy tối đa nội lực dựa trên cơ sở khai thác hợp lý lợi thế, tiềm năng của địa phương và các nguồn lực khác được “giải” một cách hiệu quả.
Rất nhanh chóng, thị xã Kon Tum "thức giấc", khẳng định vị thế trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa của tỉnh bằng những bước đi đầy nội lực.
Trong nội thành, dáng dấp đô thị hiện đại từng bước thành hình. Những đường phố mới, những khu quy hoạch mới, những khu chức năng được xây dựng. Những ngôi nhà chật hẹp, thấp lè tè đã nhường chỗ cho những ngôi nhà cao tầng, đầy đủ tiện nghi; đường phố ngày đêm tấp nập dòng người, chật căng âm thanh mới.
|
Sau 15 năm nỗ lực, ngày 7/10/2005, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Kon Tum đón tin vui: Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ký Quyết định số 1900/QĐ-BXD công nhận thị xã Kon Tum là đô thị loại III.
Đây động lực để cả hệ thống chính trị và nhân dân thị xã Kon Tum tiếp tục nỗ lực hơn nữa, phấn đấu hơn nữa để xây dựng đô thị Kon Tum lên tầm cao mới.
Quyết tâm chính trị và nỗ lực lớn lao đã gặt hái “quả ngọt”. Gần 4 năm sau, ngày 10/4/2009, thị xã Kon Tum "lên thành phố” theo Nghị định 15/NĐ-CP của Chính phủ.
Trong dòng chảy lịch sử của một vùng đất luôn có những mốc thời gian trọng đại, mở ra trang sử mới vô cùng rạng rỡ trong hành trình phát triển. Và ngày 10/4/2009 là một trong những mốc thời gian quan trọng ấy.
Để dễ hình dung hành trình phát triển của thành phố Kon Tum, ta có thể "chia” nó thành những giai đoạn nhỏ.
Nếu như từ tháng 8/1991 trở về trước là giai đoạn thị xã Kon Tum đóng "vai phụ", thì giai đoạn 1991-2009 là tái thiết thị xã, tạo lập nền móng.
Còn từ năm 2009 đến nay là giai đoạn tăng tốc, với những bước đi dài và vững vàng. Kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được chú trọng đầu tư; mạng lưới giao thông dần đồng bộ; diện mạo đô thị ngày càng khang trang.
Thu nhập bình quân đầu người tăng qua từng năm, đến năm 2023 đạt ước đạt 63,2 triệu đồng/người, tăng hơn 4 lần so với khi mới thành lập; tỷ lệ hộ nghèo (cuối năm 2023) còn còn 0,73%, hộ cận nghèo còn khoảng 2%.
Xây dựng nông thôn mới được triển khai đồng bộ và hiệu quả. Đến nay, đã có 11/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 2 thôn đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu; 5 thôn đạt chuẩn thôn NTM ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; 6/10 phường đạt chuẩn văn minh đô thị.
Là một trong những vùng kinh tế động lực của tỉnh, các nhóm ngành thể hiện “đẳng cấp” phát triển như công nghiệp, xây dựng, thương mại - dịch vụ đều có bước phát triển vượt bậc.
Trong đó, nhóm ngành công nghiệp – xây dựng chiếm tỷ trọng 65,06%, nhóm ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng 30,19% trong cơ cấu kinh tế (năm 2023).
Ngoài 2 khu công nghiệp Hòa Bình, Sao Mai do Ban quản lý các Khu kinh tế tỉnh quản lý, thành phố Kon Tum đã quy hoạch, hình thành và 4 cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp với tổng diện tích là 181,3ha, trong đó 3 cụm đã đi vào hoạt động ổn định, tạo động lực cho sự phát triển. Đồng thời đề xuất UBND tỉnh bổ sung quy hoạch 8 cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (giai đoạn 2021-2030).
Trong sản xuất nông nghiệp, khoảng 1.947ha cây trồng ứng dụng công nghệ cao, một số cánh đồng lớn được hình thành, với những cây trồng chủ lực như củ quả, cây ăn quả, mía, cà phê, đã định hình nền sản xuất theo hướng hàng hóa đi vào chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ.
Với định hướng xây dựng thành phố văn minh, xanh, sạch, đẹp, thành phố luôn ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị gắn với phát triển thương mại - dịch vụ và du lịch.
Vì vậy, nhiều công trình nâng cấp, chỉnh trang đô thị đã và đang được xây dựng, như loạt cầu mới vượt sông Đăk Bla; các tuyến đường tránh thành phố Đông và Tây, đường kết nối đường Hồ Chí Minh và Quốc lộ 24; các dự án Khu đô thị phía Nam cầu Đăk Bla, Khu đô thị Bắc Duy Tân, Khu dân cư Hoàng Thành, kè sông Đăk Bla, đường bao khu dân cư phía Bắc; các siêu thị, trung tâm thương mại, công viên, cây xanh.
Từ sự đột phá về hạ tầng đô thị, cùng với hệ thống khá dày các điểm đến hấp dẫn, du lịch thành phố có bước phát triển mạnh mẽ. Năm 2023, địa phương đã đón khoảng 450.000 lượt khách du lịch đến địa bàn.
Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên; các vấn đề xã hội bức xúc được quan tâm giải quyết; an ninh chính trị được giữ vững.
Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên; cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh, quản lý nhà nước ngày càng hiệu quả; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố vững chắc.
Với những bước tiến vững chắc, ngày 10/1/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 12/QĐ-TTg công nhận thành phố Kon Tum đạt đô thị loại II, trực thuộc tỉnh.
Điều rất đáng trân quý là, trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, các giá trị văn hóa truyền thống vẫn được quan tâm gìn giữ, bảo tồn. Theo nhiều du khách, sức hút đặc biệt của thành phố Kon Tum đến từ sự giao thoa kỳ diệu giữa cũ và mới, giữa năng động và trầm tĩnh, giữa bản sắc và hiện đại.
Ở ngay trong thành phố đang vươn mình đầy mạnh mẽ và năng động vẫn có những ngôi làng hiện diện nhẹ nhàng như hơi thở tất yếu của đời sống đô thị, điều mà không thể thấy ở Buôn Ma Thuột, hay Pleiku, vốn có sự tách biệt giữa làng và đô thị.
Chỉ cần đi ít phút là đã hết phố, lạc vào làng. Những Kon Kơ Tu, Kon Tum Kơ Pâng, Kon Rờ Bàng, Plei Tơ Nghia, Plei Đôn, với những khu vườn xanh mát, mái nhà rông cao vút. Ở đây vẫn còn lưu truyền các nghề truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm; còn những ngôi nhà cổ được hình thành theo dòng di cư của các bậc tiên hiền từ dưới xuôi lên đây khai hoang lập làng trong những năm đầu của thế kỷ XX.
Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thanh Mân khẳng định, dẫu chưa thật bằng lòng với những gì đã có, nhưng mỗi người dân đều có quyền tự hào vì đã cống hiến hết sức mình cho sự phát triển của thành phố.
Theo định hướng quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố Kon Tum sẽ phát triển mạnh mẽ và kỳ vọng sẽ trở thành một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội nằm trong nhóm đầu của các thành phố khu vực Tây Nguyên.
Vì vậy, thành phố sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực để đầu tư phát triển đô thị theo hướng 3 đường vành đai, 6 vùng phát triển; hình thành các trung tâm đô thị được gắn kết bằng hệ thống giao thông thông minh, thân thiện và hiện đại- ông Nguyễn Thanh Mân chia sẻ.
Kể từ tháng 8/1991, khi tỉnh được thành lập lại, thành phố của chúng ta đã trải qua hành trình 19 năm định hình, xây dựng nền móng và 15 năm phát triển với niềm tin sâu sắc và khát vọng mãnh liệt.
Dù chặng đường mới sẽ có nhiều khó khăn, nhưng chúng ta vẫn vững tin và tràn đầy khát vọng cống hiến.
Vì thành phố của chúng ta!
Hồng Lam