Vì môi trường sống trong lành
Những kết quả quan trắc mới nhất đều cho thấy chất lượng môi trường tỉnh ta còn khá tốt và ổn định. Tuy nhiên, để bảo vệ môi trường sống trong lành trước áp lực nặng nề từ quá trình phát triển kinh tế, xã hội, cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và mỗi người dân phải nỗ lực hơn nữa.
Báo cáo số 388/BC-UBND của UBND tỉnh về công tác bảo vệ môi trường năm 2023 nhìn nhận, chất lượng các thành phần môi trường trên địa bàn tỉnh tương đối tốt, chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi các hoạt động sản xuất; sự phát triển dân cư, đô thị và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Trong đó, tin vui là chất lượng môi trường không khí trên địa bàn tỉnh khá tốt và ổn định; không có các điểm nóng về ô nhiễm không khí.
Các thông số quan trắc tại 20/20 vị trí đại diện của 10 huyện, thành phố đều có giá trị nằm trong giới hạn cho phép tại QCVN 05:2023/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng không khí xung quanh. Mức âm hầu hết nằm trong giới hạn tối đa cho phép tại QCVN 26:2010/BTNMT - quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn.
Đối với môi trường nước mặt và môi trường nước dưới đất, tuy có một số dấu hiệu bị ảnh hưởng, nhưng vẫn tương đối ổn định và cơ bản đảm bảo quy định giới hạn tối đa về chất lượng nước mặt, nước dưới đất và nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt.
|
Về môi trường đất, việc quan trắc được thực hiện tại 8 vị trí, bao gồm 3 vị trí đại diện cho khu vực chịu nhiều tác động của sản xuất công nghiệp và 5 vị trí đại diện cho khu vực chịu tác động của sản xuất nông nghiệp.
Kết quả là chất lượng đất có sự biến đổi tăng nhẹ nhưng không đáng kể; không bị ô nhiễm bởi các thông số kim loại nặng trong đất.
Để đạt được những thông số trên, trong nhiều năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quan tâm lãnh đạo các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành chức năng thường xuyên triển khai hoạt động quan trắc môi trường không khí để kịp thời ghi nhận sự biến đổi về chất lượng không khí qua từng ngày.
Các giải pháp kiểm soát ô nhiễm trong sản xuất công nghiệp cũng được triển khai đồng bộ, kiểm soát chặt chẽ, như đánh giá tác động môi trường; ứng dụng các giải pháp bảo vệ và giảm thiểu ô nhiễm công nghiệp; phát triển công nghiệp xanh, thân thiện với môi trường.
Ứng dụng công nghệ sản xuất sạch trong chăn nuôi; lắp đặt trạm quan trắc môi trường tự động, kết nối dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, giám sát; rà soát, buộc các đơn vị hoạt động khoáng sản thực hiện ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường; tổ chức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp.
Các vấn đề môi trường, thông qua kiến nghị của người dân và phản ánh của báo chí, đều được kiểm tra, xử lý kịp thời, góp phần ngăn ngừa phát sinh các điểm nóng về ô nhiễm môi trường, giải quyết cơ bản tình trạng gây ô nhiễm môi trường kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân.
Bên cạnh sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự nỗ lực của các ngành chức năng, chính quyền địa phương và doanh nghiệp, thì sự chung tay của người dân, là điều kiện quan trọng để giữ gìn môi trường sống, ngăn chặn ô nhiễm.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng ô nhiễm môi trường dần có diễn biến phức tạp, tác động lên các thành phần môi trường.
Như với môi trường nước, hiện các đô thị trên địa bàn tỉnh chưa có hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường cho các lưu vực sông.
Hay môi trường không khí, dù ô nhiễm môi trường không khí chưa đến mức báo động, nhưng tình trạng mùi hôi phát sinh tại các cơ sở chế biến nông sản, quá trình vận chuyển mủ cao su vẫn còn diễn ra.
Đặc biệt, thời gian gần đây phát sinh ô nhiễm môi trường cục bộ do hoạt động của các trang trại chăn nuôi heo tập trung, chăn nuôi quy mô nông hộ. Đây là loại hình chăn nuôi phát sinh nhiều chất thải gây ô nhiễm môi trường, cần có quy hoạch và các giải pháp công nghệ về môi trường phù hợp để tránh gây ra hậu quả nặng nề về môi trường.
Đáng chú ý là chất lượng môi trường đất, nước mặt, nước dưới đất đang bị đe dọa bởi tình trạng quá tải gây ô nhiễm tại một số bãi rác; tỷ lệ thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng còn hạn chế.
|
Quá trình phát triển kinh tế, xã hội đã và đang tạo ra áp lực nặng nề lên môi trường của tỉnh. Vì vậy, cần triển khai đồng bộ và hiệu quả các nhóm giải pháp bảo vệ môi trường.
Trước hết, kết hợp đồng bộ, hiệu quả các công cụ, biện pháp quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, thực hiện tốt nguyên tắc “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”.
Bao gồm đánh giá tác động môi trường; thanh tra kiểm tra; tăng cường năng lực quan trắc, cảnh báo diễn biến chất lượng môi trường để chủ động phòng ngừa, kiểm soát, ứng phó kịp thời các vụ việc, sự cố môi trường, đảm bảo các cơ sở, dự án hoạt động an toàn về môi trường.
Đầu tư nguồn lực phù hợp cho khâu thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; thúc đẩy việc thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến trong tái chế, xử lý chất thải rắn, giảm dần việc chôn lấp trực tiếp chất thải.
Tăng cường các biện pháp quản lý, cải tạo và phục hồi chất lượng môi trường (đất, nước, không khí…); duy trì hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động liên tục.
Bài học kinh nghiệm từ nhiều địa phương mà chúng ta có thể áp dụng là hướng dẫn cộng đồng dân cư và mỗi người dân tham gia trực tiếp vào hệ thống quản lý môi trường.
Trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền để mỗi người dân nhận rõ bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm của chính quyền mà còn là nghĩa vụ của chính mình.
Xây dựng giải pháp cụ thể để thu hút sự tham gia của cộng đồng và người dân bảo vệ môi trường, như kế hoạch canh tác, cải tạo đất và sử dụng phân bón một cách hợp lý, hiệu quả, không chỉ cung cấp đủ dưỡng chất cho đất, mà còn phòng tránh thoái hóa đất, ô nhiễm nguồn nước, không khí.
Hồng Lam