Vì an toàn lao động
Khi Ngày Quốc tế Lao động 1/5 đã cận kề, tôi đau đớn đọc tin về vụ tai nạn lao động (TNLĐ) ở Nhà máy Xi măng Yên Bái thuộc Công ty Cổ phần Xi măng và khoáng sản Yên Bái (thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình) vào chiều 22/4.
Báo chí đưa tin, khi nhóm công nhân tiến hành bảo dưỡng định kỳ máy số 3 trong bốn máy nghiền tại đây thì máy nghiền bất ngờ hoạt động trở lại, dẫn đến hậu quả thảm khốc: 7 người tử vong, 3 người bị thương.
Ngay trong ngày 22/4, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 39/CĐ-TTg chỉ đạo làm rõ về vụ TNLĐ này. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo Công an tỉnh Yên Bái phối hợp với các cơ quan chức năng khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật (nếu có).
Ngày 23/4, Công an tỉnh Yên Bái bắt tạm giam một nhân viên phụ trách nguyên liệu cho máy nghiền xi măng, Nhà máy xi măng Yên Bái, về hành vi Vi phạm quy định về an toàn lao động.
Cơ quan điều tra cũng đang điều tra, làm rõ dấu hiệu vi phạm của các cá nhân, tổ chức có liên quan vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng này.
|
Tất nhiên, những bài học đắt giá về bảo đảm an toàn cho người lao động sẽ được rút ra sau vụ tai nạn. Nhưng mất mát và nỗi đau của những gia đình nạn nhân phải gánh chịu thì sẽ còn kéo dài.
Và trên dọc dài đất nước, còn có không ít gia đình nạn nhân của TNLĐ đã và đang phải chịu nỗi đau ấy.
Bộ LĐ,TB&XH cho biết, trong năm 2023, cả nước đã xảy ra 7.394 vụ TNLĐ. Trong đó có 662 vụ TNLĐ chết người; số người chết vì TNLĐ là 699 người; số người bị thương nặng do TNLĐ là 1.720 người.
Ở tỉnh ta, số liệu thống kê cho thấy, TNLĐ đều tăng trong 3 năm 2018-2020. Năm 2021, số vụ TNLĐ giảm (toàn tỉnh ghi nhận 1 vụ tai nạn lao động, làm 1 người chết), nhưng năm 2022, số vụ TNLĐ lại tăng vọt, với 7 vụ, làm 7 người bị nạn, 2 người chết, 5 người bị thương nặng.
Và năm 2023, theo báo cáo của UBND tỉnh, TNLĐ và thiệt hại về người tăng hơn so với năm 2022 (tăng 4 vụ và 6 người chết).
Tất nhiên, không thể vì thực trạng TNLĐ mà cho rằng công tác quản lý an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trên địa bàn tỉnh đang bị buông lỏng, như một số ý kiến sau mỗi vụ tai nạn xảy ra.
Cần phải khẳng định rằng, trong thời gian qua, tỉnh và các ngành chức năng đã rất quan tâm đến công tác an toàn vệ sinh lao động. Công tác tuyên truyền, hướng dẫn thi hành Luật ATVSLĐ và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về ATVSLĐ được quan tâm triển khai.
Các cơ quan quản lý nhà nước cũng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về ATVSLĐ. Bên cạnh đó, quan tâm theo dõi sát sao tình hình TNLĐ; công tác thanh tra, kiểm tra được thực hiện kịp thời để ngăn ngừa các TNLĐ không đáng có xảy ra.
Nhận thức của các cấp, các ngành, người sử dụng lao động, người lao động và cộng đồng về ATVSLĐ ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, nhiều hoạt động hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ được triển khai rộng khắp với các hình thức phù hợp với tình hình thực tế.
Ở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, công tác tuyên truyền, đào tạo cho cán bộ quản lý ATVSLĐ, người sử dụng lao động và người lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động cũng được quan tâm.
Theo thống kê, năm 2023, tỷ lệ huấn luyện ATVSLĐ đạt 36,28%, tăng 6,71% so với năm 2022; có 2.529 lao động được khám sức khỏe định kỳ; 1.990 đơn vị tham gia đóng bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp cho 38.973 người; số cơ sở, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch và tổ chức tự kiểm tra công tác AT VSLĐ tăng lên.
Vậy thì nguyên nhân dẫn đến mất ATVSLĐ là đâu?
|
Theo phân tích của các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến TNLĐ, nhưng tựu trung, đều xuất phát từ việc người sử dụng lao động, người lao động vi phạm các quy định về an toàn.
Chủ sử dụng lao động thường ít coi trọng việc huấn luyện an toàn lao động cho người lao động; lơ là việc kiểm tra định kỳ về kỹ thuật an toàn đối với các thiết bị, máy móc có yêu cầu nghiêm ngặt; không mấy quan tâm đến việc trang bị phương tiện bảo hộ.
Trong khi đó, nhiều người lao động chưa được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, chủ quan trong làm việc; thiếu kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn đầy đủ và tác phong công nghiệp còn rất hạn chế.
Đây là thực trạng phổ biến. Không khó để bắt gặp hình ảnh người lao động xỏ đôi dép lê, đội mũ lưỡi trai đứng chông chênh trên giàn giáo mà không có một dụng cụ bảo hiểm nào; hay nhoài người ra để kéo cái xe rùa đầy gạch treo bung biêng trên dây ròng rọc.
Về phía cơ quan quản lý nhà nước, có lúc, có nơi thiếu kiểm tra, giám sát vấn đề ATVSLĐ. Chính quyền cơ sở ở một số nơi cũng chưa thực sự quan tâm, dành nguồn lực cho công tác ATVSLĐ.
Vì vậy, để giải quyết thực trạng đáng lo ngại về an toàn lao động hiện nay, cần có sự vào cuộc từ nhiều phía.
Trước hết, các ngành, địa phương, doanh nghiệp cần chủ động xây dựng, ban hành kế hoạch hành động cụ thể về ATVSLĐ. Tăng cường phối hợp liên ngành trong triển khai các hoạt động hỗ trợ, bảo vệ cho người lao động. Đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các vi phạm, trong đó chú trọng hơn đến các làng nghề, hợp tác xã có nguy cơ cao về TNLĐ.
Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất cần quan tâm tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động; tăng cường đầu tư, đổi mới công nghệ, thiết bị; thực hiện các biện pháp giảm thiểu rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện nơi làm việc.
Và quan trọng nhất, bản thân người lao động phải có ý thức tự bảo vệ mình. Trong đó, nắm rõ quyền và nghĩa vụ của mình để yêu cầu người sử dụng lao động đảm bảo môi trường làm việc an toàn.
Luôn ghi nhớ nguyên tắc: Kiên quyết từ chối, hoặc rời nơi làm việc, nếu thấy rõ các nguy cơ, sự cố, rủi ro có thể dẫn đến TNLĐ.
Tất cả vì sự an toàn cho mình và những người xung quanh!
Hồng Lam