Vẫn chuyện đông con
Gần đến Ngày Dân số thế giới (11/7), tôi lại nhớ đến chuyện sinh nhiều con ở tỉnh ta. Ai cũng biết sinh con đông kéo theo nhiều hệ lụy, thế nhưng, việc giảm thiểu tình trạng này vẫn đang là bài toán khó.
Sinh năm 1988, đã có 5 con, nhưng khi được hỏi có sinh con nữa hay không, chị phụ nữ ở thôn Đăk Kđem, xã Đăk Ngọk, huyện Đăk Hà vẫn bẽn lẽn trả lời: “Không biết!”
Cuộc sống của cả gia đình chỉ trông chờ vào việc làm thuê, đã thế, từ lúc lấy chồng, mới sinh đứa này, lại bầu đứa khác, ít có thời gian cùng chồng làm kinh tế nên gia đình chị đã khó, càng thêm khó. Chật vật cảnh “giàu con, nghèo của”, thế mà sau khi đứa thứ 5 ra đời, chị vẫn không dùng biện pháp tránh thai.
Những trường hợp như chị không phải hiếm, nhất là chị em ở các làng đồng bào DTTS. Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh người mẹ sinh năm 1980 ở xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy, héo hon, ngồi ủ rũ bên 10 đứa con nheo nhóc. Năm sinh của các con chị không nhớ rõ, thậm chí, tên đứa này lộn qua đứa khác, vậy mà, chị vẫn chưa có ý định dừng lại. Với chị, “trời sinh voi sinh cỏ”, việc sinh con vẫn thuận theo tự nhiên dù gia cảnh rất khó khăn.
|
Hai trường hợp kể trên là minh chứng thực tế cho việc sinh con thứ 3 trở lên chưa có dấu hiệu thuyên giảm, nhất là ở vùng đồng bào DTTS. Cụ thể hơn, theo số liệu của Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Sở Y tế), trong 6 tháng đầu năm 2024, có 504 trẻ được sinh ra là con thứ 3/tổng 3.669 trẻ được sinh ra, chiếm tỷ lệ 13,73%. Ngoài ra, theo kết quả rà soát số liệu phụ nữ sinh con thứ 3 trở lên trên địa bàn tỉnh, số lượng phụ nữ sinh con thứ ba trở lên là 14.395/95.801 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (chiếm tỷ lệ 15,3%).
Sinh con đông, sinh con dày là một trong những nguyên nhân dẫn đến nghèo khó. Như những trường hợp nêu trên, vì con đông, ít có thời gian dành cho lao động sản xuất, tư liệu sản xuất hạn chế, người phụ nữ chỉ luẩn quẩn với việc mang bầu và sinh con nên đời sống đã khó, càng khó hơn.
Không chỉ khiến đời sống khó khăn, việc sinh đông con cũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến ảnh hưởng chất lượng dân số. Những đứa trẻ chưa được 1 tuổi đã phải làm anh, làm chị, không được chăm sóc đủ đầy nên khó tránh khỏi tình trạng suy dinh dưỡng. Thiếu ăn, thiếu mặc, lại không được bố mẹ quan tâm đến việc học hành, nhiều cháu trong độ tuổi học trung học đã phải bỏ dở việc học để ở nhà phụ giúp bố mẹ. Sức khỏe bị ảnh hưởng, học hành dở dang, tương lai của những đứa trẻ sinh ra trong gia đình nghèo mờ mịt cũng khó thoát khỏi đói nghèo.
Sinh con đông kéo theo biết bao hệ lụy, thế nhưng, vì nhiều nguyên nhân nên tình trạng trên rất khó kiểm soát. Như đã nói, nhiều người vẫn có tư tưởng “trời sinh voi sinh cỏ”; một số người lại nghĩ rằng sinh nhiều con để có thêm nguồn lao động, để được xét vào hộ nghèo, để được hưởng các chế độ chính sách. Một số khác vì sinh con một bề nên sinh con thứ 3, thứ 4, thậm chí nhiều hơn nữa vì muốn “có nếp có tẻ”. Ngoài ra, nhiều trường hợp khá giả, dù đã có gái, có trai vẫn muốn sinh thêm con cho “vui cửa, vui nhà”.
|
Nhận thức đầy đủ tính chất khó khăn, phức tạp và lâu dài của công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể đã tích cực triển khai các biện pháp để giảm thiểu tình trạng sinh con thứ 3 trở lên. Đơn cử như Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình triển khai các giải pháp để quyết tâm thực hiện chỉ tiêu giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên xuống dưới 13%. Hay như Hội LHPN tỉnh cũng chủ động xây dựng kế hoạch thành lập mô hình điểm “Gia đình không sinh dày và không sinh nhiều con”; “Gia đình hạnh phúc” năm 2024 để kiểm soát và giảm thiểu tình trạng sinh con đông.
“Dù gái hay trai chỉ hai là đủ”, qua các hình thức tuyên truyền, vận động, các gia đình nên thực hiện theo thông điệp trên để bảo vệ sức khỏe cho phụ nữ, cho trẻ em, giúp trẻ em được phát triển toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng dân số, đồng thời giảm gánh nặng cho công tác an sinh xã hội của địa phương.
Hoài Tiến