Vai trò của Hội Nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới
Trong những năm qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh có nhiều đóng góp cho sự phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần quan trọng trong việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh. Đây có thể nói là kết quả từ việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới của tỉnh ta.
Những năm qua, dưới sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy, Hội Nông dân tỉnh tích cực đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020” theo Kết luận 61-KL/TW, ngày 01-12-2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng trong các cấp Hội Nông dân trên địa bàn. Qua đó, các cấp Hội Nông dân vào cuộc tuyên truyền vận động, góp phần làm thay đổi nhận thức trong hội viên nông dân, tạo sức mạnh lan tỏa trong hội viên nông dân về việc chủ động tham gia phát triển kinh tế hộ gia đình và xây dựng nông thôn mới.
Sau gần 10 năm thực hiện, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh ngày càng khẳng định vai trò “trung tâm” hỗ trợ, khơi dậy sức mạnh của nông dân trong việc xây dựng đời sống kinh tế - xã hội, đưa các vùng nông thôn ngày càng phát triển về mọi mặt, góp phần quan trọng triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Để phát huy vai trò nòng cốt của người dân, khơi dậy và huy động sức dân trong xây dựng nông thôn mới, trong các năm qua, các cấp Hội Nông dân chú trọng tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới kết hợp với việc thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn mình” do Ủy ban MTTQ các cấp phát động.
Một trong những thành công trong việc tham gia xây dựng nông thôn mới đó là tuyên truyền, vận động hội viên nông dân thực hiện phong trào thu gom rác thải, chung tay bảo vệ môi trường nông thôn. Hội Nông dân tỉnh đã triển khai nhiều nhiệm vụ và giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường ở nông thôn như tổ chức tập huấn, hướng dẫn các địa phương xây dựng mô hình thu gom rác thải. Đến nay, toàn tỉnh xây dựng được 94 mô hình Hội nông dân tham gia bảo vệ môi trường.
Bên cạnh đó, các cấp Hội Nông dân đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, nông thân tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, xây dựng các mô hình ở khu dân cư như mô hình khu dân cư và gia đình bảo đảm trật tự an toàn giao thông; mô hình khu dân cư phòng, chống tội phạm; mô hình khu dân cư văn hóa kiểu mẫu...
Hàng năm, trong các đợt ra quân xây dựng nông thôn mới, Hội Nông dân các huyện, thành phố phối hợp với các ngành, đoàn thể tích cực vận động nhân dân đóng góp hàng triệu ngày công lao động để làm mới, tu sửa đường giao thông nông thôn, sửa chữa và kiên cố hóa kênh mương nội đồng, cầu cống. Qua đó, người dân đóng góp hàng tỷ đồng; tự nguyện hiến 42ha đất ở, đất vườn và nhiều tài sản, cây cối… trị giá hàng trăm tỷ đồng để góp phần làm các công trình hạ tầng nông thôn như: đường giao thông, nhà trẻ, sân vận động…
|
Những năm qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Chính sách xã hội củng cố dịch vụ ủy thác ở các xã, thị trấn; củng cố tổ tiết kiệm và vay vốn. Hội tích cực tham gia tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên về quy trình, thủ tục vay vốn; phối hợp với Ngân hàng giải ngân kịp thời sau khi thu hồi vốn và khi có nguồn bổ sung mới đảm bảo đến đúng đối tượng; đồng thời hướng dẫn, tư vấn để các hộ dân sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của từng gia đình. Tính đến nay, tổng vốn vay dư nợ do Hội Nông dân tín chấp lên tới 699.188,9 triệu đồng.
Để định hướng nông dân phát triển kinh tế nông nghiệp phù hợp với xu hướng thị trường hiện nay, những năm gần đây, Hội Nông dân từ tỉnh tới các địa phương đẩy mạnh vận động, hướng dẫn người dân tham gia phát triển kinh tế tập thể, liên kết sản xuất và tiêu thụ hàng hóa đi đôi với việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tạo ra các sản phẩm nông nghiệp có giá trị và khả năng cạnh tranh cao.
Chỉ tính riêng trong năm 2018, các cấp Hội Nông dân đã tư vấn, hướng dẫn các hộ nông dân thành lập mới được 24 tổ hợp tác; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai 15 mô hình khuyến nông nhằm giúp nông dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật, áp dụng phương thức sản xuất theo hướng hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Hiện, Hội Nông dân tỉnh đang nhận ủy thác từ Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương cho tỉnh ta là 5,94 tỷ đồng để thực hiện 7 dự án cải tạo và chăm sóc cây cà phê, chăn nuôi bò sinh sản theo hình thức bán công nghiệp và chăm sóc cây cao su. TH |
Các cấp Hội còn phối hợp với Trung tâm Khuyến nông -Khuyến lâm, Sở Khoa học và Công nghệ, các doanh nghiệp tổ chức 142 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho gần 9.000 lượt hội viên, nông dân; tổ chức hơn 50 buổi hội thảo tập trung vào việc hướng dẫn người dân về kỹ thuật trồng, bảo quản rau an toàn, sử dụng phân bón hiệu quả, sử dụng máy cơ giới trong sản xuất…
Hội Nông dân tỉnh phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động nông thôn; tư vấn, giới thiệu việc làm cho nhiều người đi xuất khẩu lao động. Qua đó, chất lượng lao động được nâng lên, tạo ra nhiều cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho người dân; từ đó góp phần quan trọng vào việc thực hiện tiêu chí về cơ cấu lao động, thu nhập, giảm hộ nghèo trong chương trình xây dựng nông thôn mới…
Với những việc làm thiết thực, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã khơi dậy và phát huy tiềm năng của hội viên nông dân trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới; từ đó khẳng định vai trò nòng cốt, trách nhiệm chủ đạo của Hội Nông dân trong xây dựng nông nghiệp, nông thôn, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu của chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Thiên Hương