Uống nước nhớ nguồn
Hơn 20 năm trôi qua, tôi vẫn nhớ như in những ngày được đến thăm, phụ giúp Mẹ Việt Nam Anh hùng Y HMỗi ở thôn Lâm Tùng, xã Ia Chim, thành phố Kon Tum. Ngày ấy, dưới sự hướng dẫn của cô tổng phụ trách đội, những đội viên chúng tôi đã làm được nhiều phần việc có ý nghĩa thiết thực.
Mỗi tuần, chúng tôi đều dành một ngày để phụ giúp mẹ Y HMỗi. Các bạn nam gánh nước, gánh củi; các bạn nữ quét dọn xung quanh nhà, thổi lửa nấu cơm. Khi mọi việc tươm tất, còn thời gian, tất cả ngồi quây quần, vừa kể chuyện cho mẹ nghe, vừa nghe mẹ kể về những tháng năm kháng chiến đầy gian khổ, hy sinh.
|
Mẹ HMỗi mất đã lâu, song kỷ niệm những ngày được gặp, được chia sẻ, được chăm sóc mẹ vẫn còn mãi trong hồi ức của tôi. Ngày ấy, chúng tôi chưa thực sự hiểu hết ý nghĩa của việc mình làm. Bây giờ, nghĩ lại, thấy mình thật may mắn vì được góp sức làm những việc phù hợp với lứa tuổi, thể hiện lòng biết ơn với Mẹ Việt Nam anh hùng, những người có công với cách mạng.
Càng lớn lên tôi càng thấy và hiểu hơn về sự tri ân của Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị đối với các Mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng.
Cũng như các đội viên, trong quá trình học tập và làm việc, nhiều đoàn viên, thanh niên được tham gia các hoạt động tri ân, tặng quà, thăm hỏi các gia đình chính sách; được tuyên truyền, hỗ trợ, giúp đỡ người có công với cách mạng; được tham gia về các “địa chỉ đỏ” hay thắp nến tri ân tại các nghĩa trang liệt sĩ. Qua các hoạt động, những đoàn viên, thanh niên thấu hiểu hơn những hy sinh của các thế hệ đi trước, thấy được trách nhiệm của mình với xã hội, nêu cao tinh thần xung kích, “thắp lửa” truyền thống.
Không riêng các tổ chức đoàn thanh niên, từ nhiều năm qua, công tác đền ơn, đáp nghĩa và chính sách với người có công cách mạng luôn được hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh quan tâm và nỗ lực làm tốt. Theo đó, việc phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam anh hùng, giúp đỡ thương binh, bệnh binh, các gia đình liệt sĩ, ủng hộ và giúp đỡ các nạn nhân chất độc màu da cam; thăm, tặng quà cho người có công, gia đình người có công trong các dịp lễ, tết trở thành việc làm thường xuyên với tình cảm và tinh thần trách nhiệm cao của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương.
|
Việc chăm sóc sức khỏe, nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ được chú trọng. Các chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công và gia đình có công với cách mạng luôn được các cấp, các ngành, chính quyền địa phương quan tâm, triển khai kịp thời, đầy đủ. Song song đó, công tác cải tạo, sửa chữa các công trình nhà bia liệt sĩ, di tích lịch sử cũng luôn được tỉnh ta quan tâm thực hiện hiệu quả. Không tính những năm trước, theo kế hoạch đề ra trong năm 2024, các cơ quan chức năng trong tỉnh thực hiện cải tạo, sửa chữa, nâng cấp 9 công trình nhà bia liệt sĩ. Những hoạt động đó, thể hiện lòng tri ân, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ mai sau.
Máu đào của các thế hệ đi trước làm cho đất nước ta “nở hoa”. “Uống nước nhớ nguồn”, được sống trong hòa bình, độc lập, cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc, các thế hệ sau càng phải nêu cao ý thức “đền ơn đáp nghĩa”, trân quý hơn những cống hiến, hy sinh to lớn của các thế hệ đi trước.
Dù ở đâu, làm gì, trong trái tim mỗi người mãi mãi khắc ghi công ơn, sự hy sinh, cống hiến to lớn của các anh hùng, liệt sĩ, người có công với cách mạng đối với dân tộc. Việc khắc ghi công ơn đó là đạo lý, là truyền thống tốt đẹp của dân tộc và cũng để chúng ta thấy được trách nhiệm của mình với thế hệ đi trước, nỗ lực góp phần xây tỉnh nhà, xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Hoài Tiến