Tuyển sinh đầu cấp ở thành phố Kon Tum: Phụ huynh chen chân nộp hồ sơ vào trường điểm
Công tác tuyển sinh đầu cấp năm học 2017-2018 trên địa bàn thành phố Kon Tum, đặc biệt ở các trường điểm như: THCS Nguyễn Sinh Sắc, Tiểu học Lê Hồng Phong… đang gặp khó. Phụ huynh chen chân nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển cho con em có hộ khẩu thường trú đúng tuyến tăng bất thường, từ 40-70%/tổng số trẻ em trên địa bàn quản lý ở địa phương. Điều này đã gây áp lực tăng hồ sơ ảo tuyển sinh dồn về vài trường điểm trong một địa bàn.
Hồ sơ có hộ khẩu thường trú vẫn bị loại
Liên tiếp các ngày 1-3/6, hàng chục phụ huynh trên địa bàn thành phố phản ánh các trường điểm nội thành đã từ chối tiếp nhận hàng trăm hồ sơ học sinh đăng ký xét tuyển đầu cấp, với lý do học sinh có hộ khẩu thường trú trên địa bàn nhưng không có tên trong danh sách phổ cập giáo dục địa phương.
Chị Toàn ở đường Ngô Miên (tổ 16, phường Quang Trung) bức xúc: Năm 2005 đến nay, tôi là chủ sổ hộ khẩu gia đình, trong đó có kê khai con gái ruột Đ.H.A.T sinh năm 2006. Điều kiện này quyết định con tôi học ở Trường THCS Nguyễn Sinh Sắc là đúng tuyến lớp 6 năm học tới. Tuy nhiên, đến làm các thủ tục đăng ký cho con vào trường, giáo viên đối chiếu điều kiện xét tuyển, sau đó đã từ chối tiếp nhận hồ sơ với thông báo, cháu không có tên trong danh sách theo dõi phổ cập giáo dục ở phường Quang Trung. Dù trước đó, con tôi có đầy đủ các loại giấy tờ chứng nhận hoàn thành chương trình học tiểu học, giấy khai sinh bản gốc… và hộ khẩu thường trú tại đây.
Rơi vào cảnh như chị Toàn, anh H (ở đường U Re) phàn nàn: Nhà tôi có 2 cháu chuyển vào học đầu cấp ở Trường Tiểu học Lê Hồng Phong và THCS Nguyễn Sinh Sắc. Nhưng các cháu không có tên ở sổ phổ cập giáo dục của địa bàn, tôi không biết vì sao như thế. Hơn 2 năm cư trú tại phường Quang Trung, tôi không thấy cán bộ, hay giáo viên nào đến hỏi việc bổ sung các cháu vào danh sách phổ cập.
Anh H cho biết thêm, hai ngày liên tiếp (1-2/6), anh đã bỏ công việc đến UBND phường đề nghị xác nhận thông tin này không đúng, để tránh thiệt thòi về quyền lợi học tập cho con em. Song, cán bộ địa phương hướng dẫn anh quay về làm việc với đơn vị tuyển sinh, bởi lẽ công tác rà soát, bổ sung danh sách theo dõi công tác phổ cập giáo dục do cơ sở giáo dục đảm trách cập nhật hàng năm.
Nỗ lực giải quyết
Trước thực tế tăng đột biến hơn 50% số lượng hồ sơ của trẻ có hộ khẩu tại địa bàn phường Quang Trung đăng ký xét tuyển đầu cấp các trường điểm trên địa bàn, trong đó có Trường Tiểu học Lê Hồng Phong, bà Phan Thị Đông - Hiệu trưởng trường này giãi bày: Hàng năm, Ban giám hiệu đều triển khai tuyển sinh lớp 1 đúng tinh thần chỉ đạo ngành Giáo dục phân tuyến học sinh theo địa bàn cư trú và đảm bảo các yêu cầu khác đặt ra. Tuy nhiên, liên tiếp các ngày đầu tiếp nhận hồ sơ, đơn vị phát hiện tăng bất thường 100 hồ sơ của trẻ có hộ khẩu thường trú nhưng không có danh sách cập nhật phổ cập giáo dục hàng năm trên địa bàn. Trong khi 170 chỉ tiêu được giao tuyển sinh vào lớp 1 năm học 2017 - 2018, nhà trường đã kiểm tra hồ sơ, đảm bảo đầy đủ đạt yêu cầu các điều kiện đề ra và lập danh sách báo cáo ngành chức năng quản lý.
Bà Đông cho biết thêm, đối với 100 hồ sơ phát sinh bất thường, nhà trường không tiếp nhận giải quyết, mà có báo cáo về Phòng GD&ĐT thành phố Kon Tum, UBND phường Quang Trung đề nghị kiểm tra, xác nhận lại từ các tổ trưởng tổ dân phố và ban chỉ đạo phổ cập địa phương về số học sinh phát sinh hộ khẩu thực tế có cư trú, học tập ở trường mầm non trong tuyến không và xin ý kiến chỉ đạo cấp trên tiếp theo.
|
Còn ở Trường THCS Nguyễn Sinh Sắc, trước phản ứng của các phụ huynh, ông Bùi Tấn Phát - Hiệu trưởng nhà trường thông tin, năm học tới đơn vị được tuyển sinh lớp 6 với tổng số 405 chỉ tiêu, để bố trí vào các lớp đại trà, chất lượng cao. Các ngày đầu tháng 6, đơn vị trực tiếp nhận hơn 380 hồ sơ hợp lệ đăng ký xét tuyển vào trường, trong đó 235 trẻ có tên trong danh sách phổ cập giáo dục và có hộ khẩu thường trú tại phường Quang Trung; 96 hồ sơ ngoài địa bàn được kiểm tra đảm bảo điều kiện ban đầu có học lực ở các cấp tiểu học đạt điểm 9 trở lên đối với môn Toán và tiếng Việt, cộng thêm điểm ưu tiên dành cho học sinh đạt các giải thưởng qua các kỳ thi học sinh giỏi văn hóa, năng khiếu cấp thành phố đến quốc gia…
Ông Phát trao đổi, vướng mắc hiện tại chừng 30 em có hộ khẩu cư trú thường xuyên nhưng không có tên phổ cập giáo dục tại địa phương, giáo viên tiếp nhận hồ sơ chưa giải thích thấu đáo cho phụ huynh. Vì vậy, nhiều người có tâm lý lo lắng con em không đạt được nguyện vọng vào trường đã tập trung trước phòng làm việc của Ban giám hiệu yêu cầu phải tiếp nhận hồ sơ; trường hợp không tiếp nhận phải có văn bản, hoặc lời phê giải thích thỏa đáng…
Ông Phát giải thích, hàng năm, ban chỉ đạo công tác phổ cập địa phương triển khai công tác kiểm tra, kê khai bổ sung các cháu vào sổ lập lưu trữ công tác phổ cập các cấp. Song có thể vì nhiều lý do, chủ hộ đi làm ăn xa, không có ở nhà khi đoàn kiểm tra đến rà soát, nên vô tình các cháu bị bỏ sót tên, mong các bậc phụ huynh thông cảm.
Ông Phát cũng khẳng định: Những trường hợp vướng mắc trên, đơn vị đã và đang lập danh sách báo cáo với UBND phường Quang Trung, Phòng GD&ĐT thành phố để có hướng giải quyết hợp lý nhất, đảm bảo về quyền lợi học tập của học sinh. Hơn nữa, tổng chỉ tiêu tuyển sinh lớp 6 là 405 học sinh, đến cuối ngày 4/6 mới có 331 hồ sơ hợp lệ.
Thực tế cho thấy, tình trạng phụ huynh “chạy” hộ khẩu hợp lệ cho trẻ vào trường điểm trên địa bàn thành phố Kon Tum đã xảy ra từ nhiều năm qua. Xét về nhu cầu xã hội đến tâm lý phụ huynh đều muốn con em được học trường điểm là chính đáng, vì sự kỳ vọng học tập tốt hơn cho tương lai. Song thực tế các năm gần đây, ngành GD&ĐT thành phố nói riêng, toàn tỉnh nói chung đã thực hiện luân chuyển, tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ, giáo viên bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ giáo dục đạt chuẩn, trên chuẩn tương đồng ở các trường. Do đó phụ huynh cần tỉnh táo, không nên chạy theo “đám đông” mà vô tình làm nảy sinh tiêu cực, ảnh hưởng đến quyền lợi giáo dục tương lai về sau của con em.
Mai Trâm