Tu Mơ Rông: Nhiều mô hình giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Sau 3 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, các cấp, các ngành ở huyện Tu Mơ Rông đã xây dựng nhiều mô hình để hỗ trợ, hướng dẫn cho nhân dân. Từ các mô hình cụ thể cộng với sự hỗ trợ, hướng dẫn kịp thời, nhiều hộ đồng bào DTTS ở Tu Mơ Rông đã thay đổi nếp nghĩ, bỏ dần những hủ tục, tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững.
Qua 3 năm triển khai Cuộc vận động, trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông đã xây dựng được 65 mô hình, chủ yếu là các mô hình giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất nông nghiệp. Qua đó, số hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương để nuôi, trồng, biết chi tiêu hợp lý để tích lũy vốn đầu tư tái sản xuất vào thời điểm năm 2021 là 2.048 hộ, đạt tỷ lệ 50%, đến năm 2023 là 2.022 hộ, đạt tỷ lệ 81,43%.
|
Đăk Hà là xã triển khai được nhiều mô hình nhất trong huyện, 13 thôn đều xây dựng được mô hình qua đó giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, vươn lên trong cuộc sống. Ông Dương Đăng Khoa - Chủ tịch UBND xã Đăk Hà cho biết: 13 mô hình chủ yếu là phát triển chăn nuôi, dược liệu, cây ăn quả và vườn ao chuồng đã thu hút được 45 hộ nghèo, cận nghèo tham gia. Qua 3 năm triển khai, các mô hình đều đã phát huy hiệu quả. Như 2 mô hình trồng cỏ voi nuôi bò ở thôn Ngọc Leang và thôn Tu Mơ Rông, người dân trồng cỏ voi để nuôi bò, trâu và hàng năm xuất bán bò, trâu cho lợi nhuận khoảng 30-40 triệu đồng/năm; mô hình trồng cây ăn quả ở thôn Đăk Hà trồng hơn 12 ha cây dứa, 5 ha cây táo, thu lợi nhuận hằng năm từ 100 -200 triệu đồng; mô hình vườn, ao, chuồng, rừng kết hợp ở thôn Tu Mơ Rông có lợi nhuận từ bán trâu, bò thịt từ 60-90 triệu đồng/năm.
Ông A Hai- ở thôn Tu Mơ Rông, xã Đăk Hà tâm sự: Được cán bộ huyện, cán bộ xã tuyên truyền, vận động và hỗ trợ, tôi quyết định xây dựng mô hình vườn, ao, chuồng, rừng kết hợp. Hiện nay gia đình tôi chăn nuôi 20 con trâu, bò có chuồng trại, trồng 0,2ha cỏ voi để chủ động nguồn thức ăn cho trâu bò, 2ha bời lời, 0,2ha ao cá, trồng 1.000 cây gáo vàng và 10.000 cây bò ma. Sự thay đổi trong nếp nghĩ, cách làm đã giúp cho gia đình tôi có nguồn thu nhập ổn định, có rau, cá để cải thiện bữa ăn hằng ngày. Chỉ riêng từ việc bán trâu bò mỗi năm gia đình cũng thu được 60-90 triệu đồng.
Có điều kiện tự nhiên phù hợp phát triển cây dược liệu và chăn nuôi nên khi triển khai thực hiện Cuộc vận động, xã Ngọc Lây đã xây dựng được 3 mô hình: Mô hình trồng sâm Ngọc Linh gắn với quản lý bảo vệ rừng ở thôn Lộc Bông, mô hình nuôi bò ở thôn Kô Xia II và mô hình nuôi heo ở thôn Măng Rương 1. Với sự định hướng, hỗ trợ của cán bộ xã, cán bộ các thôn, các hộ nghèo, cận nghèo tham gia các mô hình đã được tiếp cận với cách thức sản xuất, phát triển kinh tế gia đình mới và từ đó có sự thay đổi tích cực trong nếp nghĩ, cách làm, từng bước vươn lên thoát nghèo.
|
Tiêu biểu như mô hình trồng sâm Ngọc Linh gắn với quản lý bảo vệ rừng ở thôn Lộc Bông với sự tham gia của 4 hộ nghèo trên địa bàn thôn. Ông Nguyễn Anh Vũ – Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Lây cho biết, qua sự định hướng của xã, người dân thôn Lộc Bông đã xây dựng mô hình trồng sâm Ngọc Linh gắn với quản lý bảo vệ rừng. 4 hộ tham gia đều là hộ nghèo được tạo điều kiện vay vốn, được hỗ trợ kỹ thuật để trồng sâm Ngọc Linh vươn lên thoát nghèo. Như vậy, đến nay, 100% hộ (82/82 hộ) làng Lộc Bông đều trồng sâm Ngọc Linh với tổng diện tích khoảng 8 ha, tương đương khoảng 80.000 cây, chiếm hơn 60% diện tích sâm Ngọc Linh trồng trên địa bàn xã. Điều đáng mừng là qua mô hình, người dân càng nâng cao ý thức về quản lý bảo vệ rừng, các hộ dân không đốt phá rừng, phân chia nhau thường xuyên đi kiểm tra, bảo vệ diện tích rừng và diện tích sâm trồng dưới tán rừng.
Cùng với sự hỗ trợ từ các chương trình, dự án cộng với việc xây dựng hiệu quả các mô hình, sau 3 năm triển khai Cuộc vận động, nhiều hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện thay đổi nếp nghĩ, bỏ dần những hủ tục, tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững. Đặc biệt, nhiều hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo có đời sống được cải thiện; số hộ nghèo, cận nghèo là người DTTS thoát nghèo bền vững ngày càng tăng, năm 2021 là 4.096 hộ, đạt tỷ lệ 13,74%, năm 2022 có 3.291 hộ, đạt tỷ lệ 20,60% và năm 2023 có 2.483 hộ, đạt tỷ lệ 27,90%.
Phúc Nguyên