Tu Mơ Rông: Khi đồng bào Xơ Đăng thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Là huyện nghèo theo Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ, Tu Mơ Rông có hơn 96% dân số là đồng bào Xơ Đăng. Trong những năm gần đây, với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, đồng bào dân tộc Xơ Đăng ở Tu Mơ Rông đã tích cực thay đổi nếp nghĩ, cách làm để xây dựng cuộc sống mới.
Tuyên truyền là then chốt
Đầu năm 2021, Tỉnh ủy Kon Tum chủ trương triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”. Có thể nói đây chính là động lực to lớn giúp đồng bào các DTTS của tỉnh Kon Tum nói chung, của huyện Tu Mơ Rông nói riêng tự tin và mạnh dạn vươn lên.
Để giúp dân hiểu về Cuộc vận động, huyện Tu Mơ Rông đã cụ thể hóa các nội dung tuyên truyền như “10 biết đối với nhân dân”, “10 cần đối với cán bộ, đảng viên”. Cùng đó, chính quyền các xã cử cán bộ phối hợp với các đoàn thể, già làng, người có uy tín, người làm kinh tế giỏi đến tận nhà, tận ruộng rẫy để hướng dẫn trực tiếp cho dân.
|
Anh A Tư ở xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông cho biết: Trước đây bà con cứ phát rừng làm rẫy, trồng mì, hiệu quả kinh tế không cao. Dân được tuyên truyền nhiều lần phải thay đổi cách làm, nhưng không ai dám vì sợ mất công, mất của. Cho đến khi cán bộ đến từng nhà tuyên truyền, lên rẫy chỉ cụ thể, người dân tự tin, làm theo. Giờ mọi người mạnh dạn chuyển đất rẫy sang trồng rừng, các loại cây khác, hiệu quả hơn.
Từ chặt phá rừng làm rẫy, người dân đã chú trọng giữ, bảo vệ và phát triển rừng. Trong 2 năm qua, Tu Mơ Rông đã trồng mới, phủ xanh gần 200ha đất rừng.
Có gần 10ha đất rẫy, anh A Hai ở thôn Tu Mơ Rông xã Đăk Hà đã mạnh dạn trồng rừng. “Tôi thấy nhiều người trồng rừng để phủ đất trống, bạc màu rất tốt nên chuyển sang trồng cây gáo vàng, kết hợp chăn nuôi gia súc. Giờ đồi trọc đã được phủ xanh”- anh A Hai phấn khởi nói.
Từ công tác tuyên truyền, vận động, đồng bào Xơ Đăng ở huyện Tu Mơ Rông đã không trông chờ, ỷ lại, chủ động, tự tin hơn, biết tận dụng lợi thế thổ nhưỡng, môi trường, khí hậu để trồng dược liệu, nhất là sâm dây, sâm Ngọc Linh.
Vui mừng khi nhận thức của dân thay đổi, ông Võ Trung Mạnh- Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: Sau gần 3 năm triển khai, tôi thấy có 2 chuyển biến lớn trong dân, đó là thay đổi trong quản lý, bảo vệ rừng, người dân không trông chờ, mà đã bỏ vốn để đầu tư; không ỷ lại các nguồn vốn của Nhà nước để phát triển kinh tế gia đình mà tự vay vốn để làm. Đây là nền tảng, tiền đề hướng đến cuộc sống no ấm hơn.
Kỳ vọng ở tương lai
Sau gần 3 năm, có 1/4 số hộ đồng bào DTTS ở huyện Tu Mơ Rông đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tự tin hơn. Cùng đó, chính quyền huyện Tu Mơ Rông cũng đang nỗ lực, tìm mọi nguồn lực giúp dân.
Cụ thể, huyện thực hiện lồng ghép các chương trình MTQG, chính sách an sinh xã hội, huy động các nguồn lực để giúp dân, trong đó chú trọng tận dụng lợi thế đất đai, thổ nhưỡng phát triển dược liệu, nhất là trồng sâm Ngọc Linh. Những năm qua, người dân các xã Măng Ri, Tê Xăng, Ngọk Lây đã liên kết với các doanh nghiệp để trồng sâm Ngọc Linh.
Ngoài việc được trả lương, hỗ trợ lương thực, mỗi năm người dân còn được các doanh nghiệp hỗ trợ cây sâm giống để trồng. Từ kinh nghiệm trồng, chăm sóc sâm cho doanh nghiệp, được hỗ trợ cây giống, người dân đã tự chủ trong việc trồng, phát triển sâm. Đến nay tổng diện tích sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện là hơn 1.200ha, trong đó người dân trồng gần 34ha; gần 200ha sâm dây; hơn 266ha cây dược liệu khác.
|
Từ thay đổi trong nhận thức, đồng bào Xơ Đăng ở Tu Mơ Rông cũng đã chủ động vay vốn, đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Nhờ vay 50 triệu năm 2018 để mua 40 cây sâm Ngọc Linh 3 năm tuổi, kết hợp với bán trâu bò đầu tư trồng sâm, đến nay anh A Sơn ở làng Pu Tá, xã Măng Ri đã sở hữu vườn sâm Ngọc Linh 3.000 cây.
Anh A Sơn cho biết: Sâm tôi mua đã 3 năm tuổi. Sau 1 năm cây cho thu bói hạt. Tôi lấy hạt để ươm tiếp. Hiện nay, diện tích sâm của tôi đã cho hạt nhiều để ươm hoặc bán. Trong 2 năm qua, tiền bán hạt mỗi năm hơn 100 triệu đồng. Ngoài trồng sâm Ngọc Linh, tôi trồng thêm mì, sâm dây để có thu nhập khi đợi sâm Ngọc Linh được thu hoạch (sau 7 năm).
Cùng quan điểm lấy ngắn nuôi dài, lấy nguồn thu từ sâm dây (trồng 1ha), cà phê, kết hợp vốn vay, anh A Bột ở xã Măng Ri đã sở hữu vườn sâm trị giá hàng tỷ đồng.
“Năm 2015 tôi xuất ngũ, dồn tất cả các khoản tiền có được, tôi mua gần 70 cây sâm giống tự nhiên để trồng. Khi sâm cho hạt, tôi tiếp tục gieo. Đến năm 2022, tôi tiếp tục vay vốn ngân hàng để mua thêm cây giống để mở rộng vườn sâm. Nay đã có nguồn thu từ tiền bán hạt sâm giống cho người dân”- anh A Bột cho biết
Theo thống kê của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tu Mơ Rông, đến nay tổng dư nợ cho vay trồng cây dược liệu trên địa bàn đạt gần 100 tỷ đồng với trên 1.000 khách hàng, chủ yếu là trồng sâm Ngọc Linh. Điều này cho thấy, người dân Tu Mơ Rông đã thay đổi nhận thức, mạnh dạn vay vốn để phát triển kinh tế.
Bên cạnh đó, theo ông Võ Trung Mạnh, huyện đã kêu gọi doanh nghiệp vào hỗ trợ, liên kết, dẫn dắt người dân để phát triển, mở rộng vùng trồng. Trong đó, người dân phải có vườn sâm cho mình để thoát nghèo, làm giàu bền vững.
Một chủ trương đúng, với cách làm hiệu quả, thiết thực của Đảng bộ, chính quyền địa phương, cùng nỗ lực của chính mình, đồng bào Xơ Đăng ở huyện Tu Mơ Rông đang vững tin hướng đến tươi lai tươi sáng.
Cao Nguyên