Tu Mơ Rông: Giải “bài toán khó” trong xây dựng nông thôn mới
Tu Mơ Rông là huyện nghèo, còn nhiều khó khăn nên trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gặp không ít trở ngại, nhất là việc huy động nguồn lực trong nhân dân. Vì vậy, đến nay, Tu Mơ Rông vẫn chưa có xã nào đạt chuẩn nông thôn mới.
Những khó khăn vướng mắc
Đến nay, huyện Tu Mơ Rông mới có 5 xã đạt 15 tiêu chí (gồm Ngọk Lây, Đăk Sao, Tê Xăng, Văn Xuôi, Ngọk Yêu); có 4 xã đạt 13 tiêu chí (Đăk Rơ Ông, Măng Ri, Đăk Na, Tu Mơ Rông), 2 xã đạt 12 tiêu chí (Đăk Hà, Đăk Tờ Kan). Tổng số tiêu chí đạt được của huyện hiện nay là 151 tiêu chí; bình quân các xã đạt 13,73 tiêu chí (tăng 20 tiêu chí so với năm 2020).
Theo đánh giá, dù đã rất quyết tâm triển khai các giải pháp, tuy nhiên trong quá trình thực hiện, huyện Tu Mơ Rông vẫn gặp phải những khó khăn, đặc biệt là đối với tiêu chí giao thông, nhà ở, môi trường... cần nguồn vốn lớn để thực hiện thì 2 năm nay chưa được bố trí. Trong khi đó, thu nhập của người dân còn thấp nên một số tiêu chí cần sự đóng góp, huy động trong dân để thực hiện còn hạn chế.
Bên cạnh đó, trong các tiêu chí thì khó nhất là về thu nhập và hộ nghèo. Đây là hai tiêu chí có mối quan hệ chặt chẽ và liên quan đến nhiều tiêu chí khác. Giải quyết được hai tiêu chí này thì sẽ khơi thông được nhiều tiêu chí khác.
Nói về khó khăn trong thực hiện xây đựng nông thôn mới, ông Võ Trung Mạnh- Chủ tịch UBND huyện cho biết: Nguồn lực của huyện hạn chế nhưng 2 năm nay vốn từ chương trình mục tiêu quốc gia chưa có nên việc triển khai gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, tư tưởng trông chờ ỷ lại trong cán bộ công chức xã và người dân vẫn còn nặng; cơ sở hạ tầng dù những năm qua cũng được đầu tư nhưng chưa đảm bảo điều kiện tự nhiên cho nông thôn mới. Hơn nữa, điều kiện tự nhiên chia cắt, nhiều sông suối, độ dốc lớn, nên việc quy hoạch để mở rộng diện tích phát triển, kêu gọi đầu tư, tạo bước đột phá để giải quyết việc làm tăng thu nhập, thoát nghèo cho người dân gặp nhiều khó khăn.
Linh hoạt các giải pháp
Năm 2022, huyện Tu Mơ Rông phấn đấu có 5 xã đạt 18 tiêu chí (Đăk Sao, Tê Xăng, Ngọk Yêu, Văn Xuôi, Ngọk Lây), 3 xã đạt 17 tiêu chí (Đăk Rơ Ông, Đăk Hà, Măng Ri), 2 xã đạt 16 tiêu chí (Đăk Sao,Tu Mơ Rông) và 1 xã đạt 15 tiêu chí (Đăk Tờ Kan). Tổng số tiêu chí đạt được toàn huyện là 188 tiêu chí và bình quân tiêu chí mỗi xã là 17.09 tiêu chí/xã, tăng 37 tiêu chí so với năm 2021.
|
Để đạt được mục tiêu đó, Ban Thường vụ Huyện ủy và UBND huyện có nhiều chủ trương, kế hoạch để đẩy mạnh triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới. UBND huyện đã tiến hành rà soát kế hoạch xây dựng nông thôn mới của từng xã và yêu cầu các xã ít nhất trong năm 2022 phải đạt từ 3 tiêu chí, xã nhiều đến 5 tiêu chí. Đặc biệt, huyện cũng yên cầu các xã phân các chỉ tiêu về kinh tế, xã hội lồng ghép với xây dựng nông thôn mới đến từng thôn, từng địa chỉ, nêu rõ nguồn lực ở đâu và dự kiến các giải pháp cụ thể. Đồng thời huyện Tu Mơ Rông cũng ban hành Kế hoạch 24 về việc thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” ngay trong cán bộ công chức từ huyện, xã, thôn; trong đó có kế hoạch phân công, kiểm tra, giám sát cụ thể trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Huyện cũng dự kiến các nguồn lực hỗ trợ cho xã thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt huyện đã trình Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy chọn thôn nông thôn mới cấp tỉnh, cấp huyện và chỉ đạo các xã chọn các thôn để xây dựng thành thôn điểm trong xây dựng nông thôn mới, sau đó nhân ra diện rộng, phấn đấu đạt kế hoạch đề ra về xây dựng nông thôn mới trong năm 2022.
Trao đổi với phóng viên, ông Võ Trung Mạnh cho biết: Trong thực hiện xây dựng nông thôn mới, 2 tiêu chí thu nhập và hộ nghèo là khó nhất, vì vậy, thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động sâu rộng trong nhân dân và tổ chức các phong trào thi đua “Chung sức xây dựng nông thôn mới”. Ưu tiên phân bổ vốn thực hiện hoàn thành các tiêu chí; tạo điều kiện thuận lợi để các hợp tác xã trên địa bàn huyện tham gia các hoạt động sản xuất, nhất là các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị nhằm đổi mới tổ chức sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Ngoài ra, triển khai hiệu quả công tác đào tạo nghề để giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nắm bắt nhu cầu học nghề của người dân, định hướng cho người dân học nghề.
“Huyện đang tập trung vận động người dân thay đổi nhận thức, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, trước mắt vận động người dân chuyển từ cây mì sang cây rừng, gắn với phát triển rừng và phát triển các loại dược liệu. Chỉ đạo các xã, thôn rà soát hết nguồn lực để hỗ trợ người dân phát triển; triển khai các mô hình liên kết phát triển với doanh nghiệp tạo đầu ra cho sản phẩm, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân” - ông Mạnh cho hay.
Hy vọng với những giải pháp quyết liệt của chính quyền và sự đồng tình hưởng ứng của người dân trên địa bàn, Tu Mơ Rông sẽ đạt được mục tiêu đề ra trong xây dựng nông thôn mới năm 2022.
Phúc Nguyên