Tu Mơ Rông: Đa dạng các hình thức tuyên truyền, góp phần giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Trong những năm qua, nhờ đa dạng các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (TTPBGDPL) về hôn nhân gia đình, nên tình trạng tảo hôn trên địa bàn huyện Tu Mơ Rông đã giảm, đặc biệt không còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống (HNCHT).
Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông Phạm Xuân Quang cho biết: Thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 9, Chương trình MTQG về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT vùng đồng bào DTTS và miền núi (viết tắt là Tiểu dự án 2, Dự án 9), 3 năm qua, huyện thường xuyên chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức TTPBGDPL để người dân nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong hôn nhân gia đình. Đồng thời, lồng ghép tuyên truyền giao lưu văn hóa, lễ hội, hội nghị, sinh hoạt cộng đồng, hoạt động ngoại khóa của các trường học, câu lạc bộ, tổ, nhóm, gắn với việc phát huy vai trò của Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội, già làng, trưởng thôn, người có uy tín trong cộng đồng để tổ chức thực hiện.
Cụ thể, hằng năm, UBND huyện chỉ đạo Phòng Tư pháp phối hợp với Phòng Dân tộc và UBND các xã về các thôn, làng đồng bào DTTS tổ chức hàng trăm buổi TTPBGDPL về hôn nhân gia đình, tảo hôn và HNCHT; phối hợp với Trung tâm Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Truyền thông huyện tổ chức tuyên truyền trên loa phát thanh và loa lưu động; trên pa nô, áp phích, khẩu hiệu tại trung tâm huyện, xã và nhà rông văn hoá các thôn, làng; cấp phát hàng ngàn tờ rơi.
|
Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm nay, các ngành chức năng liên quan của huyện cấp phát 165 sổ tay “Hướng dẫn pháp luật và kỹ năng tuyên truyền”, 5.500 tờ rơi, 86 pano, tổ chức 56 buổi TTPBGDPL về tảo hôn và HNCHT, có trên 1.900 lượt người dân tại 11 xã của huyện tham gia, tập trung vào các đối tượng thanh niên, phụ nữ, trẻ em. Thành lập 2 mô hình điểm “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và HNCHT vùng đồng bào DTTS” tại 2 xã Đăk Sao, Măng Ri, qua đó tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động, tư vấn, can thiệp nhằm tăng cường khả năng tiếp cận thông tin và huy động sự tham gia của cộng đồng thực hiện ngăn ngừa, giảm thiểu tảo hôn và HNCHT.
Ngoài ra, UBND huyện thường xuyên chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND các xã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, bám sát cơ sở, theo dõi, nắm bắt thông tin, kịp thời phát hiện các cặp chưa đủ tuổi kết hôn, nhưng chung sống với nhau như vợ chồng và các trường hợp mẹ đơn thân sinh con dưới 18 tuổi, để từ đó có các biện pháp tuyên truyền, vận động, can thiệp và xử lý theo quy định của pháp luật, hương ước, quy ước của thôn, làng.
Nhờ đó, 6 tháng đầu năm nay, toàn huyện có 115 cặp kết hôn (kể cả chung sống với nhau như vợ chồng), trong đó 110 cặp kết hôn đủ tuổi, chỉ có 4 cặp có vợ hoặc chồng tảo hôn, chiếm gần 3,5% và 1 cặp cả vợ lẫn chồng tảo hôn, chiếm gần 0,9% so với tổng số cặp kết hôn ở huyện. Ngoài ra, chỉ còn 14 phụ nữ DTTS sinh con dưới 18 tuổi do hệ quả tảo hôn của các năm trước còn lại.
|
Có thể nói, thông qua các hoạt động TTPBGDPL và vận động, tư vấn, can thiệp, hỗ trợ của hệ thống chính trị huyện, nên làm thay đổi hành vi, tăng cường khả năng tiếp cận thông tin và huy động sự tham gia của cộng đồng. Đồng thời, tạo chuyển biến về nhận thức và ý thức tự giác chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận động đồng bào các DTTS xây dựng xã hội lành mạnh, “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”, nhằm ổn định chính trị, tạo sự đồng thuận xã hội, thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi được bền vững.
Theo UBND huyện, trong thời gian tới, huyện tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh hơn nữa công tác TTPBGDPL liên quan đến hôn nhân gia đình, tảo hôn và HNCHT; làm rõ những hậu quả, tác hại và hệ lụy do vấn nạn tảo hôn và HNCHT gây ra; qua đó nâng cao nhận thức, dần dần thay đổi hành vi, từng bước hạn chế và tiến tới chấm dứt hoàn toàn tình trạng tảo hôn và HNCHT. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp kế hoạch thực hiện Tiểu dự án 2, Dự án 9.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phạm Xuân Quang đề nghị, trong thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh cần tăng cường hơn nữa công tác tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên thôn làng, Đoàn Thanh niên các trường trung học, nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng truyền thông. Đồng thời, ban hành tài liệu hướng dẫn công tác tuyên truyền để địa phương tổ chức thực hiện, nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về tình trạng tảo hôn và HNCHT trong đồng bào DTTS. Có như vậy, tình trạng tảo hôn và HNCHT ngày càng giảm mạnh, tiến tới xoá bỏ hoàn toàn, đem lại sức khoẻ cho đôi lứa thanh niên, làm nền tảng để xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội.
Hà Nguyên