Tự hào chiến sĩ Điện Biên
“Vậy mà đã 70 năm rồi. Năm nào cũng vậy, cứ vào những ngày tháng 5, tôi lại vui, buồn lẫn lộn. Vui vì toàn thắng, quét sạch thực dân Pháp ra khỏi đất nước, buồn vì nhớ, vì thương rất nhiều đồng đội đã hi sinh trong trận chiến này” - ông Đỗ Hữu Hòa rưng rưng mở đầu câu chuyện với chúng tôi như thế.
Trong căn nhà trên đường Dã Tượng, phường Duy Tân (thành phố Kon Tum), ông Đỗ Hữu Hòa (sinh năm 1929) run run, lấy trong chiếc tủ 1 chiếc rương đựng những giấy tờ xưa cũ được xếp ngay ngắn cho chúng tôi xem. 95 tuổi, nhớ nhớ, quên quên nhiều điều, ấy vậy mà khi được hỏi về Chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, ông vẫn nhớ như in từng chuyện nhỏ. Và nước mắt lại trào lên khóe mắt của người chiến sĩ Điện Biên.
Sinh ra và lớn lên ở thị trấn Quán Lào, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Năm 1951, khi đang học lớp đệ nhị (lớp 11 ngày nay) tại trường Lam Sơn, ông Hòa đã tình nguyện xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ vào đơn vị F312 (nay là Sư đoàn 312). Ông và đồng đội huấn luyện tại tỉnh Cao Bằng, rồi theo tuyến đường lên Đông Bắc, rồi qua mạn Tây Bắc, tiến thẳng lên tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ.
|
Ông Đỗ Hữu Hòa kể, ông tham gia lực lượng bộ binh đánh đồi A2, ai cũng quyết tâm phải đánh thắng trận này. Ông cùng đồng đội tham gia đào hầm, đào hào dưới làn “mưa bom bão đạn” của địch, máy bay lượn vè vè ngay trên đỉnh đầu. Đơn vị ông thay đổi liên tục vì đồng đội hi sinh nhiều, các chiến sĩ còn lại ở các tiểu đoàn gom lại thành tiểu đoàn mới.
Lấy tay áo gạt vội dòng nước mắt chực trào, ông xúc động đọc những câu thơ trong bài “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của nhà thơ Tố Hữu mà ông đã thuộc lòng từ 70 năm trước: “Năm mươi sáu ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt/Máu trộn bùn non/Gan không núng/Chí không mòn/Những đồng chí thân chôn làm giá súng/Đầu bịt lỗ châu mai/Băng mình qua núi thép gai/Ào ào vũ bão/Những đồng chí chèn lưng cứu pháo/Nát thân, nhắm mắt, còn ôm/Những bàn tay xẻ núi lăn bom/Nhất định mở đường cho xe ta lên chiến trường tiếp viện”.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, và sự chỉ huy tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, quân và dân ta đã đập tan tập đoàn cứ điểm vốn được coi là “pháo đài bất khả xâm phạm”, làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải đầu hàng và rút quân về nước.
Sau Chiến thắng Điện Biên, ông được cử đi học kỹ thuật đóng tàu tại trường đào tạo của Bộ Giao thông Vận tải và về làm việc tại Xưởng đóng tàu 4, Nhà máy đóng tàu Hải Phòng 3 năm, rồi lập gia đình. Năm 1972, ông tình nguyện tham gia đi dân công hỏa tuyến, vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược từ tỉnh Thanh Hóa vào trạm tiếp nhận tại tỉnh Quảng Bình.
Với những cống hiến của mình, ông Đỗ Hữu Hòa đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến hạng 2 và hạng 3.
|
Năm 1980, nghe theo tiếng gọi của Đảng đi kinh tế mới, ông động viên vợ và 6 người con vào với Tây Nguyên. Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, ông hướng dẫn, chỉ bảo vợ con chăm chỉ lao động, mở rộng dần diện tích trồng rau các loại, đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể, con cái được học hành và đều có việc làm và thu nhập ổn định.
Theo thống kê, trên địa bàn thành phố Kon Tum có 14 cụ tham gia chiến đấu, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, trong đó ở phường Duy Tân có 5 cụ.
Ông Võ Xuân Tứ - Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh tổ 2, phường Duy Tân cho biết: Mặc dù tuổi cao sức yếu nhưng các cụ vẫn rất nhiệt tình tham gia các buổi sinh hoạt của Hội Cựu chiến binh và các hoạt động của địa phương; luôn gương mẫu nêu gương sáng cho con cháu học tập, noi theo.
HOA BAN