Truyện tranh và trẻ nhỏ
Chẳng ít lần, cô em cứ phàn nàn: “Bọn trẻ chỉ ham đọc truyện tranh nên làm văn chán quá chị ạ! Câu cú thì cộc lốc, diễn đạt lại nghèo nàn”.
Không khỏi bất ngờ và có phần hoang mang trước phát ngôn thẳng thừng của cô, song được sự chia sẻ, tâm tư từ một số giáo viên nhiều năm kinh nghiệm đứng lớp, có thể nhận ra rằng: Dù đó là nhận xét có phần chủ quan, song không hẳn là sai. Bởi thực tế một bộ phận trẻ em nói chung, học sinh nói riêng bị tác động không ít từ một trong số loại sách được xem là gắn bó với lứa tuổi này.
Tuổi thơ đã đi qua từ lâu, song cho đến giờ, thế hệ chạm lục tuần chúng tôi vẫn chưa quên một thuở gắn bó, say sưa với truyện tranh như là một thứ “thức ăn tinh thần” đơn sơ, thuần khiết, thật gần gũi. Từ hồi vỡ lòng, lớp 1, được làm quen với từng trang sách đầu tiên, thì ngoài một ít sách giáo khoa trong chương trình học tập, không thể không kể đến điều may mắn của chúng tôi khi được sớm “làm bạn” với những tập truyện tranh.
|
Điều dễ nhận thấy, ban đầu, xuất phát từ đặc thù lứa tuổi mới làm quen với chữ cái, chữ viết, khả năng tiếp nhận, lưu giữ có hạn, nên loại hình truyện tranh đã ra đời. Trong mỗi câu chuyện, nội dung được truyền tải luôn kèm hình ảnh minh họa, nhằm gia tăng khả năng tác động trực quan giúp tư duy của trẻ dễ dàng, thuận lợi.
Từ nền tảng làm quen với truyện tranh, nên càng lớn, khả năng tiếp cận với các loại sách nhiều chữ của mỗi người càng được hoàn thiện và nâng lên một cách tự nhiên. Tuy vậy, thói quen đọc truyện tranh thì vẫn mãi còn trong sở thích của nhiều người, bởi sự ngắn gọn, súc tích, mà sinh động, dễ hiểu của nó.
Sức cuốn hút của truyện tranh không chỉ nằm ở hình ảnh sinh động, rõ nét, mà chính từ cốt truyện độc đáo, nhân vật “siêu nhân” gắn với bố cục chặt chẽ, các tình huống bất ngờ, tình tiết mang tính liên thông, kết nối một cách logic.
Tuy vậy, vì là truyện tranh, đặc thù hình ảnh chiếm một nửa nội dung chuyện kể, nên văn phong ngắn gọn, tối giản, không nặng về thể hiện ngôn từ, diễn đạt tỉ mỉ.
Mê say truyện tranh là thực tế, song nếu vì thế mà “đổ thừa” cho việc đọc nhiều truyện tranh khiến ảnh hưởng đến khả năng học văn (mà chủ yếu về cách diễn đạt, cách bày tỏ cảm xúc) thì e là có phần phiến diện và thực sự chưa công bằng.
Cần phải nhìn nhận một cách khách quan rằng, “sách” là thế giới đa dạng, phong phú với nhiều thể loại, lĩnh vực khác nhau, mà truyện tranh chính là một phần sinh động, hấp dẫn không thể thiếu. Để tiếp cận tri thức, nâng cao hiểu biết, làm giàu tâm hồn, không thể và không nên chỉ “chăm chăm” vào nội dung một loại hình này.
|
Bởi thế, để giúp trẻ hình thành thói quen đọc sách, trước hết, cần có sự định hướng một cách rõ ràng, sát thực. Từ ban đầu làm quen truyện tranh đến tiếp cận các thể loại khác (như tản văn, tạp bút, truyện ngắn, truyện vừa, hay các loại tiểu thuyết) phù hợp với lứa tuổi, là cả quá trình cần sự gợi mở, định hướng, đồng hành của người lớn với các em. Đi đôi với việc tiếp thu, học hỏi từ sách vở, báo chí, khả năng làm văn của học sinh phụ thuộc vào ý thức tự thân, khả năng vốn có và nhất là năng lực tự học, tự rèn của trẻ.
Có một thực tế là vì “lười đọc”, ngại tư duy, tưởng tượng nên một bộ phận bạn đọc (mà trước hết là lứa tuổi học sinh, trẻ nhỏ) bị lệch trong việc tiếp cận với sách, truyện. Vì chỉ thích đọc truyện tranh cho ngắn gọn, dễ hiểu, nên bản thân đã bỏ qua cơ hội được học hỏi, rèn luyện cách học văn, làm văn của chính mình từ các loại hình sách, truyện khác.
Vậy nên, dù say mê, yêu thích truyện tranh, thì các bạn nhỏ của chúng ta vẫn cần có sự lựa chọn sáng suốt và thông minh với các thể loại sách hữu ích vốn dồi dào, phong phú.
THANH NHƯ