“Trăng” đẹp đêm rằm
Nhìn những đứa trẻ nhận túi quà trung thu xong, đứa nhỏ theo đứa lớn, tự giác gom lại để “gửi cho các bạn ngoài Bắc” mà không cần người lớn “bày vẽ”, bạn sẽ có suy nghĩ gì?
|
Đó là hình ảnh trong đêm rằm Trung thu năm nay ở ngay thôn tôi. Nó trôi qua một cách khá yên tĩnh, không tưng bừng như mọi năm.
Năm ngoái, từ chiều tối, tiếng trống lân ngoài nhà văn hóa thôn đã đổ dồn. Mỗi lần chú lân sặc sỡ vờn múa giữa vòng người thực hiện một động tác đẹp là tiếng vỗ tay, tiếng hò reo lại vang vọng.
Khi kết thúc đêm hội, thanh âm đêm rằm tiếp tục với tiếng cười nói lao xao và ánh đèn lồng tỏa ra từ nhà văn hóa thôn, lăn dần vào các con hẻm.
Đêm rằm Trung thu năm nay mưa lất phất bay, mặt trăng bị mây đen che khuất. Nhà văn hóa thôn không đông vui, náo nhiệt, với múa lân, văn nghệ, phá cỗ.
Khi các bậc cha mẹ đưa con em tập trung đầy đủ, đại diện Đoàn thanh niên thôn đọc Thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước gửi các cháu thiếu niên, nhi đồng nhân dịp Tết Trung thu.
Đồng chí bí thư chi bộ thôn thông tin, cập nhật tình hình ảnh hưởng của bão, lũ lụt tại các địa phương; kêu gọi sự chia sẻ, quyên góp, ủng hộ của trẻ em, gia đình và cộng đồng đối với trẻ em bị ảnh hưởng bởi bão, lũ.
Sau đó, đại diện chi bộ, các tổ chức đoàn thể thôn tặng quà Trung thu đến trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em DTTS. Các phần quà trung thu còn lại được chia thành từng túi để trao cho các cháu.
Nói như vậy không có nghĩa là người lớn không quan tâm, không tổ chức được một đêm Trung thu thật vui cho các cháu như mọi năm.
Trước đó, ban quản lý thôn đã thông báo và lấy ý kiến nhân dân thôn rằng, thiên tai đã gây ra những hậu quả nặng nề ở các tỉnh phía Bắc; nhiều trẻ em không may bị cướp đi sinh mạng; nhiều cháu mất người thân, mất nhà cửa, sống trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
UBND tỉnh cũng vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị, địa phương quan tâm tổ chức các hoạt động Tết Trung thu với tinh thần an toàn, tiết kiệm, thực chất, không phô trương, hình thức.
Vì vậy thôn dự kiến, thay vì những hoạt động tưng bừng, rộn rã, sẽ tổ chức giản dị, tiết kiệm, nhằm thể hiện tinh thần chia sẻ, đồng cảm với trẻ em vùng lũ.
Lẽ tất nhiên, phần lớn đều ủng hộ. Mọi người nắm bắt thông tin hàng ngày hàng giờ qua báo chí, mạng xã hội, hiểu rõ những đau thương ở vùng lũ, từ đó có chung sự đồng cảm. Vì vậy đều cho rằng, việc có nhiều hơn sự đồng cảm, có thêm những sẻ chia, giảm bớt các hoạt động bề nổi cũng là điều nên làm.
Hơn nữa, việc hạn chế vui chơi lúc này còn có giá trị như một bài học về tình người, dạy cho con em chúng ta biết đồng cảm với nỗi đau của đồng bào mình, từ đó vun trồng lòng nhân ái trong trái tim mỗi trẻ.
Khi trao quà xong, đồng chí bí thư chi bộ mời một cháu phát biểu ý kiến. Điều bất ngờ là, không chỉ cảm ơn các bác, các cô, chú, anh chị đã quan tâm tổ chức Trung thu, cháu còn kêu gọi mọi người quyên góp, ủng hộ thiếu nhi vùng lũ.
Và thế là, trong tiếng vỗ tay vang dội của cha mẹ, các cháu nhận quà trung thu của thôn xong đã tự giác gom lại nhờ các bác, các cô gửi cho “các bạn ngoài Bắc”.
Nhìn những đứa trẻ nhận túi quà trung thu xong, đứa nhỏ theo đứa lớn, tự giác gom lại để “gửi cho các bạn ngoài Bắc” mà không cần người lớn “bày vẽ”, bạn sẽ có suy nghĩ gì?
Riêng tôi, dù đêm Trung thu năm nay mưa lạnh nhưng vẫn ấm áp bởi những tấm lòng thơm thảo. Và hơn thế, với tôi, những gương mặt trẻ thơ đẹp tựa trăng, soi sáng đêm rằm.
|
Và qua mạng xã hội, qua bạn bè chia sẻ, tôi biết rằng, mùa Trung thu năm nay cũng bớt đi sự náo nhiệt thường lệ. Hầu hết cơ quan, công sở, trường học, khu dân cư trên địa bàn tỉnh đều không tổ chức, hoặc hoãn tổ chức chương trình vui Tết Trung thu như kế hoạch.
Thay vào đó, đã lựa chọn hình thức tổ chức Trung thu phù hợp, với tinh thần đồng cảm, chia sẻ với đồng bào vùng lũ nói chung và thiếu nhi nói riêng đang chịu bao đau thương mất mát bởi bão lũ.
Cũng ngay đêm rằm, em tôi là giáo viên một trường mầm non ở huyện Đăk Hà gọi điện thông báo, ở nơi em dạy, các hoạt động đón Tết Trung thu được rút gọn, tiết kiệm.
Tuy nhiên, không vì thế mà Tết Trung thu giảm bớt đi ý nghĩa. Nhà trường đã dùng kinh phí tổ chức hoạt động này để chuyển sang ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi thiên tai, lũ lụt.
Bên cạnh đó, nhà trường triển khai các hoạt động trải nghiệm phù hợp tại từng lớp học, đồng thời, lồng ghép giáo dục về cảm xúc xã hội và lòng trắc ẩn cho học sinh. Nhà trường cũng kêu gọi cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh chung tay giúp đỡ và ủng hộ học sinh và người dân vùng bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.
“Tinh thần là tự nguyện, có nhiều góp nhiều, có ít góp ít, với mong muốn góp phần làm vơi bớt những đau thương, mất mát, giúp đồng bào vùng bị bão lũ, thiên tai sớm ổn định đời sống”- em kể.
Dù không có chương trình văn nghệ, múa lân, rước đèn rộn ràng hay những trò chơi dân gian hấp dẫn như các Tết Trung thu trước, nhưng các bạn nhỏ vẫn cảm thấy ấm áp trước tình cảm, sự quan tâm của thầy cô giáo dành cho các em.
Điều đặc biệt là, các em đã chủ động, tự giác quyên góp ủng hộ những phần quà của mình cho học sinh vùng lũ. Vượt qua giá trị vật chất, những phần quà nhỏ bé ấy mang theo tình cảm chân thành, vô tư, trong sáng của các em. Đó cũng sẽ là nền tảng để vun đắp nghĩa đồng bào, tình yêu quê hương đất nước trong thế hệ tương lai của đất nước.
Đêm Trung thu năm nay nhiều nơi có mưa, ở thành phố Kon Tum mây đen cũng vần vũ trên bầu trời. Nhưng có sao đâu. Đêm nay không thấm đẫm ánh trăng nhưng thấm đẫm nghĩa tình.
Và tấm lòng thơm thảo của bao người đẹp tựa ánh trăng rằm!
Hồng Lam