Tình yêu với Kon Tum
Dù không sinh ra ở Kon Tum, nhưng tình yêu với mảnh đất nơi đây đã nhen nhóm trong tôi từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, bắt đầu bằng những vần thơ, trang sách về đất và người nơi đây. Từ đó, tôi luôn ao ước có một ngày được đến với Kon Tum.
Ngày còn đi học, tôi rất thích thơ, văn về đề tài cách mạng. Bởi thơ, văn ở mảng đề tài này có nói về mất mát, hy sinh mà không bi lụy, mang hào khí và chất chứa niềm tự hào về chiến công, về sự hy sinh anh dũng của các thế hệ cha ông để gìn giữ, bảo vệ nền độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Một trong những nhà thơ có nhiều tác phẩm mà tôi rất thích đó là Tố Hữu (tên thật Nguyễn Kim Thành). Nhắc đến ông, một nhà thơ lớn, cũng là một tiền bối cách mạng, chắc hẳn nhiều người không thể quên những bài thơ đi cùng năm tháng, như: “Từ ấy”, “Bác ơi”, “Việt Bắc”, “Lượm”, “Bầm ơi”, “Ta đi tới”, “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”, “Tiếng hát đi đày”.
Và cũng chính từ “Tiếng hát đi đày” của nhà thơ Tố Hữu mà hình ảnh về Tây Nguyên, về Kon Tum đã đọng lại sâu sắc trong trái tim tôi.
|
Như chúng ta đã biết, trong suốt năm tháng hoạt động cách mạng của mình, nhà thơ Tố Hữu đã nhiều lần bị quân Pháp bắt giam, bị đày ải qua nhiều địa ngục trần gian. Đặc biệt, từ cuối tháng 4/1939, ông bị mật thám Pháp bắt giam, đày ải từ Lao Thừa Thiên đến nhà tù Lao Bảo, ngục Ban Mê Thuột, rồi bị giải đến khám lớn Quy Nhơn. Tháng Giêng năm 1942, ông tiếp tục bị đày lên nhà ngục Đăk Glei- ngày ấy nơi đây là chốn rừng thiêng nước độc của Kon Tum. Bài thơ “Tiếng hát đi đày” được ông sáng tác trong chuyến chuyển lao đầy khổ ải ấy và đây cũng là bài cuối của phần “Xiềng xích” trong tập thơ “Từ ấy”- tập thơ đầu của Tố Hữu.
“… Đường lên xứ lạ Kông Tum
Quanh quanh đèo chật, trùng trùng núi cao
Thông reo bờ suối rì rào
Chim chiều chíu chít, ai nào kêu ai?
Muốn gầm một tiếng tan u uất
Hận bỗng tuôn theo gió thổi dài
Đường lên Đắc Sút, Đắc Pao
Đèo leo ngọn thác, cầu treo mặt ghềnh
Đìu hiu mấy ải đồn canh
Lòng đau lại nhớ các anh những ngày...
Chao ôi, xưa cũng chốn này đây
Thân bạn vùi xương dưới gốc mây
Roi vụt nát tay bầy lính rợ
Máu đầm khoái mắt lũ đồn Tây!
Mỗi hòn đá đó bao hòn huyết
Một khúc cầu đây, mấy khúc thây!
Hỡi những anh đầu qua trước đó
Biết chăng còn lắm bạn đi đày!
Đường lên đỉnh núi Đắc Lay
Heo heo gió lạnh, sương dày vắng chim
Gà đâu gáy động im lìm
Mơ mơ mấy xóm tranh chìm trong mây
Đồn xa héo hắt cờ bay
Hiu hiu phất lại buồn vây vây lòng…
Có ai hiểu nổi hờn ghê gớm
Trên mắt người trông với núi sương
Núi hỡi! Từ đây băng xuống đó
Chừng bao nhiêu dặm, mấy đêm đường?”.
|
Từ những vần thơ của Tố Hữu, Kon Tum ngày ấy hiện lên trong trí tưởng tượng của tôi là vùng đất đầy khó khăn, hiểm trở với “Quanh quanh đèo chật, trùng trùng núi cao”, ấy thế mà trong gian lao, khổ ải, người chiến sĩ cách mạng ấy vẫn giữ một chí khí anh hùng, tinh thần lạc quan để cất cao “tiếng hát” ngợi ca lý tưởng cách mạng.
Và cùng với “Tiếng hát đi đày” của nhà thơ Tố Hữu, tôi còn yêu Kon Tum qua những trang sử hào hùng, với những trận đánh ác liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nổi bật là Chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh (năm 1972), góp phần quan trọng làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Đất nước.
Trong suốt những năm sinh viên, tôi luôn mang trong mình ước muốn được một lần đến thăm những địa danh mà nhà thơ Tố Hữu đã từng nhắc đến trong “Tiếng hát đi đày”, những Đắc Sút (Đăk Sút), Đắc Pao (Đăk Pao), Đắc Lay (Đăk Glei). Tôi cũng mong có điều kiện đi dọc những địa danh đã khắc ghi vào trang vàng lịch sử của dân tộc ở Kon Tum, như Đăk Tô-Tân Cảnh, đồi Sạc Ly…
Thật may mắn là, sau khi tốt nghiệp đại học, tôi đã có cơ hội được gắn bó với mảnh đất này. Và may mắn hơn, trong nghề nghiệp của mình, tôi đã được đi qua những vùng đất anh hùng từng bị bom cày đạn xới; được gặp những “nhân chứng sống” từng tham gia các chiến dịch lịch sử để nghe kể về những năm tháng chiến tranh.
Để rồi, qua những chuyến đi, những lần được gặp gỡ các nhân chứng sống ấy, tôi càng thêm yêu hơn mảnh đất đã trải qua một thời đạn bom khốc liệt, đầy máu và lửa nhưng rất đỗi hào hùng.
Thật đáng mừng là ngày nay, phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vùng đất Kon Tum đã hồi sinh, không ngừng phát triển. Con đường 14 đi qua các địa danh Đăk Sút, Đăk Pao, Đăk Glei (nay là đường Hồ Chí Minh) đã được kết nối với mạch giao thông Bắc-Nam cũng như liền mạch với hệ thống giao thông quốc tế, phá thế ngõ cụt của Kon Tum. Diện mạo từng vùng đất đã khởi sắc, với nhà cửa san sát; đời sống của bà con nơi đây có nhiều đổi thay.
Và tự hào hơn khi đến với Đăk Glei hôm nay còn có một địa chỉ đỏ, biểu tượng của tình yêu nước, tinh thần cách mạng bất khuất và sức sống mãnh liệt của đất và người Kon Tum, đó là Ngục Đăk Glei- nơi thực dân Pháp giam giữ chiến sĩ cộng sản mang án tù trong phong trào cách mạng 1930 -1931 và 1936 -1939, trong đó có nhà thơ Tố Hữu.
Ngục Đăk Glei được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử cấp Quốc gia theo Quyết định số 2307/QĐ-BT ngày 30/12/1991. Nhiều năm qua, các cấp ngành, chính quyền địa phương đã quan tâm đầu tư, tôn tạo, xây dựng hệ thống điện và con đường dẫn vào Di tích lịch sử này. Dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Ngục Đăk Glei được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1164/ QĐ-UBND, với tổng mức đầu tư xây dựng hơn 35 tỉ đồng, bao gồm các hạng mục: Di tích, công trình phụ trợ và giao thông; hệ thống cấp điện; hệ thống cấp nước; đang được gấp rút triển khai.
|
Di tích lịch sử Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh cũng nằm ngay trên đường 14, rất thuận tiện cho du khách tham quan. Di tích đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt theo Quyết định số 2499/QĐ-TTg ngày 22/12/2016. Hiện nay, các công trình di tích đã được tu bổ, tôn tạo như nhà bia, nhà trưng bày chuyên đề về Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh, Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Đăk Tô - nơi yên nghỉ của anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên mảnh đất Đăk Tô, trong đó có phần mộ của các liệt sĩ kíp xe tăng 377 anh hùng: Nguyễn Nhân Triển, Hoàng Văn Ái, Trần Quang Vịnh, Nguyễn Đắc Lượng. Đặc biệt, ngày 18/1/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 93/QĐ-TTg bổ sung Di tích lịch sử Điểm cao 1015 và Điểm cao 1049, huyện Sa Thầy và huyện Đăk Tô vào di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh.
Hôm nay, được sống trong thời bình, được hưởng những thành quả tốt đẹp của thời đại, mỗi người dân Kon Tum, trong đó có tôi, luôn tự hào về những trang sử vàng của quê hương; mãi mãi nhớ ơn thế hệ cha ông đã không tiếc máu xương vì độc lập, tự do cho Tổ quốc. Và thấy mình càng phải có trách nhiệm tham gia dựng xây quê hương ngày càng phát triển để không thẹn với sự hy sinh cao cả ấy.
Sông Côn