Tiết kiệm nước không chỉ cho mình
Đọc thông báo của Công ty Cổ phần Cấp nước Kon Tum về việc khuyến cáo người dân hãy sử dụng tiết kiệm nước sinh hoạt trong mùa nắng nóng, khô hạn năm 2024, chợt nhận ra chính gia đình mình cũng chưa có thói quen tiết kiệm nước, thậm chí, đôi lúc còn phung phí nguồn nước sạch.
Từ việc đóng tiền sử dụng nước bình quân khoảng 100 nghìn đồng/tháng, những tháng gần đây, gia đình tôi lại sử dụng nước tăng vọt, có tháng tăng lên gần 200 nghìn đồng tiền nước. Thế nhưng, vì ngụy biện do trời nắng nóng, nhu cầu sử dụng nước nhiều hơn nên mọi người trong gia đình vẫn sử dụng nước vô tư, chưa áp dụng các biện pháp tiết kiệm nước.
Mặc dù đọc được nhiều thông tin ở các nơi về việc khô hạn, thiếu nước sinh hoạt, nhưng đúng là chưa ở tình cảnh phải tiết kiệm từng ly nước, chắt chiu từng giọt nước để uống, phải đi mua từng can nước nên chưa biết cách dè sẻn nước. Cho đến nay, khi đọc thông báo của Công ty Cổ phần Cấp nước Kon Tum và chứng kiến cảnh bác hàng xóm thiếu nước sinh hoạt vì giếng bị cạn, mới nhận thức sâu sắc việc phải tiết kiệm nước hàng ngày.
|
Từ trước đến nay, nước vo gạo, rửa rau, gia đình đều tiện tay đổ thẳng xuống cống xả. Nay thì khác, lượng nước trên được sử dụng cho việc tưới cây trước nhà. Ngoài ra, nước sau khi giặt quần áo cũng được gia đình sử dụng lại cho việc lau sàn nhà. Ngày trước có thói quen xả nước vô tư để rửa chén bát, nay việc vặn xả vừa đủ đảm bảo chén bát sạch, không phung phí nước.
Đặc biệt, cậu con trai rất thích nghịch với nước, để tránh lãng phí, tôi thường xuyên nhắc nhở con không được tự ý xả vòi tưới cây, xịt nước ra đường hoặc xịt nước để chơi đùa. Ban đầu, việc làm trên khiến con không hài lòng, song sau nhiều lần phân tích về việc khô hạn, nhiều nơi thiếu nước sử dụng, cu cậu cũng làm theo. Hơn thế, vừa qua, khi có cơn mưa lớn, gia đình tôi cũng như hàng xóm tranh thủ sử dụng xô, chậu hứng nước, để dành cho việc tưới cây vào ngày hôm sau. Bắt đầu từ những thay đổi nhỏ với hi vọng hình thành thói quen tốt cho gia đình.
Thông tin về việc nguồn nước ngầm đang suy giảm vẫn được đăng tải nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Nhưng, vì điều đó không thấy tận mắt nên có lẽ cũng như tôi, nhiều người vẫn nghĩ nguồn nước là vô hạn. Hơn thế, với suy nghĩ, nhà nào dùng nước, nhà nấy trả tiền, việc sử dụng nước không ảnh hưởng đến gia đình khác nên hầu như mọi người ở những vùng chưa thiếu nước, ít biết cách trân quý nước. Vậy mới có cảnh nhiều người vẫn vô tư nhìn những vòi nước bị rò rỉ, thậm chí làm biếng khóa chặt vòi nước sau khi sử dụng. Có người còn xả vòi nước rồi để đó, đi làm việc khác, đến lúc quay lại, nước đã chảy lênh láng; rồi cũng có trường hợp, mỗi lần uống nước, rót thật đầy rồi đổ bỏ nước thừa.
|
Nguồn nước sạch không phải vô hạn. Nếu người này, nơi này dùng phung phí, thì người khác, nơi khác chắc chắn sẽ phải chịu nhiều thiếu thốn. Thực tế, rất nhiều nơi, người dân phải sử dụng nước nhiễm phèn, nước nhiễm mặn. Nói đâu xa, có lần lên huyện Ia H’Drai, chứng kiến cảnh người dân phải chắt chiu từng thùng nước ngọt quý giá cho sinh hoạt hàng ngày, mới thấy, nước sạch quý giá vô cùng, việc thiếu nước ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống.
Việc sử dụng hợp lý, tiết kiệm nguồn nước rất có ý nghĩa. Điều dễ thấy nhất chính là giúp tiết kiệm chi phí tiền điện, tiền nước hằng tháng và hạn chế nước thải ra ngoài môi trường. Hơn nữa, cách sử dụng nước hợp lý của mỗi nhà vừa tạo thói quen tốt, giúp gìn giữ nguồn nước sạch, góp phần làm chậm quá trình suy kiệt trữ lượng và chất lượng nguồn tài nguyên nước.
Một người tiết kiệm, bảo vệ nguồn nước thì không có sự khác biệt, tuy nhiên, nếu cả cộng đồng đều ý thức, cùng thực hiện, chắc chắn, sẽ có kết quả tốt. Do đó, mỗi người, mỗi gia đình cần nâng cao nhận thức, có hành động tiết kiệm nước. Đặc biệt, không chỉ tiết kiệm trong mùa khô, mùa hạn, dùng nước tiết kiệm ngay khi không thiếu nước để bảo vệ nguồn tài nguyên quý giá, bảo vệ cuộc sống của chính mình và cộng đồng.
Hoài Tiến