Thượng tôn pháp luật
Trong bài viết Phát huy tính Đảng trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, mỗi công dân tích cực tham gia xây dựng pháp luật và có ý thức thượng tôn pháp luật sẽ tạo nên sức mạnh của cả hệ thống chính trị.
Để hệ thống pháp luật được thực hiện nghiêm minh, nhất quán, cần lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật đến nhân dân, từ đó phát huy dân chủ trong nhân dân, làm cho mọi cá nhân, tổ chức đồng tình, ủng hộ với đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và chủ động tuân thủ, thực thi pháp luật.
Và Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11 hàng năm, được quy định tại Điều 8, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật 2012, chính là một trong những sự kiện quan trọng nhằm tôn vinh Hiến pháp và pháp luật, đề cao giá trị của Hiến pháp và pháp luật trong nhà nước pháp quyền, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.
Nói một cách dễ hiểu, Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11 cần được triển khai sâu rộng, với những hoạt động cụ thể nhằm xây dựng niềm tin, tình cảm, thái độ, hành vi ứng xử phù hợp với quy định của hệ thống pháp luật, ý thức bảo vệ pháp luật của toàn dân.
|
Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11 cũng là dịp để đánh giá kết quả đã đạt được; những tồn tại, hạn chế trong xây dựng pháp luật; tổ chức thi hành pháp luật, phổ biến giáo dục pháp luật; định hướng triển khai trong thời gian tới; tôn vinh, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác này.
Có thể nói, “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” là câu khẩu hiệu mà bất cứ công dân nào cũng thuộc lòng từ khi còn nhỏ. Tuy nhiên việc phấn đấu thực hiện và thực hiện được hay không mới là điều đáng quan tâm.
Phải thẳng thắn thừa nhận rằng, tình hình vi phạm pháp luật diễn ra khá phổ biến, đa dạng và phức tạp ở hầu hết các lĩnh vực, chủ yếu là trong các lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông; phòng chống cháy nổ; môi trường; xây dựng; kinh doanh.
Theo các chuyên gia, bên cạnh các nguyên nhân như hệ thống pháp luật còn bất cập; còn những quy định mâu thuẫn, chồng chéo, chưa phù hợp với thực tiễn; tình hình thi hành pháp luật còn có hạn chế; công tác lãnh đạo, quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực còn sơ hở, thiếu sót, điều đáng quan tâm là công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả chưa cao.
Trong đó, người dân chưa biết nhiều về Ngày Pháp luật Việt Nam, khi các hoạt động tuyên truyền còn hình thức, chưa đi vào thực chất.
Các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam chưa được tổ chức thường xuyên, liên tục trong cả năm, mà chỉ đến Ngày Pháp luật mới treo băng rôn, khẩu hiệu, pano. Các hình thức tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam cũng thiếu linh hoạt, phong phú, nên chưa có sức lan tỏa rộng.
Đáng chú ý, cách thức tổ chức, chỉ đạo thực hiện Ngày Pháp luật có nơi chậm đổi mới, thường gói gọn ở các cuộc gặp mặt hay hội nghị tại cơ quan chuyên ngành, hoặc qua pano, áp phích, băng rôn mà chưa gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị trong lĩnh vực, phạm vi quản lý cụ thể nên thiếu hiệu quả, thiết thực.
|
Pháp luật có ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong việc đề cao giá trị của pháp luật trong Nhà nước pháp quyền, hướng mọi tổ chức, cá nhân tính tích cực tham gia với hành vi, thái độ xử sự pháp luật đúng đắn, đề cao quyền cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của cá nhân công dân trong học tập, tìm hiểu pháp luật và tự giác chấp hành pháp luật.
Việc tôn trọng và thực thi luật pháp đúng đắn không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức mà còn là nghĩa vụ của mỗi cá nhân. Tuân thủ pháp luật giúp bảo vệ bản thân và quyền lợi của chính mình, đồng thời tạo điều kiện cho xã hội ổn định, phát triển.
Vì vậy, cần làm cho người dân và xã hội biết một cách rộng rãi về Ngày Pháp luật Việt Nam thông qua đẩy mạnh công tác phổ biến pháp luật; xây dựng, từ đó hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam bằng hành động cụ thể, thiết thực ngay trọng cuộc sống hàng ngày, từ tìm hiểu, học tập đến tự giác chấp hành pháp luật.
Nâng cao nhận thức, trách nhiệm, hình thành thói quen tìm hiểu, sử dụng và tuân theo pháp luật của người dân. Đặc biệt quan tâm đến các nhóm đối tượng yếu thế, người nghèo, người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, vùng đồng bào DTTS.
Nhân rộng các mô hình hay, cách làm sáng tạo, hiệu quả, tiên tiến để hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam, trong tuyên truyền, phổ biến, thực thi pháp luật. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân tiêu biểu, gương người tốt, việc tốt trong xây dựng, thi hành, bảo vệ pháp luật.
Ngày 28/8/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 3049/KH-UBND về tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2024 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam trên địa bàn tỉnh sẽ tổ chức thường xuyên, liên tục trong cả năm, tập trung vào tháng 10, tháng 11/2024, cao điểm từ ngày 1-9/11/2024.
UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị, địa phương chủ động lựa chọn hình thức tổ chức Ngày Pháp luật Việt Nam phù hợp, hiệu quả, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị trong lĩnh vực, phạm vi quản lý.
Trọng tâm là triển khai các hoạt động phù hợp, cụ thể, có sức lan tỏa sâu rộng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường xã hội hóa trong tổ chức thực hiện, chú trọng thực hiện tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, khu vực biên giới.
Tất nhiên, tạo lập thói quen tự giác thực hiện, ứng xử theo pháp luật và nâng cao nhận thức pháp luật của mỗi người, qua đó lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật là một hành trình dài, đòi hỏi sự nỗ lực chung của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội cho đến mỗi người dân.
Khi mỗi công dân tích cực tham gia xây dựng pháp luật và có ý thức thượng tôn pháp luật sẽ tạo nên sức mạnh của cả hệ thống chính trị, như lời Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh.
Hồng Lam