Thực hiện các chương trình MTQG gắn với Cuộc vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” (Cuộc vận động) và các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) trên địa bàn tỉnh có mối quan hệ mật thiết, có sự bổ trợ và tác động sâu rộng đến đời sống xã hội của người dân, đặc biệt là những hộ đồng bào DTTS thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Triển khai Cuộc vận động và thực hiện các chương trình MTQG có mối quan hệ tác động qua lại lẫn nhau. Khi đồng bào DTTS thay đổi nếp nghĩ, cách làm sẽ là điều kiện cơ bản để thực hiện thắng lợi các chương trình MTQG. Đồng thời, thực hiện hiệu quả các chương trình MTQG sẽ tác động trở lại Cuộc vận động. Tất cả đều vì lợi ích của người nghèo và cộng đồng, trong đó chú trọng đến đồng bào DTTS nhằm từng bước rút ngắn khoảng cách chênh lệch về trình độ phát triển giữa các vùng.
Đối với các chương trình MTQG giai đoạn 2021- 2025, toàn tỉnh được Trung ương phân bổ hơn 2.752,66 tỷ đồng nguồn vốn thực hiện; trong đó tỉnh đã bố trí nguồn vốn đối ứng là 623,45 tỷ đồng. Trong đó, Chương trình MTQG phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi được triển khai khoảng 2 năm; đối với 2 chương trình MTQG còn lại đã triển khai trên 10 năm.
|
Từ năm 2021, tỉnh ta triển khai Cuộc vận động. Sau hơn 2 năm triển khai Cuộc vận động (từ ngày 24/2/2021) đã có trên 12.000 hộ đồng bào DTTS thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ hủ tục; trên 13.500 hộ đồng bào DTTS nghèo và cận nghèo biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; trên 6.000 hộ đồng bào DTTS thoát nghèo. Bên cạnh đó, bộ mặt nông thôn mới ngày càng khởi sắc, toàn tỉnh xây dựng được hơn 617 mô hình điển hình về phát triển kinh tế ở các địa phương; nhiều mô hình phát triển kinh tế được nhân rộng nhiều tại các thôn làng; thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, tang và lễ hội, bỏ dần những hủ tục, phong tục không còn phù hợp.
Quá trình triển khai nảy sinh một số vướng mắc. Trong đó, việc lồng ghép nguồn vốn để thực hiện mục tiêu chung của các chương trình vẫn còn nhiều vướng mắc, chồng chéo từ các nghị định, thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành như: một số văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện nội dung thuộc các chương trình MTQG chưa có sự thống nhất, hoặc chưa phù hợp với một số quy định theo chuyên ngành.
Vì thế, để giải quyết tốt mối quan hệ này cần tăng sự liên kết trong thực hiện Cuộc vận động với các chương trình MTQG, trong đó đặc biệt chú trọng đến các giải pháp đồng bộ về đối tượng thụ hưởng, vốn, chính sách. Tỉnh ta đã ban hành nhiều cơ chế, giải pháp để từng bước tạo sự gắn kết trong việc thực hiện, tránh chồng chéo trong việc bố trí nguồn vốn ngân sách của địa phương.
|
Trong đó, UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện tốt các chủ trương, kế hoạch đã được ban hành, tăng cường hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước. Đồng thời, chủ động nghiên cứu các quy định, hướng dẫn mới được Trung ương ban hành liên quan đến các chương trình MTQG để triển khai thực hiện trên địa bàn phụ trách. Trong trường hợp các nội dung quy định, hướng dẫn vẫn chưa rõ, còn vướng mắc trong triển khai thực hiện thì tiếp tục phản hồi về các cơ quan chủ trì theo dõi, hướng dẫn hoặc tham mưu cấp thẩm quyền chỉ đạo xử lý, tháo gỡ; tránh tình trạng khó khăn, vướng mắc kéo dài nhưng chậm báo cáo, đề xuất làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các chương trình MTQG.
Bên cạnh đó, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng và các địa phương trên địa bàn đẩy nhanh việc rà soát, phân bổ kế hoạch vốn hàng năm đã được cấp thẩm quyền giao; rà soát lại các tiểu dự án, dự án giữa các chương trình MTQG để tránh chồng chéo, trùng lặp, đảm bảo sử dụng vốn tập trung, tiết kiệm, hiệu quả; chỉ đạo chủ đầu tư chịu trách nhiệm trong việc quản lý và sử dụng nguồn vốn được bố trí, bảo đảm việc thực hiện dự án hiệu quả, đúng tiến độ, tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu chất lượng theo quy định hiện hành.
Có thể thấy việc xây dựng các chính sách, chương trình triển khai Cuộc vận động gắn với thực hiện các chương trình MTQG là vấn đề cấp bách và cần thiết. Qua đó, góp phần thực hiện có hiệu quả các cơ chế chính sách, phát triển hiệu quả kinh tế -xã hội, nâng cao đời sống của nhân dân, nhất là đồng bào DTTS trên địa bàn.
Hoàng Thanh