Thu đầu năm học đúng và minh bạch
Những lời phàn nàn của cô em gái ở quê về các khoản thu đầu năm như một “khúc đệm buồn” trong câu chuyện giữa hai chị em. Nhưng sau đó, nó làm tôi suy nghĩ mãi.
Cô em kể: Cháu mới đi học được mấy hôm, trường tổ chức họp phụ huynh. Như thường lệ, quan trọng nhất, thu hút sự quan tâm của phụ huynh nhất chính là phần thông qua các khoản thu theo quy định và các khoản quỹ, đóng góp “tự nguyện”.
Tất nhiên là các khoản thu ngoài học phí, như xây dựng trường lớp, mua sắm trang thiết bị, quỹ ban đại diện cha mẹ học sinh, tiền vệ sinh trường lớp, tiền nước uống, đều dưới danh nghĩa tự nguyện. Phụ huynh nộp qua ban đại diện cha mẹ học sinh.
Sau khi đã nhận được sự đồng thuận của đa số, phụ huynh chiếu theo danh sách các khoản thu và mức thu để nộp. Khoản thu theo quy định thì nộp cho giáo viên chủ nhiệm; khoản thu tự nguyện thì nộp cho ban đại diện cha mẹ học sinh.
Một số phụ huynh không đồng tình với các khoản thu và mức thu, ví dụ như quỹ lớp, quỹ phụ huynh. Nhất là các khoản đóng góp mua khay ăn mới cho học sinh bán trú, thay rèm cửa chống nắng, lý do là các khoản này mới nộp năm học trước, nay vẫn dùng được, nếu lại thay mới thì lãng phí.
Tuy nhiên, vì nhiều phụ huynh trong lớp đồng ý, những phụ huynh khác, trong đó có em, vì không muốn trở thành “khác lạ” trong lớp, và con mình bị “bêu tên”, thậm chí nếu nói ra thì phải chuyển trường để tránh “sức ép”, nên đành phải chấp nhận nộp tiền- cô em nói.
|
|
Thời gian qua, báo chí cũng phản ánh rất nhiều về các khoản thu “trời ơi”, được “khoác áo” tự nguyện, xã hội hóa. Phụ huynh có bức xúc phản ánh lên nhà trường thì cũng chỉ nhận được câu trả lời “do ban đại diện cha mẹ học sinh vận động nộp chứ nhà trường không có chủ trương”.
Nhiều trường hợp ban đại diện cha mẹ học sinh cũng không thực hiện đúng vai trò, trở thành “cánh tay nối dài” giúp nhà trường thu thêm nhiều khoản không hợp lý, ngoài quy định.
Ở tỉnh ta, dù không thể nói là nhiều, nhưng cũng không thể nói là không có. Tôi cũng biết đã có không ít trường hợp phải “âm thầm” trả lại tiền đã thu cho phụ huynh học sinh.
Tôi nhớ năm ngoái, tại một trường tiểu học ở huyện Đăk Tô, phụ huynh đã làm đơn tố cáo nhà trường lạm thu. Kết quả thanh tra của cấp có thẩm quyền đã xác định, bên cạnh hàng loạt sai phạm trong quản lý, trong năm học 2022-2023, hiệu trưởng nhà trường đã chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm các lớp thu tiền quỹ hội cha mẹ học sinh chưa đúng quy định pháp luật, thiết lập hồ sơ thu, chi nguồn quỹ hội không đúng tình hình thu, chi thực tế.
Theo quy định tại Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT, bên cạnh các khoản tiền nhà trường được phép thu như học phí, bảo hiểm y tế, tiền ăn chăm sóc bán trú, tiền đồng phục, tiền nước uống…, với các khoản xã hội hóa, nhà trường huy động trên tinh thần tự nguyện, không cào bằng, không ép buộc.
Tuy nhiên, ranh giới giữa tự nguyện và lạm thu rất mong manh, rất dễ bị lợi dụng để “biến tướng” thành tự nguyện trong bắt buộc.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc đóng tiền để con cái có được những điều kiện học tập tốt nhất là cần thiết, các bậc cha mẹ đều ủng hộ. Vấn đề đặt ra là phải thu đúng quy định; những khoản thu tự nguyện cần được đóng góp từ nhu cầu của phụ huynh.
Để đảm bảo thực hiện nghiêm túc các khoản thu đầu năm học 2024-2025, ngày 11/9, Sở GD&ĐT có văn bản số 1963/SGDĐT-KHTC cấm các nhà trường lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định.
Ban đại diện cha mẹ học sinh chỉ được thu các khoản phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban đại diện, không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh.
Văn bản nêu trên cũng nêu rõ, các cơ sở giáo dục không được quy định khoản thu liên quan đến kinh phí hoạt động của ban đại diện. Giáo viên chủ nhiệm các lớp không được phép thay mặt ban đại điện để thu kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh lớp.
Không được sử dụng kinh phí hoạt động của ban đại diện để chi các nội dung như: Bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của học sinh; vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học hoặc cho cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường.
Tất nhiên, giữa quy định và thực tế thực hiện là một khoảng cách, đòi hỏi cấp có thẩm quyền đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có) thay vì nhắc nhở, rút kinh nghiệm, để tăng sức răn đe, cảnh báo.
Xử lý nghiêm người đứng đầu cũng là một trong những biện pháp cần thiết để ngăn chặn lạm thu.
Bên cạnh đó, về phía phụ huynh cần mạnh mẽ lên tiếng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Các khoản thu chi cần được nêu rõ ngay trong cuộc họp đầu năm trước khi thực hiện thu tiền quỹ lớp, quỹ trường với các khoản đã được quy định rõ theo Thông tư 55 cũng như các văn bản có liên quan. Căn cứ vào danh mục các khoản được phép thu do chính quyền ban hành để đối chiếu, nếu thấy bất hợp lý thì lên tiếng ngay.
Sông Côn