Thôn văn hóa Lâm Tùng
Ngày hội Đại đoàn kết đang đến với mỗi thôn (làng), tổ dân phố. Với bà con dân làng Lâm Tùng (xã Ia Chim, thành phố Kon Tum), ngày hội năm nay càng thêm niềm vui vì có rất nhiều thành tích để mừng công, báo công…
Về thôn Lâm Tùng trước ngày diễn ra Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc của thôn năm 2016, chúng tôi đã được nghe, được chứng kiến và ghi nhận khá nhiều cảm xúc, niềm vui của bà con dân làng nơi đây.
“Không vui, không phấn khởi làm sao được khi đây là năm thứ 9, Lâm Tùng được công nhận danh hiệu thôn văn hóa” – ông Nguyễn Ngọc Hân - thôn trưởng Lâm Tùng chia sẻ.
Ông Hân có đến 15 năm làm thôn trưởng, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn. Từng ấy thời gian, ông Hân nắm rất rõ sự phát triển ở thôn Lâm Tùng.
Đưa chúng tôi tham quan con đường bê tông dẫn đến tận ngõ ngách của từng hộ dân, ông Hân tâm sự: Ngày mới thành lập xã, Lâm Tùng đất rộng, người thưa, chỉ 60 hộ gia đình sinh sống, trong đó 50% là đồng bào Gia Rai; đường nội thôn khi ấy đều là đường mòn nhỏ, hẹp. Năm 2005, bà con hiến đất mở 3 con đường nội thôn. Những năm tiếp theo, cứ vào mỗi dịp sau Tết Nguyên đán, thôn lại ra quân đầu năm mở thêm những con đường. Đến năm 2012, bà con nhân dân thôn Lâm Tùng đã mở được 13 con đường nội thôn với tổng chiều dài 3km.
Thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới, năm 2012, xã Ia Chim chọn Lâm Tùng làm điểm xây dựng nông thôn mới. Xác định đây là nhiệm vụ quan trọng thúc đẩy thôn phát triển, Lâm Tùng đã thành lập tổ vận động, lập kế hoạch khảo sát các tiêu chí đề ra, cắm cọc các đường thôn để vận động nhân dân di dời các vật kiến trúc, hiến đất mở đường.
Trong 3 năm (2012-2015), Lâm Tùng đã bê tông hóa các tuyến đường nội thôn theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, xây dựng bộ mặt nông thôn sạch đẹp, khang trang.
Điều vui mừng nhất ở Lâm Tùng phải kể đến là phong trào đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế. Người dân đã giúp đỡ nhau để phát triển kinh tế hộ gia đình; cuộc sống người dân nhờ đó đã từng bước khá lên, tình làng nghĩa xóm thêm đầm ấm, vui tươi. Với đặc thù 50% dân số là đồng bào DTTS, năm 2016, thôn còn vận động bà con thành lập 3 tổ đổi công, tổ tiết kiệm; mỗi tổ từ 15-20 hộ gia đình, số tiền tiết kiệm giúp nhau mỗi đợt từ 30-40 triệu đồng.
Nếu như trước đây, bà con ở Lâm Tùng chỉ phát triển mì và các loại cây hàng năm thì đến nay đã chuyển đổi sang buôn bán kinh doanh, trồng cà phê, chăn nuôi. Đặc biệt hơn, trong năm 2016, phong trào chăn nuôi heo có quy mô phát triển mạnh ở Lâm Tùng, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/hộ gia đình.
|
Đến thăm mô hình chăn nuôi heo của vợ chồng chị Hoàng Thị Hằng ở cuối thôn, thôn trưởng Nguyễn Ngọc Hân giới thiệu: Đây là hộ gia đình từ Ninh Bình di cư vào đây lập nghiệp chưa lâu nhưng nỗ lực làm ăn, phát triển kinh tế gia đình, có những đóng góp tích cực xây dựng Lâm Tùng ngày một phát triển.
Chị Hằng kể, vợ chồng chị vào Kon Tum lập nghiệp từ năm 2011. Vốn liếng không có nhiều nên vợ chồng chị được người quen giới thiệu đã chọn Lâm Tùng mua đất an cư lạc nghiệp. Vợ chồng chị chọn khởi nghiệp bằng nghề xay xát gạo và chăn nuôi heo.
Từ vài ô chuồng ban đầu với khoảng chục con heo giống, dần dà vợ chồng chị Hằng đã phát triển mô hình chăn nuôi heo lên hàng trăm con. Thời điểm nhiều nhất, trong chuồng heo của gia đình chị Hằng có khoảng 70 con heo con, 40 con heo thịt, 13 con heo nái. Mỗi năm xuất chuồng 3 đợt, mỗi đợt 30-40 con heo thịt, thu lãi về khoảng 40-50 triệu đồng/đợt.
Cũng từ nghề chăn nuôi heo, vợ chồng chị Hằng còn học được nghề sản xuất ô chuồng nuôi heo theo hướng công nghiệp hiện đại và đã xây dựng được cơ sở chuyên sản xuất chuồng nuôi heo tại gia đình.
|
Không thuê mướn nhân công, hai vợ chồng tranh thủ thời gian làm theo đơn đặt hàng của khách. Mỗi tháng cơ sở của vợ chồng chị Hằng xuất 10 ô chuồng nuôi heo đẻ (5 triệu đồng/ô chuồng), 50 ô chuồng nuôi heo bầu (850.000 đồng/ô chuồng) và 5 ô chuồng heo con (4,2 triệu đồng/ô chuồng) cho bạn hàng khắp các huyện, thành phố Kon Tum.
Hiện, toàn thôn Lâm Tùng có hơn chục hộ chăn nuôi heo quy mô từ 50 con trở lên. Tính đến nay, cả thôn có 20 hộ giàu, 98 hộ khá, 108 hộ thu nhập trung bình, số hộ nghèo giảm còn 6 hộ; tổng thu nhập bình quân đầu người ước đạt 20 triệu đồng/người/năm. Kinh tế khá giả, đến nay, 100% số hộ gia đình ở Lâm Tùng đã có nhà ngói khang trang, 85% số hộ gia đình đạt gia đình văn hóa.
|
Là thôn cửa ngõ của xã Ia Chim, Lâm Tùng còn dẫn đầu về xây dựng môi trường cảnh quan nông thôn sạch đẹp. Đến nay, 80% hộ gia đình trong thôn đã ý thức đào hố rác, số hộ gia đình còn lại tham gia mô hình thu rác tập trung. Các hộ gia đình trong thôn đều đã ký cam kết không vứt rác bừa bãi.
Theo Chủ tịch UBND xã Ia Chim – Hoàng Nguyên Chiến, nhiều năm liền, Lâm Tùng được đánh giá là thôn đi đầu trong triển khai thực hiện 5 nội dung của cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, đặc biệt là việc đi đầu trong đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn góp phần xây dựng nông thôn mới.
Tú Quyên