Thích bánh mì nhưng lo… đau bụng
Như nhiều người xung quanh, tôi thích bánh mì, và thường nghĩ tới nó đầu tiên khi ăn sáng, hoặc mỗi khi... chán cơm. Nhưng nghịch lý là mỗi khi ăn bánh mì, tôi luôn thấp thỏm nỗi lo… đau bụng.
Không thể phủ nhận rằng, bánh mì vừa ăn ngon, vừa ăn no, lại vừa rẻ. Khi ăn một ổ bánh mì, bằng vị giác, khứu giác và thị giác của mình, tôi lý giải được vì sao bánh mì lại vang danh khắp năm châu, lọt vào vô số top bình chọn ẩm thực châu lục và thế giới, có lượng “fan” đông đảo.
Tôi còn nhớ, cách đây hơn 3 năm, sáng 24/3/2020, trên giao diện trang chủ Google xuất hiện hình ảnh ổ bánh mì kẹp thịt và rau xanh.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, “người khổng lồ” trong lĩnh vực công nghệ của Mỹ thiết kế Doodle nhằm tôn vinh món ăn phổ biến này của người Việt Nam.
|
Khi ấy, tìm hiểu thêm trên internet, tôi biết được là ngày 24/3/2020, không chỉ ở Việt Nam, mà tại hơn 10 quốc gia, như Mỹ, Canada, Nhật Bản, Australia, New Zealand, Áo, Thụy Sĩ, Singapore, Pháp, trên giao diện trang chủ Google đều xuất hiện hình ảnh tôn vinh bánh mì Việt Nam.
“Banh mi” cũng đã được đưa vào Từ điển tiếng Anh Oxford (Oxford English Dictionary) - cuốn từ điển bằng tiếng Anh đầu tiên trên thế giới- từ ngày 24/3/2011.
Khi ấy, “Banh mi”- cái tên riêng mang đầy niềm tự hào này đã khẳng định “quê quán” của món ăn đường phố mê hoặc ấy là từ Việt Nam và của Việt Nam chứ không phải vay mượn từ bất kì đâu.
Với sự nổi tiếng của mình, bánh mì Việt Nam không chỉ được đưa vào từ điển tiếng Anh Oxford, được Google vinh danh, mà còn được nhiều tổ chức và tờ báo nổi tiếng tôn vinh.
Như năm 2013, bánh mì Việt Nam được tạp chí National Geographic bình chọn là 1 trong 11 món ăn đường phố ngon nhất thế giới; đứng đầu danh sách 12 món ăn đường phố do tạp chí du lịch Mỹ Conde’ Nast Traveler bầu chọn.
Năm 2014, bánh mì Việt Nam lọt vào top 20 món ăn đường phố ngon nhất thế giới của Huffington Post. Năm 2016, bánh mì cùng phở và bún chả đã lọt top 100 món ăn nổi tiếng thế giới, do Liên minh kỷ lục thế giới - Wordkings và Viện Top thế giới công bố.
Năm 2017, bánh mì Việt Nam lọt top 10 món sandwich hấp dẫn nhất thế giới, theo trang Traveller. Năm 2018, trang CNN đã ưu ái gọi tên bánh mì ở Hội An là “Vua của các sandwich trên thế giới”.
Ở mỗi vùng, miền, bánh mì lại có những “phiên bản” khác nhau, phụ thuộc vào phong vị ẩm thực của địa phương. Tất cả đều rất quen thuộc, rất dân dã, từ vỏ bánh, các loại thịt đến rau và dưa, nhưng khi hòa quyện vào nhau, lại có thể khiến vị giác phải “bùng nổ”, và thực khách phải trầm trồ.
|
Ở Kon Tum, như bất cứ tỉnh, thành phố nào trên dải đất hình chữ S này, bao năm qua, bánh mì luôn là món ăn đường phố “ngon, bổ, rẻ”.
Từ đô thị đến làng xã, ta đều có thể dễ dàng nhìn thấy cái tủ kính, với những thịt, pa tê, xúc xích, xíu mại, những rau, nước sốt bắt mắt, phía dưới là lò than (hoặc sang hơn là lò điện) để nướng cho ổ bánh nóng giòn.
Có ai chưa từng ăn bánh mì?
Tôi e là không. Từ những công chức nhà nước mẫn cán, những “đại gia” đi xế hộp bóng loáng đến người đi xe cà tàng như tôi, từ quan chức đến lao động phổ thông, giúp việc, bán vé số dạo, ai mà chẳng ít nhất một lần ghé lại bên đường mua ổ bánh mì lót lòng.
Còn các cô cậu học trò thì khỏi nói, thời buổi lịch học thêm kín mít, bánh mì chính là món ăn thân quen nhất giữa 2 ca học.
Tuy nhiên, nói thật lòng, mỗi khi quyết định chọn ăn bánh mì thay cho món ăn khác, trong tôi lại có “tiếng nói cảnh báo” rằng: Hãy cảnh giác về an toàn thực phẩm, dù rất rụt rè và yếu ớt.
Bởi thế, khi mua bánh mì, tôi luôn tìm đến quán quen, và luôn dặn không ăn đồ chua (như các loại rau, dưa). Dù vậy, khi ăn tôi vẫn canh cánh nỗi lo… đau bụng.
Lý do ư? Vì bánh mì đã phổ biến đến độ, ai cũng có thể mở một quầy nhỏ để kinh doanh, ai cũng dễ dàng mua một ổ ăn qua bữa. Dễ làm, dễ mua, và luôn được bày bán bên đường phố, trong cái tủ kính đơn sơ, nhiều khi không có cửa, khiến ổ bánh mì dễ dàng lọt qua mọi quy chuẩn giám sát về an toàn thực phẩm.
Dữ liệu cho thấy, đã có không ít vụ ngộ độc thực phẩm nghiêm trọng xảy ra, mà nguyên nhân xuất phát từ việc nạn nhân ăn bánh mì.
Mới đây nhất là ngày 30/4, ít nhất 560 người bị ngộ độc sau khi ăn bánh mì ở tiệm bánh mì Băng (thành phố Long Khánh, tỉnh Đồng Nai). Các cuộc kiểm tra ban đầu cho thấy, các bệnh nhân có nhiễm khuẩn E.coli, nhiễm trùng đường ruột.
Cơ quan chức năng yêu cầu xuất trình giấy mua hàng đầu vào để truy xuất nguồn gốc nguyên liệu. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng đây là việc “mò kim đáy bể”, bởi nguyên liệu chế biến “nhân” của bánh mì được chủ cửa hàng cho biết mua từ chợ và các cơ sở nhỏ lẻ.
Trước đó, tháng 9/2023, đã có 313 người bị ngộc độc sau khi ăn bánh mì Phượng- một tiệm bánh mì nổi tiếng, từng được xưng tụng là “Vua của các sandwich trên thế giới” ở Hội An (tỉnh Quảng Nam). Nguyên nhân là thức ăn trong nhân bánh mì nhiễm khuẩn Salmonella spp.
Điều đáng lo ngại là, phần lớn các tủ bánh mì là tự phát, được bày bán trên phố; nguyên vật liệu được mua ở các chợ truyền thống, khó truy xuất nguồn gốc; đồ chín và đồ sống (rau, dưa, giá…) để lộn xộn; quy trình chế biến cũng khó mà đảm bảo tuân thủ về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trong khi đó, nhà quản lý cũng khá dễ dãi với những hộ kinh doanh cá thể, lý do là vì “nhỏ lẻ ấy mà”.
Cần siết chặt hơn việc quản lý, kiểm soát an toàn thực phẩm đối với thức ăn đường phố nói chung, bánh mì nói riêng, không thể “tặc lưỡi” cho qua vì “ổ bánh mì ấy mà, ăn suốt có sao đâu”.
Mong là như vậy, để những người thích bánh mì không còn ngay ngáy nỗi lo đau bụng khi thưởng thức “món sandwich hấp dẫn nhất thế giới” ngon, bổ, rẻ nữa.
Hồng Lam