Thay đổi thói quen giữ gìn vệ sinh ở Đăk Pne
Từ khi triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” (Cuộc vận động), người dân xã Đăk Pne (huyện Kon Rẫy) đã nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường.
|
Được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động thay đổi thói quen từ chăn nuôi thả rông sang nuôi nhốt, những ngày qua, anh A Doang ở thôn 1 (xã Đăk Pne) cùng các thành viên trong gia đình tất bật làm chuồng bò. Đây là chuồng bò đầu tiên của gia đình anh kể từ khi bắt tay với “sự nghiệp” chăn nuôi.
Gia đình A Doang có truyền thống chăn nuôi bò từ lâu, nhưng chưa bao giờ có chuồng, chỉ cột tạm dưới gốc cây, hoặc thả rông trên rẫy. Để thay đổi theo vận động của chính quyền địa phương, gia đình anh đã đầu tư 16 triệu đồng mua trụ bê tông, xi măng, tôn, kẽm, gạch và tận dụng một số cây bời lời có sẵn để xây dựng chuồng bò rộng khoảng 12m2.
Anh A Doanh cho biết: Chuồng bò được xây dựng cách xa chỗ sinh hoạt của gia đình, có chỗ chứa thức ăn, có chân tường cao 1m, nền láng xi măng để thuận tiện trong việc dọn dẹp, lấy phân bón cho cây trồng. Có chuồng bò mới, nắng mưa gia đình cũng đỡ lo, hạn chế bệnh tật cho bò, những lúc bận thì cắt cỏ để trong bồn chứa cho chúng.
Gia đình anh A Doang là 1 trong 90 hộ chăn nuôi của xã có chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường, hiện Đăk Pne còn khoảng 60 hộ vẫn đang sử dụng chuồng trại thô sơ, gần nhà hoặc thả rông.
Chị Nguyễn Thị Thanh Nguyệt- Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đăk Pne cho biết: Tuy mới 60% số hộ chăn nuôi trên địa bàn có chuồng trại đạt chuẩn nhưng đây là thành công lớn đối với xã. Bởi trước đây, thói quen nuôi gia súc thả rông đã ăn sâu vào tiềm thức của bà con, rất khó thay đổi. Khi triển khai Cuộc vận động, xã đã lựa chọn những gia đình có chuồng trại làm minh chứng kết hợp với sự tuyên truyền quyết liệt của xã đã khiến bà con dần thay đổi. 40% số hộ còn lại sẽ là “cuộc chiến” đối với xã trong thời gian tới, với phương châm “mưa dầm thấm lâu” tôi tin bà con sẽ thay đổi.
Bên cạnh chú trọng thay đổi thói quen trong chăn nuôi, chính quyền xã Đăk Pne xây dựng mô hình “Nhà vệ sinh bán tự hoại” ở làng Đăk Po (thôn 2) với 45 thành viên tham gia.
Là một trong những hộ tiên phong tham gia và triển khai mô hình, chị Y Hồng cho biết: Từ lâu, bà con ở đây không có thói quen làm nhà vệ sinh hoặc có làm cũng chỉ tạm bợ. Vào tháng 6/2021, xã bắt đầu tuyên truyền người dân làm nhà vệ sinh để bảo vệ môi trường và lựa chọn làng Đăk Po triển khai thí điểm. Đến tháng 9/2021, được xã hỗ trợ cát, xi măng, gia đình tôi bỏ tiền mua thêm tôn và bồn cầu vệ sinh hết hơn 1 triệu đồng, tận dụng ván cũ, sau đó nhờ hàng xóm đào hầm rồi xây dựng.
“Thấy nhà tôi làm, nhiều hộ khác cũng làm theo. Chúng tôi đổi công cho nhau, bỏ tiền mua thêm một ít vật dụng, còn lại xã hỗ trợ” - chị Y Hồng chia sẻ.
Đến nay, 45 hộ dân tham gia mô hình “Nhà vệ sinh bán tự hoại” đều đã có nhà vệ sinh riêng, từ bỏ thói quen vệ sinh bừa bãi, nâng tổng số hộ có nhà vệ sinh đảm bảo lên 374/628 hộ, chiếm tỷ lệ 60%.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Nguyễn Thị Thanh Nguyệt bày tỏ: Thấy mô hình được bà con hưởng ứng và thực hiện, là những người trực tiếp vận động, chúng tôi rất vui. Đây là động lực để trong thời gian tới, xã tiếp tục nhân rộng mô hình này ở nhiều khu dân cư khác.
|
Mặc khác, để chủ động thay đổi thói quen vứt vỏ thuốc bảo vệ thực vật và rác thải sinh hoạt đúng nới quy định, UBND xã đã triển khai lắp đặt 16 bi giếng làm bể chứa rác tại 16 điểm gần với khu sản xuất thuộc 4 thôn trên địa bàn. Cùng với đó, xã còn phối hợp với Tổ chức Plan bố trí 14 thùng rác nhựa tại những điểm đông dân cư để bà con dễ dàng vứt rác.
Có thể thấy, với những cách làm, mô hình cụ thể cùng sự đồng lòng giữa chính quyền và người dân khi triển khai Cuộc vận động, đã có những khởi sắc trong việc làm thay đổi thói quen gìn giữ vệ sinh môi trường. Mong rằng, trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động sẽ triển khai thêm nhiều mô hình hay để thay đổi thêm nhiều khía cạnh khác trong đời sống đồng bào DTTS ở Đăk Pne.
Văn Tùng