Thay đổi nếp nghĩ để có cách làm hay
Mới đây, tôi có chuyến đi về thôn Jơ Drợp (xã Đăk Năng, thành phố Kon Tum) để tìm hiểu về Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”. Đến nơi, tôi vô cùng phấn khởi bởi sự yên bình, trù phú của một làng đồng bào Rơ Ngao (một nhánh của dân tộc Ba Na) ở vùng ven thành phố Kon Tum.
Hỏi ra mới biết, sự trù phú ấy được bắt nguồn từ sự cần cù, chịu thương, chịu khó với những nếp nghĩ mới, cách làm hay, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý của đồng bào để vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng trên mảnh đất mà nhiều thế hệ đã gắn bó.
Sự thay đổi trong nếp nghĩ để có cách làm hay ấy của một số hộ dân ở thôn Jơ Drợp không phải mới đây, mà nó được manh nha, rồi triển khai thực hiện cách đây cũng hơn 15 năm về trước. Và khi thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” thì người dân ở đây như được tiếp thêm nguồn lực, một nguồn sinh khí mới.
Chính vì vậy, khi được hỏi về cách làm hay trong phát triển kinh tế gia đình, một số hộ người Ba Na ở đây trả lời một cách tự tin: Chỉ có thay đổi nếp nghĩ, cách làm, không trông chờ ỷ lại, từ bỏ thói quen lười biếng lao động; biết tự lực vươn lên trong sản xuất, phát triển kinh tế thì mới không còn đói nghèo và nâng cao đời sống.
|
Có thể nói, chủ trương làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS manh nha từ lâu, nhưng trước đây chưa thực sự trở thành cuộc vận động. Quả thật vậy, còn nhớ từ những năm đầu tái lập tỉnh, Tỉnh ủy Kon Tum xác định mục tiêu, chủ trương, giải pháp ưu tiên là tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân trong các vùng đồng bào DTTS trên địa bàn phát triển kinh tế như: Hướng dẫn trồng trọt, chăn nuôi, bỏ thói quen lao động cũ, định canh định cư, tham gia xây dựng các vùng kinh tế mới, thực hiện tốt việc giãn dân, tách hộ, lập vườn… phát triển kinh tế - xã hội và ổn định cuộc sống của đồng bào DTTS ở địa phương.
Tỉnh ủy đã ban hành chủ trương đặc thù về xây dựng các xã đặc biệt khó khăn trong tỉnh, phân công các cơ quan, đơn vị nhận kết nghĩa, trực tiếp hỗ trợ các xã trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng- an ninh (trước kia là Chỉ thị số 10 năm 1994), Nghị quyết số 01-NQ/TU năm 1996 và Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 19/8/2016, đã giúp nhiều xã thoát khỏi danh sách xã đặc biệt khó khăn. Hàng năm, các cơ quan, đơn vị nhận kết nghĩa đã cử hàng ngàn lượt cán bộ xuống các xã, huy động hàng tỷ đồng giúp đỡ các địa phương, giúp hàng trăm hộ nghèo xây dựng các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế gia đình.
Mặt khác, các chương trình về hỗ trợ đất sản xuất, vay vốn ưu đãi, xây dựng nhà ở, điện thắp sáng, đường, trường, trạm… cho nhân dân các vùng đồng bào DTTS (thông qua Chương trình 135, 30a, 167, xây dựng nông thôn mới…) được các cấp, ngành quan tâm phối hợp thực hiện hiệu quả tại các địa phương. Các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước do Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, các cấp, ngành trong tỉnh phát động đã được triển khai đồng bộ, được nhân dân các dân tộc trong tỉnh hưởng ứng. Nhiều hộ gia đình đã thay đổi dần cách thức trong lao động sản xuất, mạnh dạn đổi mới cách làm ăn; biết tiếp thu, học hỏi cái mới, tiến bộ, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện đất đai và năng lực tổ chức sản xuất của gia đình; biết chi tiêu hợp lý để tích lũy vốn đầu tư cho tái sản xuất, từ những hộ nghèo, cận nghèo đã có nhiều hộ khá giả, làm giàu.
Nhiều thôn, làng thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, bỏ dần những tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan làm ảnh hưởng đến kinh tế, sức khỏe và môi trường; có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo được hình thành, bộ mặt nông thôn mới các vùng đồng bào DTTS từng bước hoàn thiện.
Bởi vậy, việc phát động và triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi, nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” trong thời gian qua mang ý nghĩa chính trị, xã hội và tính nhân văn sâu sắc.
Để Cuộc vận động đi vào đời sống, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể theo chức năng của mình xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, lâu dài của cả hệ thống chính trị của tỉnh và xây dựng kế hoạch thực hiện. Trong quá trình triển khai thực hiện, có kiểm tra, giám sát, đánh giá, rút kinh nghiệm và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến.
Với sự vào cuộc của hệ thống chính trị và với quyết tâm cao nhất, chúng ta tin rằng, Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” trên địa bàn tỉnh sẽ đạt hiệu quả, tạo sức lan tỏa, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đồng bào DTTS.
DƯƠNG ĐỨC NHUẬN