Thay đổi nếp nghĩ, cách làm ở Đăk Tờ Kan
Về xã Đăk Tờ Kan, huyện Tu Mơ Rông có thể thấy, Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”(Cuộc vận động) đã lan tỏa đến người dân nơi đây, với nhiều mô hình phát triển kinh tế và những cách làm hay.
Ông Hoàng Xuân Thắng – Chủ tịch UBND xã Đăk Tờ Kan cho biết: Thực hiện Cuộc vận động, chính quyền xã đã lên kế hoạch cụ thể, bước đầu, lựa chọn triển khai những phần việc, mô hình đơn giản, gần gũi để từng bước làm thay đổi nhận thức, thói quen của bà con.
Theo ông Thắng, do khí hậu và địa hình phức tạp nên trên địa bàn người dân chủ yếu trồng cây ngắn ngày như mì, lúa… và cao su, cà phê, bời lời chứ không trồng cây ăn quả. Năng suất cây trồng đạt thấp vì bà con không làm cỏ, bón phân… Để Cuộc vận động đạt hiệu quả, toàn hệ thống chính trị xã cùng bắt tay thực hiện; trong đó, cán bộ, đảng viên được phân công phụ trách nhóm hộ có trách nhiệm sâu sát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con, kịp thời đưa ra hướng giải quyết, khắc phục. Trước hết, xã đã động viên, hướng dẫn bà con chăm sóc cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đồng thời chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng bền vững, khuyến khích trồng cây ăn quả.
|
Cùng với việc tuyên truyền, hướng dẫn, xã hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn vay để phát triển sản xuất. Như gia đình anh A Cường ở thôn Kon Hnông, khi bày tỏ nguyện vọng muốn vay vốn để phát triển mô hình trồng sầu riêng xen cây đót, anh đã được chính quyền xã tạo điều kiện vay 60 triệu từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Từ nguồn vốn vay cùng với nguồn vốn tiết kiệm trước đó, vợ chồng anh A Cường đã mạnh dạn phát triển 3ha sầu riêng trên diện tích đất từng trồng bời lời.
Anh A Cường tâm sự: Trồng bời lời ít vốn, ít công nhưng hiệu quả kinh tế không cao nên tôi muốn thay đổi trồng loại cây hiệu quả hơn. Tuy nhiên, tôi không biết nên làm thế nào, bắt đầu từ đâu vì thiếu vốn, thiếu kiến thức. Được cán bộ xã động viên, hướng dẫn cách làm, lại hỗ trợ vốn vay, tôi quyết định trồng sầu riêng. Cán bộ xã còn hướng dẫn tôi tìm hiểu thêm các kiến thức chăm sóc sầu riêng trên internet.
|
Với lợi thế trên đất có nhiều bụi đót, anh Cường đã tận dụng, giữ lại và trồng đót thành từng hàng. Xen giữa các hàng đót, anh Cường trồng sầu riêng. Anh cho biết: Trồng đót có rất nhiều lợi ích. Bụi đót cao, rậm rạp có thể che nắng cho cây sầu riêng. Những cây không được che mát, tôi dùng lưới màng đen che bên trên. Vào mùa đót trổ bông có thêm thu nhập từ việc hái đót. Sau khi thu hoạch bông đót, tôi phát đót tấp vào gốc sầu riêng để giữ ẩm cho cây.
Khó khăn lớn nhất của anh Cường là khâu tưới nước. Rẫy sầu riêng của anh Cường nằm trên đồi cao, cách nguồn nước tưới hơn 200 m. Để đưa nước lên đỉnh đồi là một điều rất khó khăn, chính vì thế, anh Cường đã đào 4 hố nước lớn nằm rải rác trong rẫy, sau đó lót bạt để chứa nước mưa và nước bơm từ dưới suối lên. Cứ 3 ngày anh Cường bơm nước tưới một lần. Vườn sầu riêng ngày càng xanh tốt.
Ông Hoàng Xuân Thắng cho biết, anh A Cường là gương điển hình, đi đầu trong việc phát triển cây ăn quả. Đến nay, trên địa bàn xã đã có hơn 30 hộ phát triển được hơn 18ha cây ăn quả các loại, gồm sầu riêng, mít Thái… Nhìn chung các hộ dân đang dần áp dụng khoa học kĩ thuật vào trồng trọt; biết tưới nước, bón phân, cắt tỉa cành… đúng thời điểm.
Bên cạnh đó, chính quyền xã Đăk Tờ Kan còn vận động người dân thay đổi thói quen trong chăn nuôi, cải tạo vườn tạp.
Chiều tà, vợ chồng ông A Tê (thôn Kon Hnông) dắt hai con trâu về chuồng, rồi tranh thủ tưới nước, chăm sóc vườn rau trước sân nhà. Ông A Tê cho biết: Được chính quyền vận động, gia đình tôi đã làm chuồng trại để nuôi nhốt gia súc thay vì thả rông như trước. Với cách làm này, gia súc phát triển khoẻ mạnh và tôi cũng tận dụng được nguồn phân chuồng để bón cây.
Gia đình ông A Tê còn cải tạo vườn tạp để trồng rau sạch, vừa có thêm thu nhập vừa cải thiện bữa ăn hằng ngày.
|
“Đất có, phân bón có, nước có, tôi chỉ bỏ công ra làm là có cái ăn. Từ ngày tôi trồng rau, nhiều người trong làng cũng làm theo” – ông A Tê cho biết thêm.
Theo thống kê của UBND xã Đăk Tờ Kan, đến nay, 500 hộ chăn nuôi có chuồng trại, chiếm 60% hộ chăn nuôi trên địa bàn xã. Đa số các hộ chăn nuôi đều biết tận dụng phân chuồng để bón cho cây, có vườn rau riêng để cải thiện bữa ăn.
Với những mô hình, cách làm cụ thể, Cuộc vận động đã và đang được chính quyền cùng người dân xã Đăk Tờ Kan chung sức, đồng lòng thực hiện, bước đầu đã có những tín hiệu tích cực. Hy vọng, trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều mô hình mới, những cách làm hay để giúp người dân nâng cao đời sống.
Văn Tùng