Thay đổi để thoát nghèo bền vững
Trao “cần câu” hay trao “con cá”? Đây là câu hỏi mang tính ẩn dụ nhưng hàm chứa sự quan tâm, trăn trở của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các cấp, các ngành trong nỗ lực cải thiện sinh kế, nâng cao đời sống cho đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Và thực tế cho thấy, dù trao “cần câu” hay trao “con cá”, hiệu quả chỉ mang lại khi chính đồng bào DTTS phải có sự thay đổi về nếp nghĩ (nhận thức) để đi đến thay đổi cách làm (hành động).
Những con số ấn tượng: 15.343 hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo (đạt tỷ lệ 74,61%) thay đổi nếp nghĩ, bỏ dần những hủ tục, không trông chờ ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước, tự lực vươn lên thoát nghèo bền vững; 12.370 hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo (đạt tỷ lệ 62,31%) biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, biết chi tiêu hợp lý để tích lũy vốn tái đầu tư sản xuất đã cho thấy những chuyển biến tích cực sau 3 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”.
Thực tế cho thấy, sự thay đổi trong nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS (từ chính nội lực) có ý nghĩa hết sức quan trọng, mang lại sự bền vững, thực chất trong công tác giảm nghèo. Qua thống kê hằng năm, bên cạnh những tin vui như có nhiều hộ đồng bào DTTS thoát nghèo, nhiều hộ đồng bào DTTS tình nguyện viết đơn xin thoát nghèo thì lại có những hộ năm trước vừa thoát nghèo nhưng lại không có cách nào để tạo thu nhập nên năm sau lại rơi vào cảnh tái nghèo, có những hộ đang ở mức trung bình thì sau một cơn bão, sau một vụ mất mùa đã trở thành hộ nghèo phát sinh mới.
|
Không ít hộ đồng bào DTTS, nhất là những hộ ở vùng sâu, vùng xa dù nhận được rất nhiều sự hỗ trợ nhưng hết năm này sang năm khác nghèo vẫn hoàn nghèo. Có những hộ khá hơn, đã thoát nghèo, nhưng chỉ vừa chịu ảnh hưởng thiên tai, gặp biến động về kinh tế, gặp chút rủi ro trong cuộc sống lại dẫn đến tái nghèo, phát sinh nghèo. Ngoài nguyên nhân khách quan như đã nêu còn có nguyên nhân chủ quan cần nhìn nhận nghiêm túc là việc giảm nghèo chủ yếu dựa vào ngoại lực - tức là sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước mà thiếu đi nội lực - tức là sự nỗ lực từ phía người dân.
Trao “con cá” hay “cần câu”? Thực ra, trao “con cá” hay “cần câu” và dạy cách đi câu đều quý. Vì nghèo hay gặp khó, đói nghèo lại hay đi cùng với bệnh tật, hoạn nạn nên cũng không quá khó để bắt gặp những hộ gia đình DTTS ở vùng sâu, vùng xa mới dừng lại “no cái bụng”. Vậy nên tất cả mọi sự hỗ trợ cho đồng bào DTTS, giúp họ vươn lên thoát nghèo đều hết sức cần thiết.
Tuy nhiên, để giúp hộ đồng bào DTTS nghèo vươn lên có lẽ không dừng lại ở là vài chục cân gạo, thùng mì tôm, con bò giống, cây giống… Giải pháp lâu dài, căn cơ luôn được nhắc đến chính là cùng với trao “con cá”, trao “cần câu”, phải làm sao tạo ra được sự thay đổi trong nếp nghĩ, cách làm của chính bản thân họ. Hiểu một cách ẩn dụ, dù được cho “con cá” (có giá trị kinh tế tức thời) hay cho “cần câu” (công cụ, kiến thức sản xuất) nhưng nếu không có sự thay đổi trong nếp nghĩ, cách làm của chính hộ đồng bào DTTS nghèo thì khó mang lại hiệu quả, thiếu bền vững. Thực tế từ những hộ đồng bào DTTS đã thoát nghèo cho thấy, chỉ khi bản thân họ thay đổi tư duy, vượt qua được những rào cản cố hữu về tâm lý, tập tục, biết cách tổ chức sản xuất, tổ chức cuộc sống gia đình thì mới vươn lên thoát nghèo bền vững, làm chủ cuộc sống.
Bởi vậy, sự thay đổi trong nếp nghĩ, cách làm của hàng chục nghìn hộ đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh sau 3 năm cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc triển khai thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” là rất đáng trân trọng. Sự thay đổi này có được thông qua công tác tuyên truyền, vận động, qua sự động viên, khích lệ, qua các mô hình hỗ trợ, hướng dẫn trực tiếp của các cấp, các ngành và sự nỗ lực tự thân của hộ đồng bào DTTS nghèo.
|
Tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, đồng chí Dương Văn Trang - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh, phải quan tâm đến yếu tố thực chất, bền vững trong quá trình triển khai Cuộc vận động. Trong đó, cần tập trung xây dựng các mô hình sản xuất, hướng dẫn để tạo sự thay đổi trong tư duy, mang lại thu nhập, nâng cao đời sống cho bà con.
Sự thay đổi, chuyển biến trong nếp nghĩ, cách làm là cả một quá trình lâu dài. Trong bối cảnh đời sống kinh tế, xã hội vùng đồng bào DTTS còn khó khăn, tỷ lệ hộ đồng bào DTTS nghèo vẫn còn cao (đến cuối năm 2023, toàn tỉnh còn hơn 10.200 hộ nghèo, trong đó có hơn 9.700 hộ nghèo là đồng bào DTTS), đòi hỏi cả hệ thống chính trị trong thời gian tới tiếp tục chung sức thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”. Qua đó, tạo động lực, niềm tin, giúp đồng bào DTTS tiếp tục có sự thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong tập quán canh tác, tư duy sản xuất, chủ động học hỏi, vươn lên và biết biến các nguồn lực hỗ trợ, đầu tư thành đòn bẩy, thành những chiếc “cần câu” hiệu quả để thoát nghèo bền vững.
Nguyên Phúc