Tháo gỡ vướng mắc cho người dân Ngọc Yêu
Nhiều hộ dân ở xã Ngọc Yêu (huyện Tu Mơ Rông) có nhà ở nằm trong hành lang an toàn đường bộ đường Ngọc Hoàng- Măng Bút- Tu Mơ Rông- Ngọc Linh không thể xây dựng, sửa chữa nhà cửa, ảnh hưởng đến cuộc sống. Do đó, người dân mong muốn sớm có giải pháp tháo gỡ để người dân yên tâm, ổn định cuộc sống.
Tuyến đường Ngọc Hoàng- Măng Bút- Tu Mơ Rông- Ngọc Linh được khởi công xây dựng vào tháng 12/2009. Tuyến đường có chiều dài 58 km, với tổng vốn đầu tư gần 1.400 tỷ đồng từ nguồn trái phiếu Chính phủ và ngân sách địa phương. Công trình được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp 5 miền núi với mặt đường bê tông xi măng rộng 5m được kết nối từ Tỉnh lộ 676 tại xã Măng Bút (huyện Kon Plông), đi qua các xã Ngọc Yêu, Văn Xuôi, Tu Mơ Rông, Tê Xăng, Măng Ri của huyện Tu Mơ Rông và nối với Tỉnh lộ 672 đến xã Ngọc Linh của huyện Đăk Glei. Công trình được nghiệm thu đưa vào khai thác từ năm 2017.
Việc đầu tư đường Ngọc Hoàng- Măng Bút- Tu Mơ Rông- Ngọc Linh không chỉ hoàn thiện mạng lưới giao thông nội tỉnh mà còn tạo đà phát triển kinh tế- xã hội cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng trong kháng chiến.
Tuy nhiên, hiện nay, tại địa bàn xã Ngọc Yêu, tuyến đường đi qua 2 thôn Long Láy 2 và Tam Rin xảy ra tình trạng có hàng chục hộ dân có nhà ở nằm trong hành lang an toàn đường bộ. Nhiều người dân muốn xây dựng, sửa chữa lại nhà thì không được do nằm trong khu vực hành lang đường bộ. Điều đáng nói, nghịch lý là tuyến đường được xây dựng sau, trong khi đó, người dân đã làm nhà ở ổn định trước khi hình thành tuyến đường.
|
|
Theo thống kê của xã Ngọc Yêu, hiện nay, trên tuyến đường Ngọc Hoàng- Măng Bút- Tu Mơ Rông- Ngọc Linh (đoạn Km21-Km36+921) đi qua địa bàn xã Ngọk Yêu phát sinh 50 trường hợp có nhà ở nằm trong hành lang an toàn đường bộ. Các hộ dân bị ảnh hưởng chủ yếu thuộc thôn Long Láy 2 và thôn Tam Rin. Tuy nhiên, 50 trường hợp nói trên về hiện trạng công trình đã có trước khi đầu tư xây dựng tuyến đường.
Theo UBND xã Ngọc Yêu, nhiều hộ dân đến xã xin làm thủ tục sửa chữa, xây dựng lại nhà cửa nhưng đều không thể cho phép bởi nhà ở nằm trong hành lang an toàn đường bộ. Qua thống kê, có một số hộ diện tích đất và nhà ở nằm hoàn toàn trong khu vực hành lang an toàn đường bộ; còn một số hộ có một phần diện tích nằm trong hành lang, còn số diện tích đất còn lại không đủ để xây dựng...
Chia sẻ với chúng tôi, ông A Thoát- trưởng thôn Long Láy 2 cho biết, ở thôn có nhiều hộ có nhà ở nằm trong hành lang an toàn đường bộ của tuyến đường Ngọc Hoàng- Măng Bút- Tu Mơ Rông- Ngọc Linh đã xuống cấp muốn sửa chữa lại không được. Trong khi đó, bà con đã sinh sống ở đây đã bao đời nay, trước khi con đường chưa được xây dựng. Do đó, bà con mong muốn chính quyền sớm có hướng tháo gỡ vướng mắc này để bà con yên tâm ổn định cuộc sống.
Ông Ngô Văn Cường- Chủ tịch UBND Ngọc Yêu cho biết, trước thực trạng đó, xã cũng đã đề xuất, kiến nghị với phòng chức năng và UBND huyện để kiến nghị lên đơn vị chức năng xem xét giải quyết và tháo gỡ vướng mắc nói trên cho người dân.
Trao đổi với phóng viên, ông Hà Huy Cường- Trưởng Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Tu Mơ Rông cho biết: Chúng tôi đã tham mưu UBND huyện đề nghị Sở Giao thông vận tải xem xét, tháo gỡ cho người dân. Huyện cũng đề xuất giải pháp như giảm khoảng cách hành lang an toàn đường bộ (đoạn qua xã Ngọk Yêu) xuống còn khoảng 5-7m để các hộ dân đủ diện tích đất xây nhà. Hoặc tiến hành bố trí tái định cư ở nơi khác đối với các hộ có nhà ở nằm trong khu vực hành lang an toàn đường bộ tuyến đường này (vì người dân đang sinh sống dọc tuyến đường, diện tích đất xây dựng không đảm bảo so với quy định về diện tích tối thiểu).
Cũng theo ông Cường, huyện cũng đã đề nghị Sở Giao thông vận tải tỉnh xem xét cắm mốc lộ giới trên tuyến để người dân biết thực hiện, tránh việc phát sinh thêm các trường hợp xây dựng công trình nằm trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ đường Ngọc Hoàng- Măng Bút-Tu Mơ Rông- Ngọc Linh đi qua địa bàn xã Ngọk Yêu, gây khó khăn cho việc xử lý về sau.
Hơn lúc nào hết, người dân xã Ngọc Yêu mong các cấp chính quyền sớm tháo gỡ những vướng mắc nói trên để yên tâm ổn định cuộc sống.
Phúc Nguyên