Thành phố Kon Tum: Nâng cao tỷ lệ người dân ở vùng nông thôn sử dụng nước sạch
Thời gian qua, chính quyền và người dân ở các xã trên địa bàn thành phố Kon Tum đã linh hoạt, phối hợp với đơn vị liên quan tổ chức triển khai nhiều giải pháp thiết thực và hiệu quả góp phần nâng cao tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn của bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, xã Hòa Bình, địa phương đạt chuẩn xã nông thôn mới vào năm 2016, có 692 hộ dân trên tổng số 1.772 hộ dân đang sinh sống trên địa bàn sử dụng nước sạch để sinh hoạt theo quy chuẩn của Bộ Y tế (chiếm tỷ lệ 39%, vượt 9% so với chỉ tiêu 17.1 của Bộ tiêu chí về xây dựng nông thôn mới đề ra). Nguồn nước các hộ dân này sử dụng được cấp từ Trạm cấp nước sinh hoạt Hòa Bình (thuộc Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
|
Là một trong những hộ dân đang sử dụng nước sạch ở xã Hòa Bình, bà Nguyễn Thị Sen (trú tại thôn 2) chia sẻ, nguồn nước sinh hoạt của gia đình bà trước đây chủ yếu được lấy giếng đào. Từ cuối năm 2020 đến nay, sau khi Trạm cấp nước sinh hoạt xã Hòa Bình đi vào hoạt động, thông qua công tác tuyên truyền, vận động của bên đơn vị cung cấp nước và chính quyền cùng mặt trận, đoàn thể của xã, thấy được những lợi ích của việc sử dụng nước sạch mang lại nên gia đình bà đã đăng ký sử dụng và trả phí theo đơn giá nước được quy định.
“Gia đình chúng tôi sử dụng nguồn nước sạch vào việc ăn, uống, tắm, rửa là chính. Còn nguồn nước được bơm từ giếng đào được dùng giặt đồ và tưới rau”, bà Sen nói.
Để tiếp tục nâng cao tỷ lệ hộ dân trên địa bàn sử dụng nước sạch, đồng thời khai thác hiệu quả công suất của Trạm cấp nước sinh hoạt Hòa Bình (350m3/ngày đêm, có thể cung cấp nước sạch tối đa cho 840 hộ dân), UBND xã Hòa Bình đã và đang tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đến các hộ dân trên địa bàn sử dụng nguồn nước sạch này.
Ông Phan Văn Pháp-Chủ tịch UBND xã Hòa Bình cho biết, Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của xã đã phân công thành viên Ban Chỉ đạo phụ trách từng địa bàn, thường xuyên phối hợp cùng với Ban Công tác mặt trận và đoàn thể ở các thôn lồng ghép những nội dung về lợi ích sức khỏe, trong đó có việc sử dụng nguồn nước sạch, hợp vệ sinh nên số lượng hộ dân đăng ký sử dụng nước sạch đã tăng hơn nhiều so với trước.
Tương tự, tại xã Đăk Cấm, sau khi Trạm cấp nước sinh hoạt của xã đi vào hoạt động từ cuối năm 2020, nhiều hộ dân trên địa bàn xã có nhu cầu sử dụng nước sạch nhưng nằm ở vị trí xa điểm đấu nối với hệ thống ống dẫn nước chính của Trạm nên đã đóng góp ngày công và kinh phí tổ chức lắp đặt ống dẫn nước chung.
Anh Nguyễn Chí Khánh, hộ dân có nhà ở gần khu dân cư Hoàng Thành, thôn 4 (xã Đăk Cấm) cho hay, gia đình anh định cư ở thôn 4 đã được gần 2 năm, thời gian đầu sinh sống tại đây, đời sống sinh hoạt của gia đình anh bị ảnh hưởng vì nguồn nước lấy từ giếng khoan bị nhiễm phèn nặng và vào mùa khô hay bị thiếu nước. Khi Trạm cấp nước sinh hoạt của xã đi vào hoạt động, anh đã đứng ra kêu gọi, vận động 5 hộ dân xung quanh nhà ở của mình cũng bị ảnh hưởng bởi nguồn nước giếng không đảm bảo đóng góp kinh phí với số tiền gần 2 triệu đồng/hộ và tham gia ngày công cùng Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn xây dựng, lắp đặt hệ thống ống dẫn nước dài 115m.
Sau khi hệ thống dẫn nước hoàn thành lắp đặt và có nguồn nước sạch để sinh hoạt, đời sống của gia đình anh Khánh cùng 5 hộ dân xung quanh được cải thiện rõ rệt. “Ngoài nguồn nước sạch được cấp liên tục 24/24h, sức khỏe của các thành viên trong gia đình tôi được đảm bảo, bản thân tôi cũng không phải tốn kinh phí và công sức để vận hành hệ thống lọc nước mini đối với nguồn nước được lấy từ giếng khoan như trước đây”, anh Khánh vui vẻ nói.
Theo Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, đối với 3 công trình cấp nước sinh nước sinh hoạt tại các xã Hòa Bình, Đăk Cấm và Ia Chim do đơn vị quản lý, hiện đã có hơn 2.610 hộ dân đấu nối và sử dụng nguồn nước sạch của các công trình.
Nhằm nâng cao tỷ lệ các hộ dân ở vùng nông thôn sử dụng nước sạch, trong thời gian tới, Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn làm tốt hơn nữa công tác quản lý vận hành hiệu quả các công trình cấp nước sinh hoạt, cấp nước tập trung; phối hợp với các địa phương liên quan tuyên truyền về lợi ích của việc sử dụng nước sạch; vận động người dân chung tay bảo vệ nguồn nước đầu nguồn cung cấp cho các công trình cấp nước, hệ thống đường ống dẫn nước, đăng kí sử dụng nước sạch.
Đức Thành