Thăm lại Chư Tan Kra
Những ngày này, cách đây 49 năm, vùng đất Chư Tan Kra - cái tên nghe nhẹ nhàng như một điệu hát của núi rừng, từng là chiến trường ác liệt bậc nhất trong mùa xuân năm 1968. Nơi đây, tuổi trẻ và máu xương của những người con Thủ đô Hà Nội đã nằm lại cho Tổ quốc quyết sinh. Mảnh đất này là nhân chứng sâu sắc và mãnh liệt nhất về sức sống, lòng dũng cảm và sự hy sinh vẻ vang vì độc lập tự do của Tổ quốc.
Chúng tôi về Sa Thầy vào trung tuần tháng 3. Từ thị trấn Sa Thầy, chúng tôi đến Chư Tan Kra theo hướng về xã Ya Xiêr. Mùa này, đường rừng Ya Xiêr bạc phếch nắng, có lúc bóng ngả âm u. Những thôn, làng dưới chân núi Chư Tan Kra hoang sơ ngày nào, giờ đây đây đã thay đổi nhiều, đầy sức sống. Bên các ngôi nhà sàn, các bà, các chị ngồi dệt thổ cẩm, chia sẻ chuyện làm ăn, chuyện vui trong cộng đồng.
|
Theo đồng bào Gia Rai ở đây, Chư Tan Kra nghĩa là “núi chính giữa”, biểu tượng cho tinh thần anh dũng, kiên cường song cũng rất đỗi hiền hòa, nhân hậu của đất và người Kon Tum. Đỉnh cao 995, Mỹ ngụy xây dựng cứ điểm, có sân bay dã chiến, trận địa pháo để khống chế vùng Tây Sa Thầy. Tại đây đã xảy ra nhiều trận giao tranh giữa ta và địch trên đỉnh núi Chư Tan Kra, điển hình như trận đánh ngày 21/3/1968 và ngày 26/3/1968.
Cuốn “Lịch sử Trung đoàn 209, Sư đoàn 312”, NXB Quân đội Nhân dân 2004, trang 94 – 95 viết: “Trong trận tiến công tiêu diệt quân Mỹ ở cao điểm 995 (thuộc núi Chư Tan Kra), 204 lính Mỹ đã bị tiêu diệt, ta bị thương và hy sinh hơn 200 đồng chí. Trận đánh Mỹ đầu tiên tại cao điểm 995, Trung đoàn không dứt điểm nhưng là trận đánh mở màn của Trung đoàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ trên chiến trường Tây Nguyên và Nam bộ. Trận đánh đã thể hiện rõ ý chí kiên cường, tinh thần chiến đấu gan dạ, không sợ hy sinh của cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 209, đó chính là truyền thống của một trung đoàn đã được xây dựng từ những ngày đầu chống thực dân Pháp xâm lược. Dù ngã xuống trước ngày đất nước toàn thắng nhưng tinh thần chiến đấu anh dũng, sự hy sinh cao cả của các anh sẽ sống mãi trong lòng mỗi người dân Thủ đô”.
Chư Tan Kra với trận đánh chấn động nước Mỹ giờ đây không chỉ có trong ký ức của gần một trăm người còn sống của Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 ngày ấy, mà trở thành những trang sử không bao giờ phai nhòa của người dân Kon Tum như lời bài hát “Nhớ” của nhạc sĩ Phan Đức Luận: “Các anh về sau chiến tranh. Có đồng đội chưa biết tên. Lòng ta không thể quên. Đã qua rồi lửa chiến tranh. Xây cuộc đời bao ước mơ. Ngày vui không còn anh. Thương nhớ vô cùng. Nhớ, nhớ mãi hình bóng anh”…
Nhà giáo Trương Anh Tài (Sa Thầy) có vần thơ: “Chư Tan Kra/Nơi trận đánh đầu nhưng vô cùng oanh liệt/Của những chàng trai Hà Nội giữa Tây Nguyên/Chiến thắng lừng danh K4 các anh/Diệt gọn đại đội bộ binh, đại đội pháo binh, tiểu đoàn bộ Mỹ/Giặc điên cuồng nã pháo tầm xa, ném bom tiêu hủy/Máu các anh, máu của tuổi đôi mươi tan vào sông núi/Hòa cùng đất lửa Tây Nguyên…”
Năm 2010, để tưởng nhớ những người con Hà Nội hy sinh tại đây, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội phối hợp với Ban liên lạc Trung đoàn 209 xây dựng Khu tưởng niệm liệt sĩ Hà Nội hy sinh tại chiến trường. Tổng kinh phí xây dựng khu tượng niệm gần 30 tỷ đồng, với nhiều hạng mục như: Nhà tưởng niệm, quy tập mộ liệt sĩ, khu nghĩa trang, phù điêu, nhà bia, nhà đón tiếp…
Công trình văn hóa tâm linh này là món quà ý nghĩa thể hiện tấm lòng của những người đồng đội năm xưa và nhân dân Hà Nội tri ân những chiến sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Tháng 7/2013, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành quyết định công nhận Di tích lịch sử Điểm cao 995-Chư Tan Kra là Di tích lịch sử cấp tỉnh. Và cũng từ đây Chư Tan Kra đón hàng trăm đoàn khách với hàng nghìn người đến viếng mỗi năm.
Anh Lê Xuân Mắn - bảo vệ Khu di tích Chư tan Kra cho biết: Dù khu di tích này ở xa tận thôn 3 xã Ya Xiêr, đường đi lại khó khăn, nhưng hàng năm những ngày lễ, tết, ngoài những người dân địa phương, thì còn có rất nhiều đồng đội, thân nhân, bạn bè của những liệt sĩ từ Hà Nội đến đây để viếng, thắp nhang tri ân. Xúc động lắm, có nhiều bác cựu chiến binh tham gia trận Chư Tan Kra lặn lội từ Bắc vào thăm lại chiến trường xưa, thắp nén hương cho đồng đội, không giấu được cảm xúc, rưng rức nước mắt. Khu di tích này còn lưu những di vật của các anh tìm được từ chiến trường như những bức thư chưa một lần được gửi, những lời yêu chưa có phút giây nào được tỏ bày…
|
Đã 49 năm trôi qua, thời khắc ấy chỉ còn lại trong những trang sử, nhưng những gì các anh đã cống hiến, đã hy sinh mãi trường tồn trong trái tim của những thế hệ mai sau. Hôm nay, nắng vẫn trải vàng trên Chư Tan Kra. Trên mảnh đất các anh nằm lại khô cằn, sỏi đá ngày nào, giờ đã mọc lên những cánh rừng cao su bạt ngàn. Bà con xã Ya Xiêr đang chăm lo sản xuất, cày cấy, vươn lên thoát nghèo, xây dựng nông thôn mới. Bài viết này như một nén tâm hương của chúng tôi, tri ân và xin gửi tới những người con ưu tú của Thủ đô Hà Nội đã nằm lại vùng đại ngàn Chư Mom Ray.
Dương Lê