Thái độ với thuốc lá
Cuộc chiến loại bỏ thuốc lá ra khỏi đời sống của chúng ta vẫn sẽ hết sức gian nan, chừng nào còn có những người đặt ra câu hỏi: Sao phải bỏ thuốc lá?
Tôi tình cờ gặp lại cậu bạn thời đại học, khi cậu ta tham gia đoàn công tác của một bộ về kiểm tra tại tỉnh.
Thời gian và vị trí công việc đã biến một gã gầy, cao như cây sậy thành người đàn ông bệ vệ, sang trọng. Nhưng có một thứ vẫn không thay đổi, kể từ thời học đại học: Nghiện thuốc lá. Trong bữa cơm thân mật, cậu ta liên tục xin lỗi để đi ra ngoài tranh thủ rít vài “khói”.
Rồi cậu ta hì hụi lôi từ túi xách ra một “cây” thuốc ba số 5 dúi vào tay tôi: Gặp bất ngờ quá, không có gì làm quà, biếu ông cây thuốc gọi là quà ngày 21/6. Vẫn hút chứ hả? Ba số Anh xịn đấy nhé.
Tớ bỏ thuốc lá lâu rồi- tôi nhét “cây” thuốc lại vào tay cậu ta. “Không tin nổi. Một người “yêu” thuốc lá như ông mà lại bỏ”, cậu ta lầm bầm.
Tôi cười: Bỏ thuốc lá tốt đấy chứ. Ít nhất là có ích cho sức khỏe của mình và những người xung quanh. Lại tiết kiệm được không ít tiền bạc. Cậu cũng bỏ thuốc lá đi.
Sao lại phải bỏ? Cậu ta dứ dứ nắm đấm gồ ghề như trái sầu riêng trước mặt tôi, rồi lại phá lên cười: Để tôi tính.
Sao lại phải bỏ thuốc lá? Câu hỏi của bạn làm tôi nhớ lại, ở một ngôi làng lọt thỏm giữa đại ngàn, tôi cũng đã từng bị chất vấn một câu như vậy.
Năm ngoái, trong một chuyến công tác, tôi vào một làng người Hrê ở Kon Plông đúng vào lúc dân làng đang tổ chức đám cưới.
Một đám cưới được tổ chức như bao đám cưới của người Hrê khác, nghĩa là vừa có nghi thức truyền đời dâu và rể gắn kết với nhau thông qua việc trao cho nhau bát rượu, miếng trầu, hay quàng chung một vòng dây, vừa có âm nhạc hiện đại. Tất nhiên, không thiếu thức ăn và rượu.
Mọi người ngồi trên nhà sàn, hoặc dưới khoảng sân rộng, và cả ở những gốc cây trong vườn, nơi có cột ghè rượu và đặt thức ăn.
Tôi được kéo lên nhà sàn uống rượu. Ngôi nhà sàn dựng ngang khoảnh đất, có cửa ra vào ở mỗi đầu và một mặt bên, có khá đông họ hàng hai bên. Khói thuốc lá bốc mù mịt. Gần như người đàn ông nào cũng hút thuốc; vài phụ nữ ngồi trong góc nhà cũng hút.
Hút thuốc lá và ăn trầu cau là tập quán lâu đời của người Hrê. Ngày trước hút thuốc tự cuốn, nay có thuốc lá gói bán đầy ngoài cửa hàng. Hút thuốc lá giúp xua đi giá lạnh, cho người tỉnh táo. Hút thuốc lá cũng để xua bớt côn trùng khi đi rừng, lên rẫy- già làng nói.
Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe lắm, già ơi- tôi mở lời. Già làng dụi dụi điếu thuốc xuống đất: Già có nghe nói về cái hại của thuốc lá, nhưng đã hút thuốc bao nhiêu năm nay, bây giờ khó bỏ lắm. Sáng dậy mà thiếu điếu thuốc thì còn khổ hơn không được ăn.
Già nên bỏ thuốc lá đi. Cũng vận động dân làng bỏ thuốc nữa- tôi thử khả năng dân vận của mình. Một thanh niên ngồi cạnh nhìn tôi chằm chằm, chất vấn: Sao lại phải bỏ thuốc lá?
Câu hỏi ấy theo tôi cho đến bây giờ.
Điều đó cho thấy, cuộc chiến loại bỏ thuốc lá ra khỏi đời sống của chúng ta vẫn gian nan, chừng nào còn có những người đặt ra câu hỏi như vậy. Nó thể hiện một thái độ “bênh vực” thuốc lá rất rõ ở không ít người.
Trên thực tế, ở đô thị, nỗ lực xây dựng môi trường không khói thuốc lá đã và đang có những tín hiệu vui. Các cơ quan hành chính, cơ sở y tế và giáo dục đều thực hiện quy định cấm hút thuốc lá. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động không hút thuốc hoặc bỏ thuốc lá tăng rõ rệt.
Một ví dụ rất thực tế là ở cơ quan tôi, từ gần 100% lao động nam hút thuốc lá, nay chỉ còn một vài người. Rất vui là tất cả lao động nam trẻ tuổi đều nói không với thuốc lá.
Nhưng ở nông thôn thì ngược lại, tỷ lệ người hút thuốc lá rất cao. Và không mấy ngạc nhiên khi phụ nữ, trẻ em cũng hút thuốc.
|
Hút thuốc lá phổ biến ở hầu hết các hoạt động sinh hoạt, sản xuất của cộng đồng dân cư, từ việc cưới, việc tang, lễ hội đến họp thôn, làng. Muốn cấm nông dân hút thuốc cũng khó lắm- một cán bộ hội nông dân xã vùng ven thành phố Kon Tum cho biết.
Theo ông, cán bộ, công chức nhà nước còn bị ràng buộc bởi quy chế, bởi sự quản lý, thưởng - phạt của cơ quan, lãnh đạo cơ quan, nông dân thì không. Các tổ chức đoàn thể như hội nông dân, đoàn thanh niên, hội CCB... chỉ có thể vận động chứ không thể cấm, không thể xử phạt khi bắt gặp nông dân hút thuốc.
Thi thoảng mới tham gia họp thôn, làng, hay đến nơi công cộng- như trụ sở xã, cơ quan nhà nước chẳng hạn- có hút thuốc lá thì cũng chẳng có ai nỡ phạt nông dân cả.
Bên cạnh đó, quanh năm quần quật với công việc nhà nông, điếu thuốc, ấm trà là niềm vui, là nếp sống quen thuộc của họ; đồng ruộng, vườn tược rộng bát ngát như thế, họ cứ hút “xả ga” thôi.
|
Còn một nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng trên là việc tuyên truyền thường tập trung ở thành thị mà lãng quên nông thôn. Nên nông dân đã và đang đứng bên lề các chiến dịch tuyên truyền về tác hại của việc hút thuốc lá. Trong khi đó, người dân có thể dễ dàng mua thuốc lá ở bất kỳ đâu, với giá rẻ.
Không dám kêu gọi những người hút thuốc lá bỏ thuốc, vì tôi biết, để từ bỏ một thói quen “gây nghiện” là điều rất khó khăn.
Nhưng tôi rất mong những người hút thuốc, hãy cân nhắc trước khi châm lửa vào điếu thuốc.
Tin vui là bỏ thuốc lá đang là phong trào được nhiều người ủng hộ, nhất là phái nữ. Nghe đâu vợ của bạn tôi cũng đã ra tối hậu thư cho cậu ta về chuyện bỏ thuốc lá.
Vì vậy, tôi mong rằng cậu ta sẽ sớm có thái độ dứt khoát với thuốc lá!
Hồng Lam