Sức sống thành phố trẻ
Không còn là một thị xã nhỏ bé, với tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 6,5%, bước sang tuổi 14, thành phố Kon Tum đã chuyển mình, ngày càng mang dáng vóc khang trang, hiện đại.
Sau một thời gian định cư ở nước ngoài, bây giờ, trở về lại quê hương Kon Tum thăm con cháu, bà Hoàng Minh Thùy không khỏi bất ngờ trước sự thay đổi lớn của thành phố Kon Tum. Đi dọc các tuyến đường, về phía dòng sông chảy ngược, bà trầm trồ bởi sự phát triển vượt bậc.
Đó là điều dễ hiểu, bởi trong trí nhớ của bà, mười mấy năm về trước, thị xã Kon Tum còn nghèo nàn. Ngoài khu chợ đông đúc, qua cầu Đăk Bla, đi về phía tỉnh Gia Lai, lác đác những mái nhà lụp xụp nằm bên cánh đồng mía, ngô. Lâu lắm, mới thấy vài ngôi nhà xây kiên cố.
|
“Bây giờ, cơ sở hạ tầng được đầu tư, phát triển đồng bộ, hiện đại. Đường xá mở rộng. Nhà cửa cao tầng, xe ô tô, xe máy tấp nập qua lại. Nhìn sơ qua cũng thấy, so với trước, đời sống kinh tế của người dân ngày một khởi sắc” – bà Thùy chia sẻ.
Những người từ xa trở về, choáng ngợp trước sự đổi thay của thành phố trẻ. Còn với bà Y HLưr, thôn Kon Tum Kơ Nâm, phường Thống Nhất, sinh ra, lớn lên ở thành phố Kon Tum, mỗi ngày được nhìn thấy thành phố chuyển mình là niềm hạnh phúc. Bà nói, không biết phải dùng từ ngữ nào để so sánh sự khác biệt giữa thành phố bây giờ so với những ngày đầu thành lập. Nhưng, chỉ biết rằng, đời sống vật chất, tinh thần của dân làng đã được nâng lên rất nhiều.
Trong hồi ức 14 năm về trước, bà kể, đường vào làng là đường đất; nhà cửa lụp xụp. Bữa cơm hiếm lắm mới có thịt. Còn bây giờ, đường đã được đổ bê tông; nhà cửa kiên cố; môi trường sạch sẽ hơn trước rất nhiều. Bà con cũng biết kết hợp giữa làm nông và kinh doanh, buôn bán nên đời sống kinh tế cũng khấm khá hơn rất nhiều.
Đúng, nếu so sánh thành phố bây giờ so với 14 năm trước, thật khập khiễng. Bởi, năm 2009, dân số của cả thị xã chỉ khoảng 140.000 người, hơn 1 thập kỷ trôi qua, dân số thành phố đã hơn 179.000 người. 14 năm trước, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 15 triệu đồng/năm; thu ngân sách chỉ khoảng gần 480 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 6,5%. Còn bây giờ, tăng trưởng kinh tế đã đạt 13,32%, cơ cấu kinh tế phát triển theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp xây dựng; thu nhập bình quân đầu người ước đạt 58,4 triệu đồng/năm; và cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,34%.
Từ một thị xã nhỏ bé, đơn sơ, ở tuổi 14, thành phố Kon Tum đã đạt đô thị loại 2 trong sự nỗ lực và phấn đấu của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố.
|
Trong bước chuyển mình ấy, cảnh quan đô thị có sự thay đổi lớn. Cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ. Bên dòng Đăk Bla, 9 cây cầu bắc qua sông đã nối làng với phố, giúp người dân thuận tiện hơn trong lưu thông. Ngày trước, tiềm năng du lịch chưa được phát huy, thì nay, ngoài các địa điểm du lịch về danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử, thành phố Kon Tum còn có nhiều điểm du lịch cộng đồng thu hút đông đảo du khách từ khắp nơi ghé đến.
Và cũng nhờ sự phát triển đồng bộ, toàn diện, thành phố Kon Tum đã trở thành điểm đến thu hút các nhà đầu tư. Các dự án được triển khai hiệu quả, vừa góp phần đem lại cảnh quan ngày càng hiện đại cho thành phố, vừa tạo việc làm cho người lao động, góp phần đáng kể vào thu ngân sách trên địa bàn.
Bước sang tuổi 14, với sự thay đổi mạnh mẽ của thành phố trẻ, với niềm vui hân hoan, người dân ai nấy đều rạo rực, phấn chấn. Trong niềm tin về một tương lai ngày càng tươi sáng, mỗi người dân tiếp tục chung sức thực hiện có hiệu quả các đề án, chính sách về phát triển nông nghiệp, phát triển các sản phẩm chủ lực của thành phố, sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Cùng với đó, mạnh dạn liên kết sản xuất, tiêu thụ, phát triển, tham gia các mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm, đánh thức các tiềm năng, lợi thế.
Đi về phía mặt trời mọc, bên dòng sông chảy ngược, âm thanh ngày mới rộn ràng, nhộn nhịp. Đón tuổi mới tràn niềm tin và hy vọng, với sự quyết tâm của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, thành phố Kon Tum sẽ ngày càng vươn mình, hoàn thiện vóc dáng của một đô thị trẻ, văn minh, xanh, sạch, đẹp, xứng tầm là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.
Hoài Tiến