Sức sống mới từ một Cuộc vận động - Bài 2: Hành trình chuyển hóa “thâm căn cố đế”
Những hủ tục ăn sâu bén rễ, những quan niệm lạc hậu đè nặng lên hành trình thoát nghèo của người DTTS. Cộng thêm tư tưởng trông chờ, ỷ lại, nhiều thôn, làng nằm trong vòng luẩn quẩn của đói nghèo và lạc hậu. Thế nhưng, với quyết tâm “khó mấy cũng phải làm”, Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” đã từng bước phá vỡ những rào cản ấy, bằng một hành trình bền bỉ, kiên trì và đầy tâm huyết.
Khó như lên trời!
Là làng đồng bào DTTS duy nhất ở thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà, nhiều người chỉ biết đến Kon Trang Long Loi như một điểm đến du lịch thú vị. Ít ai biết rằng, chỉ vài năm về trước, Kon Trang Long Loi còn là làng có gần 100% số hộ thuộc diện nghèo.
Già làng A Thuih vẫn không quên hình ảnh làng xưa: Nhà cửa xiêu vẹo, đường sá lầy lội, người dân quen với lối sống cũ kỹ, quanh năm kiêng cữ, lễ cúng triền miên, làm ít nghỉ nhiều. “Đi tỉa lúa cũng cúng gà, cúng xong lại về nhà uống rượu. Cưới hỏi cũng kéo dài mấy ngày liền, tốn kém, mệt mỏi lắm”- ông kể.
Lối sống đó khiến đời sống bà con chìm trong nghèo túng. Nhưng thay đổi nếp nghĩ, phá vỡ hủ tục- theo già A Thuih- “còn khó hơn lên trời”. Dẫu biết khó, nhưng không thể không làm.
Những buổi họp thôn liên tục diễn ra, nhưng hiệu quả vẫn mờ nhạt. Tuy nhiên, các cán bộ huyện, thị trấn, thôn không bỏ cuộc. Họ kiên trì đến từng nhà, trò chuyện với từng người, giải thích từng câu chuyện, từng thói quen. Với người già thì chậm, với người trẻ thì mạnh dạn gieo nhận thức mới.
“Ở làng mình, có người quen kiêng cữ, mình gặp ở đâu là nói ở đó. Nói mãi, nói riết rồi họ cũng bắt đầu suy nghĩ lại. Có khi họ chưa thay đổi liền, nhưng ít nhiều họ cũng đã biết mình nghèo do đâu, muốn thoát nghèo phải làm gì ”- già A Thuih chia sẻ.
Không chỉ ở Đăk Hà, nhiều địa phương khác cũng từng đối mặt với những hủ tục ăn sâu vào đời sống. Tại huyện Kon Plông, món “mắm dố” (mắm chua truyền thống) được xác định là 1 trong 6 hủ tục cần xóa bỏ vì tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc.
Ông A Xuyến- Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thị trấn Măng Đen kể: Chúng tôi vừa tuyên truyền, vừa kiểm tra, vừa xử lý. Nhà nào còn làm thì tiêu hủy, đồng thời giải thích bằng ví dụ thực tế về ngộ độc để bà con thấy rõ. Nhưng món này có từ bao đời, xóa bỏ không dễ. Chúng tôi xác định phải kiên trì, không nóng vội.
|
Tại xã biên giới Mô Rai (huyện Sa Thầy), thói quen “thầy mo hơn thầy thuốc” từng là rào cản lớn khiến không ít gia đình thiệt hại nặng nề. Như trường hợp của bà Y Trinh (làng KĐin), từng bán cả rẫy để cúng chữa bệnh cho chồng. “Cúng hết gà, heo rồi mà vẫn không khỏi. Về sau nghe cán bộ và con cái phân tích, mới biết bệnh do rượu chứ không phải do ma”- bà ngậm ngùi.
Không riêng chuyện của bà Y Trinh, từ thực tế triển khai Cuộc vận động, ông A Trường- Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Mô Rai chia sẻ: Thói quen khi đau ốm là cúng, khấn nhờ thần linh đã ăn sâu vào trong suy nghĩ của những người già ở các làng. Chúng tôi phải đi tuyên truyền thường xuyên, liên tục để kịp thời nắm bắt thông tin và xử lý vấn đề. Thay đổi người già không được thì vận động người trẻ. May mắn, qua việc tuyên truyền, qua tivi, sách báo, lớp trẻ nhận thức sâu sắc hơn và vận động chính người thân của mình. Bây giờ, nhiều người già muốn cúng nhưng được các con, các cháu “cản”, không làm theo, nên việc cúng khi đau ốm dần được xóa bỏ.
|
Bám làng gỡ khó
Không chỉ xóa bỏ hủ tục, ở các thôn, làng vùng DTTS, để vận động người dân thay đổi nếp nghĩ thật không đơn giản. Một bộ phận quen với việc hỗ trợ nên cứ trông chờ; một bộ phận ngại thay đổi, không mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhưng nếu không gỡ khó, làm sao có thể giúp bà con thoát nghèo.
Chị Dương Thị Mỹ Xuân- Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thị trấn Đăk Hà nhớ mãi những ngày đầu triển khai Cuộc vận động. “Mình nói đâu bà con gật đó nhưng chỉ ở cuộc họp thôi, sau đó đâu lại vào đấy, vẫn như cũ. Ở mãi trong làng, hiểu, biết được vướng mắc của bà con, tôi phối hợp, tổ chức các lớp tập huấn, đến từng nhà vận động bà con tham gia. Ròng rã một thời gian dài, chúng tôi theo sát, động viên bà con vay vốn làm ăn, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, động viên một số nhân tố làm gương chuyển đổi cây trồng, hiến đất làm đường. Mưa dầm rồi cũng thấm, từ thủ thỉ, động viên đến cùng làm, cùng hướng dẫn, người dân trong làng bắt đầu có những chuyển biến”- chị Xuân kể.
Còn Bí thư Chi bộ đồng thời là Trưởng thôn Kon Trang Long Loi- Lê Xuân Ninh thì cho rằng, nhiều người tự ti, ngại giao tiếp, chỉ quẩn quanh trong làng nên khó vận động. Qua rất nhiều buổi tiếp xúc, từ trò chuyện đến lấy người thật, việc thật chứng minh, bà con mới mạnh dạn tiếp xúc, mạnh dạn thay đổi trong làm kinh tế. “Hiện nay hầu như thanh niên trong thôn đều đi làm công nhân ở các tỉnh phía Nam. Đất đai không nhiều, việc mạnh dạn ra ngoài đi làm đã giúp họ có thu nhập ổn định hơn”- ông Ninh nói.
Vạn sự khởi đầu nan, như bao xã khác, tại xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô, bước đầu triển khai Cuộc vận động không dễ dàng. Đảng ủy xã xây dựng giao ước thi đua, cùng với đó, phân công tất cả các cán bộ, công chức phụ trách bám nắm 3 thôn người DTTS.
Bà Y Dên- Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã cho biết: Mặt trận phụ trách chung và phân công Hội LHPN xã, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh phụ trách các hộ nghèo, hộ cận nghèo cụ thể. Từ việc phụ trách cụ thể, chúng tôi thường xuyên có mặt tại thôn, vận động, tuyên truyền, triển khai các mô hình cụ thể.
Nhớ lại những ngày của năm 2021, bà Dên cảm thán: Tư tưởng trông chờ, ỷ lại khiến người dân thụ động, không tự giác vươn lên. Càng khó càng phải làm, mỗi hội, đoàn thể tích cực bám nắm, đi từng ngõ, gõ từng nhà để tìm hiểu, đồng hành với người dân.
Ngày đó, bà con chỉ quen với cây mì, không muốn chuyển đổi trồng các loại cây khác vì lo không biết cách làm, không hiệu quả. Chúng tôi phải động viên, cùng bắt tay vào làm. Chúng tôi phải làm gương, mô hình của mình hiệu quả, người dân thấy được mới làm theo”- ông A Áp, Trưởng ban Công tác mặt trận thôn Đăk Ri Peng 1, xã Tân Cảnh nói.
|
Dù khó khăn, công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến Cuộc vận động luôn được triển khai đồng bộ, thường xuyên, liên tục, với rất nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phong phú. Bám làng, gần dân, kiên trì, bền bỉ, suốt 4 năm, tỉnh tổ chức hàng ngàn cuộc tuyên truyền, xây dựng và duy trì 1.248 mô hình tuyên truyền, hỗ trợ giúp người DTTS làm kinh tế, chỉnh trang, cải tạo vườn tạp, bảo vệ môi trường.
Từ thụ động, trông chờ, ỷ lại, chưa mạnh dạn áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, với sự đồng hành, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể, bà con ở các thôn, làng vùng DTTS đã xóa bỏ những nếp nghĩ, cách làm lạc hậu, đưa cuộc sống của mình sang một trang mới.
Hoài Tiến