Sức bật trên vùng căn cứ cách mạng
Phát huy truyền thống cách mạng, đồng bào dân tộc Xơ Đăng ở Tu Mơ Rông đã và đang tích cực tận dụng thế mạnh riêng có để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống, tạo nên sức mới trên vùng căn cứ cách mạng, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Đổi thay mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng
Tu Mơ Rông là vùng căn cứ cách mạng của tỉnh. Nơi đây nổi tiếng với Khu căn cứ Tỉnh ủy thời kháng chiến chống đế quốc Mỹ được xếp hạng Di tích lịch sử cấp tỉnh nằm ở xã Măng Ri-nơi được gọi là “thủ phủ”của loài dược liệu quý “Quốc bảo”-sâm Ngọc Linh. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đồng bào Xơ Đăng nơi đây đã hăng hái tham gia cách mạng, một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ, góp công, góp sức nuôi giấu cán bộ, xây dựng căn cứ cách mạng và sát cánh cùng Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Kon Tum chiến đấu đánh thắng kẻ thù xâm lược.
Sau ngày đất nước thống nhất, hậu quả của chiến tranh để lại khá nặng nề, phát huy truyền thống cách mạng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tu Mơ Rông đã chung sức, đồng lòng nỗ lực hàn gắn “vết thương” chiến tranh, tích cực lao động sản xuất phát triển kinh tế để nâng cao đời sống, xóa đói, giảm nghèo.
|
Để huyện nhà phát triển, tận dụng từ nguồn kinh phí của Nhà nước, chính quyền huyện Tu Mơ Rông đã ưu tiên các nguồn lực, chú trọng tập trung cho đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như hệ thống điện, đường, trường, trạm; trong đó, tập trung đầu tư xây dựng trung tâm hành chính huyện, các trung tâm cụm xã, trụ sở làm việc một số xã, các tuyến đường giao thông, hệ thống trường học, các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất.
Với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và đồng bào dân tộc trong huyện, sau gần 50 năm giải phóng, kinh tế-xã hội của Tu Mơ Rông đã có nhiều khởi sắc, bộ mặt nông thôn vùng sâu, vùng xa có nhiều thay đổi. Đến nay, toàn huyện đã phát triển được hơn 340km đường các loại, trong đó, đường huyện có hơn 16 km, đường xã có 322 km, còn lại là đường đô thị; 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm đi lại được cả 2 mùa trong năm; 11/11 xã có đường nhựa hoặc bê tông hóa đến UBND xã. Hệ thống cơ sở hạ tầng trung tâm huyện được đầu tư đồng bộ dần hình thành khu đô thị trung tâm huyện. 100% xã có lưới điện quốc gia với 95% số hộ được dùng điện lưới quốc gia phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất và trên 80% số hộ dân được dùng nước sạch.
Chia sẻ niềm vui này, già làng A Jon (làng Pu Tá, xã Măng Ri) vui mừng nói: Hiện nay, cơ sở hạ tầng của huyện và các xã thay đổi nhiều. Điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng khang trang, con cháu đi học dễ dàng. Bà con trồng lúa, trồng mì, cà phê, bời lời tiêu thụ rất dễ, xe vào tận xã thu mua. Nhờ đó, cuộc sống bà con từng bước đi lên.
Sự đổi thay mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng còn có thể nhìn thấy khá rõ từ các thôn làng vùng sâu, vùng xa. Những ngôi nhà mới khang trang nằm san sát quanh mái nhà rông; những con đường, ngôi nhà ở khu tái định cư được xây dựng nằm ngay hàng thẳng lối vừa tạo sự đổi thay mạnh mẽ, vừa tạo vẻ đẹp riêng của vùng rừng núi Ngọc Linh.
Bắt “đất cằn nở hoa”
Sự đổi thay nơi vùng căn cứ cách mạng Tu Mơ Rông còn được thể hiện qua nếp sống, cách làm kinh tế của người dân. Mặc dù có xuất phát điểm thấp, nhưng với tinh thần tự lực, tự cường, đồng bào dân tộc Xơ Đăng ở Tu Mơ Rông từng bước khắc phục khó khăn, sáng tạo trong sản xuất để vươn lên thoát nghèo, xây dựng đời sống mới. Giờ đây, ở mảnh đất Tu Mơ Rông, nhiều người dân đã mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, biến những mảnh đất hoang hóa trở thành mảnh đất màu mỡ. Đất đã không phụ công người, chính từ sự mạnh dạn và thay đổi đó, nhiều hộ đồng bào DTTS không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu.
|
Điển hình cho tấm gương làm giàu trên vùng căn cứ cách mạng Tu Mơ Rông là chị Y Hlạng (làng Pu Tá, xã Măng Ri). Chị là một trong những người đầu tiên ở đây biết tận dụng lợi thế cây dược liệu và lợi thế về đất đai, rừng để làm giàu. Song song làm rẫy, trồng mì, trồng lúa, Y Hlạng tập trung vào phát triển sâm dây trên rẫy và sâm Ngọc Linh dưới tán rừng. Nhờ cần cù chịu khó, gần 1ha sâm dây được chị Y Hlạng trồng đan xen trong khu ruộng, rẫy. Hàng nghìn gốc sâm Ngọc Linh được chị trồng dưới tán rừng già. Cùng với việc tận dụng tốt diện tích đất và nhờ chăm chỉ lao động, hàng năm đã mang lại lợi nhuận cho Y Hlạng hàng trăm triệu đồng. Chị Y Hlạng trở thành một trong những tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi ở mảnh đất cách mạng Măng Ri.
Cũng giống như Y Hlạng, A Ly (thôn Ngọc La, xã Măng Ri) đã trồng 4.000 gốc sâm Ngọc Linh và 3ha sâm dây. Mỗi năm, gia đình thu từ tiền bán hạt, lá, củ sâm, tiền công làm thuê chốt sâm ước đạt hơn 1 tỷ đồng. Nói về “bí kíp” làm giàu, anh A Ly cho biết: “Mình trồng sâm Ngọc Linh từ năm 2014, tiền đầu tư từ việc bán tài sản trong nhà. Cây lớn lên thì lấy hạt ươm rồi mở rộng diện tích. Mình cũng làm thuê cho công ty sâm. Tiền công, tiền hỗ trợ sâm, mình dồn hết để đầu tư vườn sâm. Nhờ đó, cây sâm phát triển tốt, cho hạt rất nhiều. Những năm tới, cây lớn lên thì hạt sẽ cho nhiều hơn, vườn của mình sẽ được nhân rộng, khi đó thu nhập còn cao hơn nữa”.
Câu chuyện làm giàu của đồng bào DTTS ở Tu Mơ Rông dám nghĩ, dám làm giờ không phải là hiếm. Tấm gương điển hình như YHlạng và A Ly chỉ là ví dụ điển hình trong rất nhiều tấm gương làm kinh tế giỏi ở Tu Mơ Rông. Những con người ấy, họ đã và đang bắt “đất cằn nở hoa” trên mảnh đất quê hương của mình.
Tu Mơ Rông hôm nay đã thực sự đổi thay. Cái khó, cái nghèo đang dần lùi xa, mảnh đất này đang dần được thay thế bằng cuộc sống mới no đủ hơn. Hy vọng những thành quả này tiếp tục được Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc Xơ Đăng phát huy để xây dựng Tu Mơ Rông ngày càng phát triển, tạo sức bật mới, xứng đáng với mảnh đất của vùng căn cứ cách mạng.
Phúc Nguyên