Sát dân, gần dân, giúp dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm
Giúp dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm là cả một quá trình đòi hỏi ngoài sự nỗ lực của mỗi người dân thì rất cần sự hướng dẫn, hỗ trợ của các cán bộ, đảng viên trên địa bàn tỉnh. Và thực tế cho thấy, khi cán bộ, đảng viên trọng dân, gần dân, sát dân, nói cho dân hiểu, làm cho dân thấy luôn là bài học quý giá để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao.
Trong khi nhiều nơi còn vướng mắc trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án thì mới đây tại Dự án sửa chữa, nâng cấp tuyến Tỉnh lộ 675 (đi qua địa bàn thành phố Kon Tum và huyện Sa Thầy), có 36 hộ dân bị ảnh hưởng đến đất đai, cây trồng khi được cán bộ, đảng viên tuyên truyền, vận động đã sẵn sàng bàn giao đất, tài sản trên đất dù chưa nhận tiền đền bù. Cả 36 hộ dân đều chia sẻ, lúc đầu cũng có chút băn khoăn, suy tính thiệt hơn, nhưng khi được các đồng chí cán bộ trực tiếp đến tận nhà phân tích thấu tình đạt lý đều nhận thấy dẫu chưa nhận tiền đền bù nhưng bàn giao mặt bằng sớm sẽ góp phần mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng nên đã chủ động chặt hạ cây cối, giải phóng mặt bằng bàn giao cho đơn vị thi công.
|
Chuyện người dân sẵn sàng hiến đất và các công trình, cây trồng trên đất, bàn giao mặt bằng khi chưa nhận tiền đền bù để phục vụ xây dựng các công trình công cộng không chỉ từ công trình tuyến Tỉnh lộ 675 mà còn nhiều công trình, dự án khác như: dự án đầu tư nâng cấp đường Âu Cơ nối dài (thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô), cầu bắc qua sông Đăk Pne (huyện Kon Rẫy) đã cho thấy tầm quan trọng của trọng dân, gần dân, sát dân, giúp dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm.
Bác Hồ đã chỉ rõ: “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Không dừng lại ở chuyện hiến đất, bàn giao mặt bằng khi chưa nhận tiền đền bù, khi cán bộ, đảng viên làm tốt công tác dân vận thì từ huy động sức dân trong xây dựng nông thôn mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xóa đói giảm nghèo, cho đến huy động học sinh ra lớp, đẩy lùi các hủ tục, phong tục không còn phù hợp, việc thay đổi nếp nghĩ, cách làm… để mang lại cuộc sống ấm no, tiến bộ hơn đều mang lại kết quả tích cực.
Lấy đơn cử từ Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” đang được các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh ta triển khai đồng bộ, quyết liệt. Thực tế cho thấy để thay đổi suy nghĩ (nhận thức) đi đến thay đổi hành động (cách làm) là cả một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự mạnh dạn và thậm chí là sự đột phá của chính đồng bào DTTS. Với 54% dân số là đồng bào DTTS, sinh sống chủ yếu ở các địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nhiều người vẫn duy trì nếp nghĩ cũ (trông chờ, ỷ lại, được chăng hay chớ, ngại thay đổi...), cách làm cũ (sinh đẻ nhiều, phương thức canh tác cũ, sử dụng các giống cây trồng cũ cho hiệu quả kinh tế thấp, thiếu quan tâm đến việc học hành của con em...), nên để thay đổi được nếp nghĩ, cách làm đòi hỏi cán bộ, đảng viên phải luôn sát dân, gần dân, nói cho dân tin, làm cho dân hiểu.
|
Đến nay, sau hơn 2 năm triển khai Cuộc vận động, nhiều cán bộ, đảng viên, nhất là ở cấp cơ sở, cùng với việc phát huy vai trò nêu gương, đã thường xuyên “đến từng ngõ, gõ từng nhà”, không chỉ chuyện trò, khuyên nhủ, hướng dẫn, mà còn trực tiếp cầm cuốc, cầm xẻng cùng với người dân tham gia nạo vét kênh mương, làm đường làng, làm chuồng trại nuôi nhốt gia súc, chăm sóc các mô hình phát triển sản xuất, động viên con cháu học hành. Trọng dân, sát dân, gần dân, miệng nói tay làm, cán bộ, đảng viên trên địa bàn tỉnh đã có những việc làm, những hành động cụ thể giúp cho người dân hiểu rõ những điều hay, lẽ phải, tin tưởng và quyết tâm thay đổi, vượt qua những nếp nghĩ cũ, cách làm cũ.
Sự tin tưởng và thay đổi đó là kết quả tích cực của việc các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh tăng cường, đổi mới công tác dân vận theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh: “Tăng cường, đổi mới nội dung, phương thức công tác dân vận của hệ thống chính trị; đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; nâng cao hiệu quả công tác dân vận của chính quyền”.
Với phương châm trọng dân, gần dân, hiểu dân, có trách nhiệm với dân, từ các đồng chí lãnh đạo tỉnh thường xuyên đến từng xã, từng làng, từng hộ gia đình để nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, các đồng chí cấp ủy viên các cấp tham dự sinh hoạt với các chi bộ khu dân cư (theo Quy định số 776-QĐ/TU ngày 16/1/2023 của Tỉnh ủy), đến các cấp, các ngành triển khai nhiều mô hình kết nghĩa mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ an sinh đã kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm và từ đó tiếp tục có những chỉ đạo kịp thời, phù hợp, đáp ứng mong muốn của người dân.
Nguyên Phúc