Sa Thầy: Nỗ lực xây dựng nông thôn mới ở các thôn (làng) vùng đồng bào DTTS
Đặt mục tiêu trở thành thôn (làng) nông thôn mới ở vùng đồng bào DTTS trong năm 2022, chính quyền địa phương và người dân ở thôn Đăk Wơk Yôp (xã Hơ Moong) và làng Điệp Lốk (xã Ya Tăng) đang nỗ lực phấn đấu, huy động mọi nguồn lực để thực hiện đạt chuẩn các tiêu chí theo quy định.
Thôn Đăk Wơk Yôp được thành lập từ năm 2014 theo chủ trương tái định cư lần 2 của UBND tỉnh Kon Tum. Hiện nay, thôn có 97 hộ dân/387 khẩu với 100% là đồng bào DTTS (Rơ Ngao).
Từ khi được thành lập đến nay, các hộ dân ở thôn Đăk Wơk Yôp đều chịu khó làm ăn để phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Đặc biệt, với thế mạnh có vùng lòng hồ Thủy điện Plei Krông, các hộ dân với 100-150 lao động đã phát huy và duy trì nghề đánh bắt thủy, hải sản. Những hộ dân khác thì tận dụng các diện tích đất bán ngập trồng các loại cây hoa màu ngắn ngày nên có thu nhập đều, ổn định hàng năm.
Theo UBND xã Hơ Moong, hiện tại thu nhập bình quân đầu người của thôn Đăk Wơk Yôp đạt hơn 30 triệu đồng/năm. Số hộ nghèo của thôn theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 là 39 hộ.
|
Để tăng thu nhập cho các hộ dân đạt 52,8 triệu đồng/năm và phấn đấu giảm số hộ nghèo xuống còn 10 hộ nhằm đạt chuẩn tiêu chí thu nhập và hộ nghèo trong bộ tiêu chí của thôn (làng) nông thôn mới ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025 theo Quyết định số 147/QĐ-UBND ngày 28/3/2022 của UBND tỉnh, UBND xã Hơ Moong đã và đang phối hợp với các đơn vị, ngành liên quan, huy động mọi nguồn lực, kinh phí triển khai hỗ trợ các hộ dân thực hiện các mô hình khuyến nông như nuôi heo sọc dưa, nuôi cá lồng bè; quy hoạch xây dựng 2 nơi tập kết cá với tổng chiều dài đường dẫn bê tông 270m và tổng diện tích khu tập kết được bê tông khoảng 200m2; phát triển trồng cây ăn quả; vận động, kết nối để thanh niên trong độ tuổi lao động đi làm việc tại các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh.
|
Ông Phạm Hồng Việt - Phó Chủ tịch UBND xã Hơ Moong cho biết, trong năm 2022, chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang, mặt trận đoàn thể cùng các hộ dân trong thôn Đăk Wơk Yôp đã cùng nhau xin nguồn vật liệu tự nhiên là các loại cây vong, tre, lồ ô nhiều năm tuổi từ BQL VQG Chư Mom Ray và mua đinh, kẽm về làm hàng rào trước nhà ở, nhà rông và các điểm trường trong thôn; tổ chức di dời, hỗ trợ kinh phí làm chuồng bò phía sau nhà ở cho 11 hộ dân; vận động mỗi hộ dân đào hố rác, đồng thời, triển khai hỗ trợ kinh phí để 2-3 hộ dân xây dựng lò đốt rác thải sinh hoạt chung bằng gạch bê tông; hỗ trợ các hộ dân cải tạp vườn tạp, trồng cây ăn quả, hoa, cây xanh trong khuôn viên sân nhà…, với tổng kinh phí hơn 66 triệu đồng.
Ngoài ra, UBND xã Hơ Moong còn huy động nguồn hỗ trợ xây nhà ở mới cho 20 hộ dân có hoàn cảnh khó khăn; triển khai khơi thông kênh mương thoát nước 2 bên các tuyến đường, các bến cá, các khóm tre ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường và xây dựng, lắp đặp hệ thống điện chiếu sáng dọc tuyến đường trục chính của thôn với tổng kinh phí thực hiện hơn 80 triệu đồng; lắp đặt pa nô, áp phích tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước với kinh phí 15 triệu đồng.
Tại xã Ya Tăng, làng Điệp Lốk với 151 hộ/505 khẩu là làng tiêu biểu của xã và luôn đi đầu trong việc tổ chức thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, thu nhập của người dân đã đạt gần 30 triệu đồng/người/năm, cao hơn so với các làng khác. Vì vậy, Điệp Lốk được chọn làm điểm xây dựng làng nông thôn mới ở vùng đồng bào DTTS.
Để hoàn thành 10/10 tiêu chí thôn (làng) nông thôn mới theo mục tiêu đề ra, bà Y Phin - Chủ tịch UBND xã Ya Tăng cho hay, thời gian tới, UBND xã sẽ huy động mọi nguồn lực, chú trọng tổ chức công tác tuyên truyền để huy động được sự chung tay, tiếp tục tham gia đóng góp của người dân trong xây dựng nông thôn mới.
|
Tiếp tục vận động người dân chăm sóc hiệu quả diện tích cây trồng, các mô hình khuyến nông, phát triển mô hình chăn nuôi gia súc trong hộ gia đình, phát triển kinh tế vườn ổn định; tổ chức lắp đặt 6 biển báo hiệu và trồng 140 cây xanh, 300m cây hoa dọc 2 bên các tuyến đường nội thôn với tổng kinh phí 23 triệu đồng; đầu tư xây dựng các cơ sở của nhà văn hóa với kinh phí khoảng 20 triệu đồng; hỗ trợ 2 triệu đồng/hộ cho 30 hộ dân có diện tích vườn trên 500m2 thực hiện khảo sát, vẽ sơ đồ và cải tạo; tăng cường công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để các hộ dân chủ động nguồn vốn vay; vận động các hộ dân tích cực tham gia dọn dẹp vệ sinh, bảo vệ môi trường, thể dục thể thao lành mạnh, các lớp tập huấn đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các mô hình tự quản.
Với những giải pháp đã và đang triển khai, có thể thấy rằng, chính quyền địa phương và người dân ở thôn Đăk Wơk Yôp (xã Hơ Moong) và làng Điệp Lốk (xã Ya Tăng) đang thể hiện quyết tâm rất cao, phấn đấu hoàn thành mục tiêu trong việc xây dựng các thôn (làng) nông thôn mới ở vùng đồng bào DTTS trong năm 2022 mà UBND huyện Sa Thầy đã đề ra. Từ đó làm mô hình điểm để triển khai nhân rộng ra các thôn (làng) khác trên địa bàn huyện trong những năm tiếp theo.
Đức Thành