Quyết tâm xóa nhà tạm, nhà dột nát
Hiện nay, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh tập trung huy động các nguồn lực, khẩn trương triển khai các nhiệm vụ, hoàn tất các hồ sơ, thủ tục, quyết tâm hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh trước ngày 30/6/2025.
Theo Kế hoạch số 4597/KH-BCĐ, ngày 20/12/2024 của Ban Chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Kon Tum về việc triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh; Quyết định số 56/QĐ-UBND ngày 23/1/2025 của UBND tỉnh về phê duyệt kết quả rà soát nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh, tổng số nhà tạm, nhà dột nát cần phải sửa chữa, xây mới là 2.752 căn (trong đó, nhu cầu xây mới 2.186 căn và sửa chữa 566 căn). Trong tổng số 2.752 căn nhà cần sửa chữa, xây mới, có 115 căn thuộc đối tượng hộ người có công với cách mạng; 152 căn là hộ nghèo, hộ cận nghèo thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở từ các chương trình MTQG; 1.562 căn là hộ nghèo, hộ cận nghèo không thuộc đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở từ các chương trình MTQG và 923 căn thuộc đối tượng các hộ mới chia tách thuộc hộ nghèo, hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo nhưng chưa được công nhận.
|
Để hoàn thành xóa được toàn bộ số nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh, cần tổng kinh phí là 141.540 triệu đồng. Trong đó, kinh phí hỗ trợ từ Trung ương 59.000 triệu đồng; cấp tỉnh, kinh phí vận động tại Lễ phát động triển khai Phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến hết năm 2025” là 2.858 triệu đồng, Công ty Cổ phần tập đoàn BenJii tài trợ 1 tỷ đồng, Công ty TNHH MTV Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn 200 triệu đồng; cấp huyện từ kinh phí vận động triển khai Phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện, thành phố đến hết năm 2025” là 3.400 triệu đồng. Như vậy, kinh phí cần tiếp tục huy động là 54.710 triệu đồng.
Từ nguồn vốn được hỗ trợ, các địa phương đã nỗ lực hoàn thành các thủ tục, hồ sơ, bố trí nguồn kinh phí để triển khai xóa 373 căn (xây mới 324 căn, sửa chữa 49 căn), chiếm tỷ lệ 13,5% so với Quyết định số 56/QĐ-UBND ngày 23/01/2025 của UBND tỉnh phê duyệt kết quả rà soát nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh.
Sự nỗ lực của các cấp, các ngành đã giúp cho nhiều hộ khó khăn về nhà ở được đón nhà mới trong dịp Tết. Y Đen (25 tuổi, ở thôn Đăk Rê 2, xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông) tâm sự: Được huyện, xã quan tâm hỗ trợ từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, gia đình tôi đã có được căn nhà mới khang trang trước dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ. Được đón Xuân mới trong nhà mới, vợ chồng tôi rất vui. Cảm ơn các cấp, các ngành đã quan tâm hỗ trợ. Có chỗ ở ổn định, giờ đây, gia đình tôi tập trung làm ăn ổn định cuộc sống.
|
Để giúp cho các hộ khó khăn có được căn nhà mới khang trang, ổn định, các cấp, các ngành đã tập trung huy động các nguồn lực, chỉ đạo các địa phương khẩn trương rà soát nhu cầu nguồn vốn, hoàn thiện hồ sơ để triển khai. Cụ thể, như ở huyện Sa Thầy, trong tổng số 346 hộ được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát (theo Kế hoạch số 4597/KH-BCĐ), đến nay, đã xóa được 127 căn nhà tạm, dột nát (xây mới 101 hộ, sửa chữa 26 hộ), trong đó 14 hộ người có công, 94 hộ nghèo, 16 hộ cận nghèo, 3 hộ thuộc đối tượng hộ mới chia tách thuộc hộ nghèo, hộ gia đình thuộc diện hộ nghèo nhưng chưa được công nhận.
Ông Nguyễn Minh Tuấn- Bí thư Huyện ủy Sa Thầy cho biết: Thời gian đầu, mặc dù không có kinh phí, nhưng với quyết tâm đẩy nhanh tiến độ xóa nhà tạm, nhà dột nát, huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn chủ động làm với các cơ sở buôn bán vật liệu xây dựng cho các hộ nợ vật liệu, xã đứng ra cam kết với các cơ sở sẽ hoàn trả sau để có vật liệu tiến hành xây dựng. Nhờ vậy, đến nay huyện đã xóa được hơn 50% số nhà tạm trên địa bàn. Huyện đang quyết tâm và phấn đấu xóa toàn bộ 346 căn nhà tạm trước ngày 31/3 để chào mừng Đại hội Đảng bộ huyện, nhiệm kỳ 2025-2030.
Dù đã đạt được những kết quả khích lệ, tuy nhiên quá trình triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh vẫn còn những khó khăn. Trong đó, khó nhất là do số hộ dân cần xóa nhà tạm, nhà dột nát tăng so với rà soát ban đầu (từ 1.538 hộ lên 2.752 hộ, tăng 1.214 hộ so với số liệu báo cáo trước đây) dẫn đến cần huy động nguồn kinh phí khá lớn để hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh. Trong khi đó, các huyện, thành phố đều gặp khó khăn trong việc huy động nguồn lực tại chỗ; các đối tượng thuộc diện hỗ trợ đều là hộ khó khăn chưa có khả năng xây dựng nhà ở trước khi được hỗ trợ kinh phí; một số nguồn kinh phí hỗ trợ Trung ương chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về việc phân bổ dẫn đến khó khăn trong việc triển khai thực hiện.
Dù có những khó khăn, nhưng với quyết tâm hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trước ngày 30/6/2025, với việc thành lập ban chỉ đạo triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở và cùng với đó chỉ đạo các cấp, các ngành khắc phục khó khăn, tiếp tục nỗ lực huy động các nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh và lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình, dự án để hỗ trợ người dân xóa nhà tạm, nhà dột nát.
Phúc Nguyên