Quyền lên tiếng của phụ nữ
Chỉ khi nào rút ngắn được khoảng cách việc làm và thu nhập giữa nam giới và nữ giới thì chúng ta mới có thể hoàn thành mục tiêu đảm bảo quyền lên tiếng của phụ nữ.
Việc làm là một trong những yếu tố đầu vào quan trọng để đạt được mục tiêu bình đẳng giới. Phụ nữ được tiếp cận và thành công trong việc làm của nền kinh tế hiện đại sẽ tạo ra tăng trưởng kinh tế, cải thiện thu nhập và nâng cao quyền tự chủ cũng như tiếng nói để giữ vai trò tích cực hơn trong đời sống cá nhân và cộng đồng.
Trên thực tế, vấn đề việc làm cho lao động nữ đã có nhiều cải thiện trong những năm gần đây. Chênh lệch tiền lương theo giới ngày càng rút ngắn; chênh lệch trong tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nam và nữ ở mức thấp, trong khi tỷ lệ lao động nữ có việc làm khá cao.
Theo số liệu từ Cục Thống kê tỉnh, đến cuối năm 2023, tỉnh ta có 405.334 người từ 15 tuổi trở lên, trong đó có 200.478 nữ, chiếm 49,46%. Lực lượng lao động là 333.428 người, trong đó có 160.979 lao động nữ, chiếm 48,28%.
|
Việc làm cho lao động nữ rất đa dạng. Họ có thể tham gia ở hầu hết các công việc trong đời sống xã hội, tập trung ở các lĩnh vực hành chính sự nghiệp, công nghiệp nhẹ, nông nghiệp, thương mại và dịch vụ.
Nếu mở rộng định nghĩa “làm việc” để tính cả những người phải làm việc nhà, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ sẽ cao hơn nam. Bởi không chỉ trong độ tuổi lao động chính, mà gần như còn “làm việc” được thì phụ nữ đều sẽ làm việc nhà không được trả lương.
Tuy nhiên, có những rào cản vẫn chưa được tháo gỡ trên hành trình tìm việc làm của phụ nữ. Đó có thể là sự phân chia giới trong nghề nghiệp; gánh nặng của công việc chăm sóc gia đình không được trả lương.
Đó có thể là sự phân biệt đối xử với phụ nữ tại môi trường làm việc; là các quy định pháp luật về lao động và việc làm có liên quan đến phụ nữ đã hạn chế lựa chọn nghề nghiệp của lao động nữ.
Chưa nói đến thực trạng phụ nữ người DTTS chịu nhiều thiệt thòi hơn trong tìm kiếm việc làm, do vừa chịu khác biệt giới, vừa chịu sự chênh lệch về học vấn, trình độ.
Đặc biệt, chuẩn mực xã hội hiện nay vẫn coi “việc nhà” là của phụ nữ. Việc phải dành nhiều thời gian chăm sóc gia đình hơn đã làm giảm thời gian kiếm việc làm ngoài xã hội, cũng như sự chuyên tâm làm việc của phụ nữ.
Theo số liệu vừa công bố tháng 5/2023 của Tổ chức World Bank Vietnam, hầu hết nữ giới phải dành thời gian hằng ngày cho công việc nhà, tỉ lệ này ở nam giới chỉ là 55%. Hơn 20% nam giới thậm chí không hề dành chút thời gian nào cho việc nhà; gần 1/3 phụ nữ ở Việt Nam không có thời gian giải trí trong ngày.
Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghệ, đi cùng là sự phát triển của các ngành kinh tế tri thức, cũng gây khó khăn cho phụ nữ trong tìm kiếm cơ hội việc làm. Bởi thực tế cho thấy, phụ nữ ít theo học các ngành khoa học - công nghệ - kỹ thuật hơn so với nam giới.
Có thể nói, khi một người phụ nữ được tiếp cận và có việc làm sẽ cải thiện thu nhập và nâng cao quyền tự chủ cũng như quyền lên tiếng trong đời sống cá nhân và cộng đồng.
Nhưng cũng người phụ nữ ấy, nếu không có việc làm, hay đúng hơn là không có thu nhập từ việc làm, mà chỉ quanh quẩn ở nhà làm việc không lương, phụ thuộc vào chồng, thì sẽ không có quyền lên tiếng. Và như vậy, bất bình đẳng giới sẽ trở nên nghiêm trọng.
|
Dự án 8 thuộc chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030; giai đoạn I: 2021-2025 có nội dung “Đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế- xã hội của cộng đồng”. Đây thực sự là cơ hội để nâng cao quyền lên tiếng của phụ nữ.
Tuy nhiên, để thực sự đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ, cần có sự cải cách rõ rệt về chính sách.
Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, trong các luật liên quan cần được bổ sung điều khoản khuyến khích nam giới chia sẻ gánh nặng “việc nhà”. Mặc dù sự thay đổi chuẩn mực lâu đời là khó khăn và đòi hỏi thời gian, nhưng các quy định pháp luật có thể làm được điều này.
Đi cùng đó là trao quyền cho phụ nữ để họ tự quyết về công việc. Bao gồm cho phép họ tự quyết định có làm việc thêm ngoài giờ hay không; tự lựa chọn thời gian nghỉ thai sản dựa trên nhu cầu; quyền rút ngắn thời gian nghỉ thai sản nếu muốn; phụ nữ mang thai là bên duy nhất được quyền quyết định tạm ngừng hợp đồng lao động.
Trang bị kỹ năng và bổ túc nghề nghiệp cho phụ nữ để mở rộng cơ hội việc làm cũng như để đảm bảo sự tham gia của phụ nữ vào thị trường lao động. Nhất là khuyến khích đa dạng lĩnh vực lao động, khai thác cơ hội từ các ngành truyền thống của nam giới và giúp phụ nữ chuẩn bị tốt hơn cho các ngành nghề đòi hỏi tri thức và khả năng về công nghệ.
Thúc đẩy môi trường làm việc có phụ nữ nắm giữ các vị trí quản lý và cấp cao hơn. Nâng cao chất lượng việc làm hiện có dành cho phụ nữ trong các lĩnh vực nông nghiệp truyền thống và mô hình nông hộ.
Đây là một trong những nội dung mà tỉnh ta đã triển khai khá tốt trong thời gian qua. Các mô hình phụ nữ khởi nghiệp được khuyến khích và hỗ trợ; hợp tác xã nông nghiệp, tổ hợp tác có sự tham gia của phụ nữ được thành lập; hộ phụ nữ được hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị cao, từ đó tăng thu nhập.
Và thực tế đã chứng minh, khi phụ nữ có việc làm, có thu nhập, chủ động được cuộc sống của bản thân, họ sẽ có quyền lên tiếng.
Đó cũng là thiết thực thúc đẩy bình đẳng giới.
Hồng Lam