Quan tâm phát triển văn hóa đọc trong học sinh, sinh viên
Nhằm khơi dậy niềm say mê nghiên cứu, lĩnh hội tri thức qua việc đọc, tự nghiên cứu của các bạn trẻ, tỉnh ta đã tập trung nguồn lực, quan tâm đầu tư, hỗ trợ bằng nhiều hình thức, hoạt động ý nghĩa.
Một trong những kết quả nổi bật của việc lan tỏa văn hóa đọc trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua là sự ra đời và phát triển của nhiều mô hình, hệ thống thư viện tại các trường học, địa phương. Với việc thiết kế hệ thống thư viện tại các trường học và các địa phương theo lối kiến trúc không gian mở, phong cách hiện đại, bắt mắt góp phần thu hút không chỉ các em học sinh, sinh viên mà cả những cán bộ, giảng viên đến đọc sách.
Đặc biệt, việc triển khai hiệu quả mô hình xe thư viện lưu động đa phương tiện trong thời gian qua tạo nhiều thuận lợi, hiệu quả, giúp xóa đi khoảng cách về địa lý để lan tỏa văn hóa đọc đến các tầng lớp nhân dân.
|
Với mô hình này, Thư viện tỉnh tiến hành triển khai nhiều hoạt động tại các đơn vị, trường học như: Phục vụ sách, tài liệu, hướng dẫn các em sử dụng Internet để tìm kiếm thông tin; tổ chức các hoạt động ngoại khóa liên quan đến sách, các cuộc thi bổ ích để thu hút các em. Bên cạnh đó, nhiều chủ đề hay được luân phiên tổ chức nhằm tạo sự hứng thú, khơi dậy niềm yêu thích đọc sách cho các em học sinh như: “Sách hay - Mắt đọc - Tai nghe”, “Sách hay cần bạn đọc”, “Sách quý tặng bạn”, “Tặng sách hay - Mua sách thật”, “Sách - Kết nối tri thức - Kiến tạo tương lai”, "Đọc sách cho ngày mai", “Sách - Người bạn người thầy vĩ đại".
Cô Hoàng Thị Phong Lan- Phó hiệu trưởng Trường TH&THCS xã Đăk Long (huyện Đăk Hà) cho biết: Bên cạnh các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt về sách của nhà trường, mỗi chuyến xe thư viện lưu động đa phương tiện của Thư viên tỉnh đã góp phần tạo nên không khí sôi nổi, sự mới mẻ, thích thú, hăng say đọc sách cho các em. Vì là trường có tỷ lệ học sinh DTTS cao (trên 90%), hệ thống cơ sở vật chất, thư viện còn nhiều khó khăn, nhà trường luôn tích cực huy động nguồn lực để xây dựng thư viện đạt chuẩn, bổ sung đa dạng các đầu sách; triển khai nhiều hoạt động giúp các em yêu thích, đam mê việc đọc sách.
Các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh cũng quan tâm đầu tư, phát triển và lan tỏa văn hóa đọc nhằm giúp cho các thầy cô giáo và các em sinh viên học viên tăng cường việc đọc sách, tra cứu các tài liệu phục công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học. Các trường chú trọng đầu tư hệ thống thư viện, tra cứu thông tin hiện đại, thân thiện để đáp ứng nhu cầu của sinh viên; đẩy mạnh các hoạt động ngoại khóa, cuộc thi để khơi dậy sự sáng tạo, đam mê đọc sách cho sinh viên, gắn với công tác đào tạo, nhiệm vụ chính trị của đơn vị.
|
Vừa qua, nhằm hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4, Phân hiệu Trường Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum phối hợp với Bảo tàng- Thư viện tỉnh tổ chức Chương trình “Phát triển phong trào văn hóa đọc trong sinh viên” với hơn 150 sinh viên tham gia. Tại đây, nhiều hoạt động ý nghĩa được tổ chức như: nghe tuyên truyền sách "Kon Tum xưa và nay", thưởng thức tiểu phẩm "Đọc sách - Chìa khóa thành công"; các hoạt động giao lưu, trò chơi như giải đố, các ô chữ tìm từ khóa "Văn hóa đọc", đuổi hình bắt chữ để đoán tên các nhân vật lịch sử.
Những ngày này, Trường Cao đẳng Kon Tum đang tích cực các phần việc để hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 21/4 sắp đến; tiếp tục xây dựng hệ thống thư viện thông minh, lên kế hoạch tổ chức các hoạt động ngoại khóa về sách.
Chị Hoàng Thị Chúc- Phó Bí thư, Chủ tịch Hội sinh viên Đoàn Trường Cao đẳng Kon Tum cho biết: “Chúng tôi đang lên kế hoạch, huy động các đoàn viên thanh niên của trường đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, tổ chức không gian trưng bày, giới thiệu sách, xây dựng góc trưng bày, giới thiệu sách phù hợp với không gian của thư viện tại trụ sở chính và trụ sở các khoa, trung tâm. Đồng thời, tổ chức phong trào đọc sách gắn với hoạt động dạy và học; phát động phong trào quyên góp, ủng hộ sách nhằm hỗ trợ cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở các điểm trường vùng sâu vùng xa.”
Theo bà Đỗ Thị Thanh Thủy- Giám đốc Bảo tàng-Thư viện tỉnh, hàng năm, Thư viện tỉnh phối hợp với các đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như Ngày hội đọc sách, Đại sứ văn hóa đọc; các hoạt động ngoại khóa theo chủ đề, chủ điểm gắn với các ngày kỷ niệm, sự kiện chính trị lớn; các chuyến xe thư viện lưu động về vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, hệ thống thư viện được đầu tư, hoàn thiện (trong đó có 1 thư viện cấp tỉnh, 7 thư viện cấp huyện, 51 thư viện cấp xã và nhiều thư viện khác tại các đơn vị, địa phương) đã giúp nâng cao chất lượng lan tỏa văn hóa đọc cho các tầng lớp nhân dân, các em học sinh.
Theo thống kê, từ năm 2020 đến nay, Thư viện tỉnh được đầu tư, bổ sung gần 40.000 đầu sách và hàng trăm các loại báo, tạp chí. Tính riêng năm 2023 đã phục vụ gần 143.000 lượt bạn đọc; thực hiện nhiều đợt luân chuyển sách đi cơ sở , vùng sâu vùng xa, vùng DTTS với gần 12.000 đầu sách.
Từ sự quan tâm của các cấp, các ngành cùng nhiều hoạt động hiệu quả được tổ chức đã giúp phát triển hiệu quả văn hóa đọc trong cộng đồng, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh, góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Chính phủ.
Hoàng Thanh