Phơi phới niềm tin
Dù vẫn còn đó những khó khăn trên hành trình tới tương lai, nhưng trong sắc cờ tươi thắm, trong nét cười tươi tắn của mỗi người mà tôi gặp gỡ hôm qua, hôm nay đều phơi phới niềm tin về một Kon Tum giàu mạnh.
Như rất nhiều người khác, tôi từng rong ruổi khắp nơi, nhưng cuối cùng, Kon Tum cũng là chốn dừng chân. Nhìn lại, tôi đã gắn bó với mảnh đất này tròn 25 năm, và nhất định còn dài hơn nữa.
Bởi Kon Tum đã là nhà!
Điều trùng hợp ngẫu nhiên, tôi đặt bước chân đầu tiên đến Kon Tum vào ngày 12/8/1998. Hôm ấy thị xã nhỏ bên sông phấp phới cờ hoa, biểu ngữ mừng 7 năm ngày thành lập lại tỉnh. Chỉ tiếc là hồi ấy chưa có điện thoại thông mình, nên tôi không thể chụp cho mình những hình ảnh đẹp.
Sau này, mỗi ngày 12/8, tôi đều thích lang thang và chụp ảnh để lưu giữ lại hình ảnh Kon Tum chào đón tuổi mới.
Qua từng năm, từng năm, từ những bức ảnh ấy, có thể nhìn thấy “hai mặt” của “một Kon Tum”, vừa hiền hòa, giàu bản sắc vừa phát triển mạnh mẽ, năng động từng ngày.
Nhiều lần, tôi dẫn bạn bè đi Tu Mơ Rông, Kon Plông, hay Đăk Glei, Sa Thầy, Đăk Tô… Mỗi lần đi lại thấy núi rừng bừng sáng từng ngày; lại thấy những điều mới, thấy không khí mới, cuộc sống mới- no ấm và trù phú.
|
Cũng nhiều lần tôi đón bạn bè tại thành phố Kon Tum. Một số người vẫn còn lưu giữ hình ảnh về một thị xã “xép” nép mình bên sông Đăk Bla. Nên đã rất hào hứng khi được chứng kiến sự trỗi dậy của thành phố Kon Tum trong vị thế của một đô thị loại II năng động, đầy bản lĩnh.
Mỗi khi đi trên các tuyến phố khang trang, sạch đẹp, ngắm người xe tấp nập, những công trình giao thông, xây dựng mang dấu ấn của sự phát triển, tôi lại nghĩ về xương máu và trí tuệ của cha ông; về những tinh anh, nhiệt huyết trong quá trình vươn lên của một vùng đất kiên cường.
Nghĩ tới để tự hào và thêm vững tin vào tương lai!
Ngày 12/8 năm nay, đi giữa phố phường, tôi thấy đất trời và lòng người quyện trong hồn thiêng sông núi, trong sức sống mãnh liệt đang cuộn chảy.
Ngày 12/8/1991 là một dấu mốc đáng tự hào của Kon Tum. Vào ngày này, Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa VIII đã ra Nghị quyết giải thể tỉnh Gia Lai-Kon Tum và thành lập lại 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum.
Khi chia tách, Kon Tum được “thừa hưởng” một “tài sản” nghèo nàn với hạ tầng kinh tế lạc hậu; các nhóm ngành thể hiện “đẳng cấp” phát triển như công nghiệp, xây dựng, thương mại-dịch vụ gần như là con số không.
Ấy là chưa kể đến hàng loạt những rào cản xuất phát từ tỷ lệ hộ đói, nghèo cao; cách thức sản xuất lạc hậu; từ địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, khí hậu khắc nghiệt.
Sau khi tách tỉnh, không mất nhiều thời gian để Kon Tum lựa chọn cho mình một hướng đi đúng, xác lập lộ trình thích hợp, xây dựng tiền đề cho bước phát triển kế tiếp vững chắc hơn.
Có lẽ thấu hiểu phải “dọn mình” để bước vào cuộc đua mới, Kon Tum đã bắt nhịp quá trình chuyển dịch một cách sôi động ít thấy. Hàng loạt những quyết sách phát triển kinh tế - xã hội được triển khai. Bài toán phát huy tối đa nội lực dựa trên cơ sở khai thác hợp lý lợi thế, tiềm năng của địa phương và các nguồn lực khác được “giải” một cách hiệu quả.
Các tiềm năng, thế mạnh từng bước được khai thác một cách hợp lý. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được chú trọng đầu tư; các đô thị ngày càng khang trang; diện mạo khu vực nông thôn khởi sắc, đời sống người dân được cải thiện và nâng cao.
|
Sản xuất nông nghiệp phát triển theo chiều sâu. Việc dồn đổi, tích tụ đất nông nghiệp ở những nơi có điều kiện để xây dựng "cánh đồng lớn", phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ đang phát huy hiệu quả.
Vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa đã có chuyển biến toàn diện và mạnh mẽ về diện mạo và đời sống người dân thông qua việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư của Đảng, Nhà nước, sự triển khai quyết liệt và đồng bộ các chương trình MTQG.
Đặc biệt, Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững” được triển khai như luồng gió mới “thổi bay” những tàn tích, những suy nghĩ cũ kỹ, lạc hậu đã đeo bám bao đời trong đời sống đồng bào DTTS. Từ đó đem lại bao đổi thay tích cực và mạnh mẽ.
Sự vận dụng một cách bài bản và sáng tạo quy hoạch xây dựng, phát triển vùng, cũng như tinh thần sẵn sàng đón nhận những vận hội mới giúp định hình nên một Kon Tum hấp dẫn với các nhà đầu tư lớn.
Mạng lưới giao thông được đầu tư đồng bộ, từng bước hoàn chỉnh. Những tuyến giao thông trọng yếu như Quốc lộ 14- đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 24, Quốc lộ 14C được đầu tư nâng cấp, mở rộng phá thế ngõ cụt, đưa Kon Tum gần hơn với biển, thành điểm sáng trong bản đồ giao thương khu vực.
Văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; chất lượng nguồn nhân lực được nâng lên; các vấn đề xã hội bức xúc được quan tâm giải quyết. An ninh chính trị được giữ vững; bảo đảm giữ vững quốc phòng an ninh; hoạt động đối ngoại tiếp tục được tăng cường.
Năng lực và sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên được nâng lên; cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh, quản lý nhà nước ngày càng hiệu lực, hiệu quả; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố vững chắc.
Nhiều chuyên gia cho rằng, với địa chính trị trọng yếu- nằm ở cửa ngõ cực Bắc của “con đường xanh Tây Nguyên”, tại vị trí ngã ba Đông Dương; thời tiết lý tưởng; giao thông thuận lợi, Kon Tum có tất cả các yếu tố để trở thành một trung tâm kinh tế của khu vực.
Dù vậy, thẳng thắn mà nói, Kon Tum vẫn chưa trở thành trung tâm kết nối các tỉnh Tây Nguyên và duyên hải miền Trung. Cũng như chưa tận dụng được vị trí trọng yếu trong thúc đẩy phát triển giao lưu thương mại hành lang biên giới giữa 3 nước Đông Dương.
Nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Kon Tum vẫn đang nỗ lực để hiện thực hóa điều đó. Đón “tuổi mới” trong vận hội mới, nhiệt huyết sức trẻ sẽ đưa ta vươn tới.
Trong sắc thắm cờ Tổ quốc, trong nét cười tươi tắn trên mỗi gương mặt hôm nay, tôi đều thấy phơi phới niềm tin về một Kon Tum giàu mạnh.
Hồng Lam