Phát huy vai trò, trách nhiệm địa phương, đơn vị trong xây dựng nông thôn mới
Thời gian qua, với sự nỗ lực lớn và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, việc xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả rất khả quan. Trong đó, diện mạo nông nghiệp, nông thôn và đời sống của người dân có chuyển biến tích cực; cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn được cải thiện rõ nét. Người dân đã nhận thức rõ được vai trò trách nhiệm của mình và tích cực hưởng ứng tham gia xây dựng nông thôn mới.
Riêng trong năm 2021, đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, mục tiêu về xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn tỉnh có 36/85 xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 35 xã được công nhận), số tiêu chí đạt chuẩn bình quân là 16,11 tiêu chí/xã (tăng 1,31 tiêu chí so với năm 2020). Việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã được các địa phương quan tâm thực hiện, qua đó đã có 3 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao (Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi; Sa Nhơn, huyện Sa Thầy và Tân Lập, huyện Kon Rẫy); 6 thôn đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; 18 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều vấn đề cần phải khắc phục như: Kết quả thực hiện của tỉnh đang còn ở mức thấp so với một số địa phương trên cả nước; một số chỉ tiêu đề ra vẫn chưa đạt được…
Trong đó đáng chú ý là chưa có sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị cơ sở, nhất là người đứng đầu chưa thể hiện trách nhiệm đầy đủ trong việc thực hiện nhiệm vụ, mục tiêu của Chương trình; trách nhiệm của các sở, ban ngành là thành viên Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh chưa cao, chưa thực hiện tốt các nhiệm vụ được phân công; phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới ở các địa phương chưa được thực hiện sâu rộng.
Để tiếp tục triển khai thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nông thôn mới theo Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ tỉnh, việc tăng cường vai trò, trách nhiệm của các địa phương, đơn vị là hết sức quan trọng và cần thiết.
Vì vậy, ngày 2/3/2022, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND về tăng cường vai trò, trách nhiệm của các đơn vị, địa phương trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2022.
Theo đó, UBND các huyện, thành phố cần chủ động triển khai các giải pháp phù hợp theo quy định, trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, trong đó cần chú trọng, tập trung các nội dung:
|
Nâng cao trách nhiệm chính trị trong xây dựng nông thôn mới, đặc biệt khắc phục tình trạng trông chờ từ nguồn hỗ trợ của ngân sách cấp trên (Trung ương, tỉnh); chủ động cân đối, bố trí ngân sách cấp huyện, cấp xã, đồng thời có các giải pháp hiệu quả huy động các nguồn lực khác tham gia thực hiện chương trình; chú trọng triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường, tạo sinh kế bền vững và nâng cao thu nhập cho người dân bên cạnh hoạt động đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân trong thực hiện phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới, gắn với Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”.
Cấp huyện chịu trách nhiệm về mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn; cấp sở, ngành chịu trách nhiệm về các tiêu chí chuyên ngành đã được phân công phụ trách (phối hợp thực hiện, hướng dẫn, hỗ trợ và kiểm tra). Kết quả thực hiện hoàn thành mục tiêu là căn cứ để bình xét thi đua và đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của các đon vị, địa phương hằng năm.
Chủ tịch UBND huyện, thành phố là người chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về mức độ hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn và đây là cơ sở để đánh giá kết quả thực hiện hoàn thành nhiệm vụ trong năm của cá nhân Chủ tịch ủy ban nhân dân huyện, thành phố. Thủ trưởng các sở, ngành phụ trách các tiêu chí có trách nhiệm giải trình cụ thể trước Chủ tịch UBND tỉnh về mức độ hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới đối với các tiêu chí chuyên ngành được phân công phụ trách và là cơ sở để đánh giá kết quả thực hiện hoàn thành nhiệm vụ trong năm của cá nhân thủ trưởng đơn vị.
Với việc xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các địa phương, đơn vị trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ kết quả triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh. Song, để thực hiện Chương trình thành công và bền vững, thì ngoài việc nâng cao vai trò, trách nhiệm của các địa phương, đơn vị, cần tiếp tục nâng cao nhận thức, vai trò và trách nhiệm của người dân. Nhất là nhận thức rõ xây dựng nông thôn mới chính là đem tài dân, sức dân để xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh.
Quang Thủy