Phát huy nguồn lực văn hoá trong xây dựng nông thôn mới
Nhờ huy động, phát huy được nguồn lực văn hóa truyền thống, việc xây dựng nông thôn mới ở vùng DTTS trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực.
Đối với người Xơ Đăng ở làng Mô Bành 2, xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông, diễn tấu cồng chiêng và ẩm thực truyền thống giờ đã thành “đặc sản” thu hút khách du lịch. Nhờ vậy việc xây dựng nông thôn mới ở làng Mô Bành 2 cũng có nhiều thuận lợi.
Chị Nguyễn Thị Thiên Nga- Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Đăk Na cho biết, bà con trong làng rất vui vì có thêm việc làm, vừa có thu nhập lại vừa bảo tồn, phát huy được giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
“Trong xã Đăk Na có thác Siu Puông rất đẹp, nguồn nước trong mát, người dân có ý thức giữ gìn môi trường rừng. Để phục vụ khách du lịch bà con thường làm những món ăn truyền thống của người Xơ Đăng, như cơm lam, bánh sừng trâu, cá nướng ống. Từ ngày phát triển được du lịch cộng đồng, dân làng tự tin, năng động hơn rất nhiều”- chị Nguyễn Thị Thiên Nga cho biết thêm.
|
Từ thành công bước đầu trong phát triển du lịch cộng đồng, người dân thêm tự tin tham gia các hoạt động thương mại, dịch vụ. Thành công với mô hình trồng, chế biến sâm dây, sâm Ngọc Linh và hoạt động thương mại, chị Y Za Nhi (làng Mô Bành 1, xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông) là điển hình thế hệ trẻ người Xơ Đăng năng động, dám nghĩ, dám làm.
“Các bạn trẻ muốn phát triển kinh tế cho gia đình, cho quê hương cần có sự mạnh dạn trong công việc, làm gì cũng cần quyết tâm làm đến nơi đến chốn. Nếu các bạn có sự tiến bộ, có sự mạnh dạn thì hoàn toàn có thể làm giàu trên chính quê hương của mình bằng việc trồng sâm dây hay sâm Ngọc Linh. Bây giờ những loại dược liệu này ở quê hương Tu Mơ Rông mình tiêu thụ rất là tốt”- chị Y Za Nhi khẳng định.
Nhận thấy người Xơ Đăng có ý thức, trách nhiệm với cộng đồng rất cao thuận lợi trong việc phát triển mô hình kinh tế tập thể, từ những hạt nhân nòng cốt, tại xã Đăk Na hiện đã hình thành được 3 hợp tác xã (HTX) và 3 tổ hợp tác (THT). Việc tham gia vào các HTX đã giúp người dân từng bước thay đổi được tư duy trong lao động sản xuất.
Ông Võ Nguyên Sinh- Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Du lịch và Dược liệu xanh Siu Puông cho biết: HTX có 43 xã viên, hầu hết là người Xơ Đăng. Xã viên tham gia HTX thay đổi được lề lối tư duy sản xuất, tư duy làm kinh tế. Vì thay đổi được nếp nghĩ, từ đó hình thành nên các mô hình kinh tế khác. Ngắn hạn thì trồng sâm dây, rồi nuôi gà, nuôi heo để phục vụ du lịch, còn lâu dài thì có sâm Ngọc Linh. Xã viên có được nguồn thu nhập ngắn hạn và dài hạn.
Từ việc phát huy được nguồn lực văn hóa truyền thống với những giá trị tốt đẹp trong xây dựng nông thôn mới, nhiều thôn làng đồng bào Xơ Đăng ở huyện Tu Mơ Rông đã thành điểm đến với du khách gần xa. Nhiều HTX, THT trồng dược liệu, phát triển du lịch cộng đồng với các xã viên là người Xơ Đăng làm ăn hiệu quả giúp người dân tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.
|
Thống kê của UBND huyện Tu Mơ Rông cho thấy, trong năm 2023 đã có trên 10.000 lượt khách du lịch đến huyện. Đây là thành công rất đáng ghi nhận đối với một huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh, với 95% dân số là người Xơ Đăng.
Ông Võ Trung Mạnh- Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết, nguồn lực văn hoá truyền thống luôn được huyện xác định là nền tảng vững chắc trong xây dựng nông thôn mới. Huy động được nguồn lực này giúp người dân thêm tự tin, năng động tạo sự hấp dẫn, khác biệt và duy trì được cuộc sống ổn định, cân bằng.
“Huyện ủy, UBND huyện Tu Mơ Rông xác định trục để phát triển kinh tế- xã hội đó là quản lý, bảo vệ phát triển rừng; trồng dược liệu chăn nuôi dưới tán rừng gắn với du lịch đó là con đường phát triển xuyên suốt. Trên cơ sở đó huyện đã có nhiều chương trình, kế hoạch, đề án để khai thác tiềm năng, thế mạnh, trong đó quy hoạch cụ thể các điểm du lịch; xác định đầu tư những nội dung trọng tâm mà du khách cần để thu hút khách để người dân hưởng lợi nhiều nhất trong hoạt động du lịch”- ông Võ Trung Mạnh chia sẻ.
Với việc khơi dậy, phát huy được nguồn lực văn hoá truyền thống, bà con DTTS ngày càng năng động, tự tin trong việc xây dựng nông thôn mới. Tính đến cuối năm 2023 đã có 32 thôn, làng vùng DTTS của tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới. Tất cả các xã trong tỉnh đạt chuẩn từ 15 tiêu chí nông thôn mới trở lên. Toàn tỉnh hiện có 42 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó nhiều xã vùng DTTS đã cán đích nông thôn mới.
Khoa Điềm