Nông thôn mới và những “chuyện cũ”
Mục tiêu cuối cùng của xây dựng nông thôn mới là gì? Là điện, đường, trường, trạm hoàn thiện. Là đời sống của người dân được nâng cao. Tất cả đều đúng, nhưng chưa đủ. Nông thôn mới thì cần phải gạt bỏ được những tư duy cũ, lối nghĩ và nếp sống cũ.
Ngày cuối tuần, tôi được ông chú đang sống ở một xã nông thôn mới mời đi dự đám cưới đứa con trai út.
Tất nhiên là tôi háo hức đi thật sớm, một phần vì tình cảm, trách nhiệm, một phần cũng là vì tò mò muốn biết xem chuyện cưới xin ở xã nông thôn mới đã “mới” được bao nhiêu so với trước.
Bởi trong lòng tôi vẫn nghĩ, đã là xã nông thôn mới, hẳn rằng việc thực hiện nếp sống mới trong việc cưới xin, ma chay đã trở nên phổ biến.
Ấy vậy mà khi gặp nhau, anh bạn (là một trong những cán bộ lãnh đạo chủ chốt của xã) lại dội cho tôi một “gáo nước lạnh”. Nghe tôi hí hửng phỏng đoán, anh lắc đầu: Xã nông thôn mới tất nhiên có nhiều đổi mới, nhưng chuyện cưới xin, ma chay vẫn còn “cũ”.
|
Không khó để nhận thấy đây là một đám cưới to thật. Nhìn cái rạp hoành tráng xếp chật bàn ghế; người ra người vào tấp nập bưng bê dọn cỗ; thịt heo, thịt gà, rau củ chất chồng mà “choáng”.
Còn ông bác họ từ ngoài quê vào, đi cùng tôi, thì cứ lẩm bẩm: Trước kia, việc cưới xin phải lo sao giữ được “nếp nhà” ấm cúng, đem lại hạnh phúc cho dâu rể và chu tất trong mối quan hệ họ hàng. Còn bây giờ thì nặng về hình thức. Tốn kém quá. Lãng phí quá.
Ông chú đang chạy mướt mồ hôi cũng ghé qua cười: Thế này đã là gì anh ơi. Có đám cưới ở đây ăn uống trong vài ngày liền ấy chứ.
Riêng việc dựng rạp đã tiến hành trước đó một ngày, mọi người đến giúp việc nấu nướng, dọn dẹp, trang trí cũng phải bày biện chục mâm một bữa. Sau khi mọi việc hoàn tất một vài ngày lại tiếp tục làm cơm nhà bếp để cảm ơn, ước chừng cả cái đám cưới cũng phải hơn trăm mâm cỗ. Nhiều nhà thuê trọn gói dịch vụ nấu tiệc ngoài huyện vào thì gọn gàng hơn.
Biết việc tổ chức rềnh rang, kéo dài không chỉ gây lãng phí mà còn mang đến sự mệt mỏi đối với gia đình có việc và những người đến giúp việc. Nhưng đây đã trở thành cái lệ rồi, hầu như gia đình nào cũng phải làm đầy đủ, không mọi người sẽ trách móc- ông chú phân bua.
|
Tôi muốn kể lại câu chuyện có thật này để thấy rằng, ngay ở những xã nông thôn mới vẫn còn những “chuyện cũ”.
Đến nay, toàn tỉnh có 48/85 xã đạt chuẩn 19/19 tiêu chí (trong đó có 42 xã được công nhật đạt chuẩn nông thôn mới); 21 thôn đạt chuẩn khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; 37 thôn (làng) vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn thôn nông thôn mới. Số tiêu chí đạt chuẩn bình quân đạt 16,42 tiêu chí/xã.
Ở các xã, thôn nông thôn mới, cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế- xã hội cơ bản hoàn thiện và đạt chuẩn theo quy định. Mặt bằng đời sống về vật chất, tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện rõ rệt.
Vì vậy, nói xây dựng nông thôn mới như “một cuộc cách mạng” cũng không ngoa. Bởi đã làm thay đổi diện mạo nông thôn và đời sống người dân, từ phương thức sản xuất, đến nếp nghĩ, cách sống đã định hình nhiều năm
Tuy nhiên, ở xã đạt chuẩn nông thôn mới nào cũng còn những chuyện đáng bàn. Như đám cưới chẳng hạn, linh đình lắm. Rạp phải cất to đùng, khách khứa phải mời thật đông; ăn uống, tiệc tùng trong mấy ngày liền.
Hay như chuyện ma chay, cũng phải ăn uống, phải để chờ con cháu đông đủ rồi mới đưa đi chôn cất, rải vàng mã khắp đường đi.
Mục tiêu cuối cùng của xây dựng nông thôn mới là gì? Là điện, đường, trường, trạm hoàn thiện. Là đời sống của người dân được nâng cao. Tất cả đều đúng, nhưng chưa đủ.
Nông thôn mới thì cần phải gạt bỏ được những tư duy cũ, lối nghĩ và nếp sống cũ. Người dân sống nghĩa tình, đùm bọc, chia sẻ, thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ và các sinh hoạt cộng đồng khác.
Không thể cứ để những “chuyện cũ” ấy tồn tại mãi ở xã nông thôn mới vẫn đang là vấn đề đặt ra cho cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể địa phương.
Theo chia sẻ của một số cán bộ xã mà tôi quen biết, đây là một vấn đề “nói thì dễ mà làm thì khó”.
Chưa nói đến việc các thiết chế văn hóa cơ sở chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt văn hóa của người dân, nên dễ phát sinh các hoạt động văn hóa sai lệch, chưa phù hợp, nguyên việc vận động người dân từ bỏ các tập tục có từ lâu đã không dễ.
Trên thực tế, không phải người dân không biết như thế là lãng phí, là không văn minh, nhưng nó đã là cái lệ rồi, hầu như gia đình nào cũng làm như vậy cả, nên phải theo, làm cho đầy đủ, nếu không mọi người sẽ chê cười. Rồi thì từ “lệ” mà nó thành “tệ”.
Bên cạnh đó, khi vận động nhân dân thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang, không ít trường hợp phản đối gay gắt, vì liên quan đến phong tục, yếu tố tâm linh.
Vì vậy, để xóa bỏ những “chuyện cũ” ấy, cấp ủy, chính quyền phải có những bước đi, cách làm phù hợp, không thể nôn nóng.
Trong đó, quan tâm bố trí nguồn lực đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, tập luyện của nhân dân.
Tăng cường tuyên truyền, vận động, nhắc nhở để nhân dân hiểu rõ về tác hại của các hủ tục, tập tục không còn phù hợp, từ đó hưởng ứng xóa bỏ, bài trừ, đi đôi với việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc, tốt đẹp. Trong quá trình này, phải phát huy được vai trò của già làng, người có uy tín trong cộng đồng.
Đặc biệt, cán bộ, đảng viên phải gương mẫu làm trước. Ví dụ vận động gia đình, họ hàng gương mẫu thực hiện nếp sống mới trong việc hỷ, việc tang, thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí.
Đặc biệt, cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ và sâu rộng, từ đó góp phần giúp đồng bào DTTS thay đổi nhận thức, tư duy, xóa bỏ nếp nghĩ, cách làm lạc hậu, tiếp thu, áp dụng cái mới.
Hồng Lam