Nỗi lo cho nhà ở kết hợp kinh doanh
Đọc thông tin về hai vụ cháy nhà dân xảy ra trong ngày 16/6 tại phường Định Công, quận Hoàng Mai, thành phố Hà Nội và phường Đa Mai, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang làm 7 người chết, tôi thấy miệng khô đắng, tim nhói đau.
Có thể nói, trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo quyết liệt công tác phòng cháy, chữa cháy, tuy nhiên vẫn xảy ra một số vụ cháy gây hậu quả hết sức nghiêm trọng về người và tài sản.
Trong đó có vụ cháy tại “chung cư mini” ở phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội vào đêm 12/10/2023, làm 56 người tử vong. Tiếp đến là vụ hỏa hoạn xảy ra rạng sáng 24/5/2024 tại nhà số 1, hẻm 31, ngách 98, ngõ 43 phố Trung Kính (quận Cầu Giấy, Hà Nội), cướp đi sinh mạng của 14 người.
Và mới đây, ngày 16/6/2024, liên tiếp xảy ra 2 vụ cháy nhà. Khoảng 18h22 ngày 16/6, hỏa hoạn xảy ra tại tầng 4 của ngôi nhà nằm trên phố Định Công Hạ (phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội).
Báo chí đưa tin ngôi nhà xảy ra cháy ở số 207 Định Công Hạ (Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) là nhà ở kết hợp kinh doanh. Từ tầng 1 đến 3 dùng để kinh doanh, tầng 4 trở lên để ở, hàng hóa xếp kín cầu thang.
|
Các nhân chứng kể rằng, khi phát hiện ra khói lửa bùng lên, nhiều người đã dùng gạch đá, búa tạ để phá cửa sổ nhằm giải cứu các nạn nhân nhưng rất khó khăn do cửa sổ quá kiên cố, với kính cường lực, lưới chống côn trùng và song sắt.
Bên cạnh đó, tại tầng 1 đến tầng 3 của căn nhà, hàng hóa “bịt” kín lối ra vào và cầu thang bộ lên xuống khiến việc tiếp cận đám cháy từ lối này gặp nhiều khó khăn.
Khi đọc những tin này, tôi thấy miệng khô đắng, tim nhói đau. Chợt nhớ lại vụ cháy trên đường Trần Hưng Đạo (thành phố Kon Tum) cách đây hơn 10 năm, vào lúc 6h40’ ngày 2/1/2014.
Điều may mắn là vụ cháy lớn ở đường Trần Hưng Đạo năm ấy không gây thiệt hại về người, nhưng điểm tương đồng đều là nhà ở kết hợp kinh doanh, dụng cụ, hàng hóa chất kín trong nhà, bịt hết lối đi, cản trở quá trình thoát hiểm và dập lửa, đồng thời là tác nhân làm cho đám cháy trở nên khó khống chế hơn.
Rõ ràng là, nguy cơ cháy, nổ đối với nhà ở có nhiều tầng, căn hộ, nhà cho thuê, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh đang cao hơn bao giờ hết.
Trong số bạn bè tôi cũng có người kinh doanh. Và cũng như nhiều người khác, anh kết hợp nhà ở làm cửa hàng. Mỗi lần đến nhà anh chơi trong tôi lại cồn lên nỗi lo về nguy cơ cháy nổ.
Căn nhà 1 tầng trệt, 1 gác lửng, nằm lọt thỏm giữa 2 nhà cao tầng, vốn được xây với mục đích nhà ở, khi thuê lại, vợ chồng anh đã cải tạo thành nơi vừa ở vừa kinh doanh.
Từ gian trước, đường luồng, rồi đến gian sau đều chất đầy hàng hóa (chăn, mền, rèm màn, ga, gối…). Ngay cả gác lửng cũng chỉ còn chỗ trải một tấm nệm làm nơi nghỉ ngơi. Khoảng trống phía sau, nơi giặt giũ, phơi quần áo cũng được quây kín bằng rào sắt chống trộm.
Chỉ có một lối thoát nạn là cửa chính, cũng ngập hàng hóa. Nếu xảy cháy, người trong nhà không thể thoát ra ngoài hoặc sang nhà hàng xóm do không có cửa sổ, cũng không có lối thoát lên mái.
Qua khảo sát, có thể thấy, nhà ở, hoặc nhà ở kết hợp kinh doanh tại đô thị có đặc thù là được xây dựng dạng nhà ống. Các nhà ống này có một lối thoát nạn qua cầu thang bộ thông giữa các tầng và thoát ra ngoài qua cửa chính tại tầng 1.
Vì lý do an ninh nên các hộ gia đình thường trang bị nhiều lớp cửa tại cửa chính ở tầng 1, các lối thoát nạn khẩn cấp cũng được trang bị các khung sắt kiên cố tạo thành các lồng bảo vệ.
Nhưng lợi bất cập hại, khi chẳng may xảy ra sự cố cháy, nổ, chính những lớp cửa và lồng sắt này sẽ khiến cho người ở bên trong gặp khó khăn trong việc thoát nạn hoặc không thể thoát ra ngoài. Người từ bên ngoài cũng khó ứng cứu nạn nhân.
|
Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH từng nhiều lần phát đi cảnh báo về nguy cơ cháy nổ cao ở các khu nhà trọ, nhà ở kết hợp kinh doanh.
Theo các chuyên gia, để khắc phục nỗi lo cháy nổ, khi thi công nhà, cần lưu ý bố trí đủ 2 lối thoát nạn gồm cửa ra vào chính và lối thoát nạn khẩn cấp bên trên, như lối ra ban công, lối lên sân thượng hoặc lối lên mái.
Đồ đạc, vật dụng trong nhà, hàng hóa kinh doanh phải được bố trí một cách khoa học, tuyệt đối không chất trên lối đi, lối thoát hiểm nhằm tránh cản trở việc thoát nạn khi cần.
Ngoài ra, cần trang bị bình chữa cháy xách tay trong nhà, đặt nơi thuận tiện, dễ thấy, dễ lấy và hướng dẫn cho tất cả thành viên sử dụng thành thạo bình chữa cháy, kể cả trẻ em.
Theo lực lượng Cảnh sát PCCC & CNCH, khống chế đám cháy từ khi mới phát sinh là rất quan trọng. Do đó, bên cạnh tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng thoát hiểm khi xảy ra cháy, lực lượng Cảnh sát PCCC luôn tuyên truyền, vận động người dân tự trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ.
Việc trang bị bình chữa cháy xách tay cho các hộ gia đình là biểu hiện cụ thể nhất của phương châm 4 tại chỗ (“phương tiện tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ”) trong PCCC. Khi có bình chữa cháy xách tay, sẽ xử lý kịp thời sự cố cháy nổ ngay khi bắt đầu xảy ra.
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng và chính quyền địa phương cần rà soát, phân loại, có ngay giải pháp hữu hiệu về phòng cháy, chữa cháy đối với nhà ở có nhiều tầng, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.
Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cho người dân, các cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao trên địa bàn.
Hồng Lam