Niềm vui ngày gặp mặt
Buổi gặp mặt do Ban liên lạc Hội Người hoạt động kháng chiến tỉnh Kon Tum (Ban liên lạc) tổ chức diễn ra xúc động, thắm thiết nghĩa tình đồng đội. Dù mắt đã mờ, tay đã run, đôi chân không còn vững vàng, nhanh nhẹn như trước nhưng khi gặp nhau họ vẫn nhớ những câu chuyện vui, buồn trên chiến trường năm xưa.
Dù còn gần tiếng đồng hồ nữa buổi gặp mặt mới bắt đầu, nhưng nhiều thành viên trong Ban liên lạc đã đến. Tiếng nói cười rộn rã khi những đồng đội năm xưa gặp lại nhau. Họ vui mừng chào hỏi, trao nhau những cái bắt tay thật chặt, cái ôm thắm thiết.
Mở đầu buổi gặp mặt, bà Vũ Thị Minh Huệ - nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nguyên Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Phó Ban liên lạc cùng các thành viên ôn lại kỷ niệm năm xưa.
Bà Huệ nhớ lại, trong cuộc chiến khốc liệt ấy đã có không ít đồng đội ngã xuống khi đang ở tuổi xuân xanh 18, đôi mươi như: Anh hùng Trần Văn Hai, Anh hùng U Rê, Anh hùng Ngô Tiến Dũng; các liệt sĩ Y Thê, Nguyễn Thị Thanh Hương, Nguyễn Thị Thanh Vân, A Mõ, A Thất… Sự hy sinh anh dũng của họ góp phần đem lại cuộc sống hòa bình hôm nay; cũng để lại nỗi đau, mất mát lớn cho người thân, đồng đội.
|
Tại buổi gặp mặt, những cán bộ, chiến sĩ năm xưa về tề tựu chỉ là một số nhỏ trong những người hoạt động kháng chiến và trực tiếp tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tổ quốc, phần lớn những đồng đội không tham gia được do điều kiện sức khỏe, cư trú xa xôi, đi lại khó khăn.
Qua 6 năm thành lập, với sự quan tâm của UBND tỉnh, Ban liên lạc đã tổ chức được 4 lần gặp mặt, gặp gỡ gần 500 lượt người hoạt động kháng chiến trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc và Tây Nam hiện đang sinh sống tại tỉnh Kon Tum; tổ chức 4 đợt cho 72 cán bộ, chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn tham quan Hà Nội và viếng Lăng Bác Hồ. Ban liên lạc đã tổ chức đi thăm ốm, phúng điếu đám tang 30 trường hợp.
Đến buổi gặp mặt từ rất sớm, bà Trần Thị Tư (77 tuổi) mong muốn gặp lại những đồng đội từng tham gia chiến trường năm xưa. Bà Tư kể, năm 1967, bà xin gia nhập thanh niên xung phong, sau đó rời huyện Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam đến Kon Tum tham gia kháng chiến. Ngày ấy, bà Tư là cô gái 20 tuổi, đi theo tiếng gọi con tim, cống hiến sức trẻ để bảo vệ Tổ quốc.
Tham gia kháng chiến, bà Tư thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau, từ cõng đạn, cõng gạo đến hoạt động bí mật cơ sở. Bà Tư nhớ lại, ngày ấy, có giai đoạn, ban ngày bà ở trong hầm, tối đến lại ra ngoài để tham gia gia vận động, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, nắm bắt tình hình địch hoạt động để thông báo cho đồng đội và cấp trên. Trong lúc tham gia kháng chiến, bà đã gặp nhiều đồng đội, trong đó có không ít đồng đội đã hy sinh, một số hiện còn sống và may mắn bà đã gặp được tại buổi gặp mặt.
|
Một trong số những đồng đội mà bà Tư gặp năm ấy có bà Y Suốt (79 tuổi). Tại buổi gặp mặt, 2 bà trao nhau cái ôm thắm thiết rồi cùng nhau ngồi ôn lại kỷ niệm năm xưa. Bà Y Suốt nhớ lại: Trong một lần công tác tại huyện Đăk Glei, tôi gặp bà Tư. Chúng tôi cùng nhau băng rừng, lội suối, đi bộ suốt nhiều tháng trời, trải qua những bữa cơm thiếu thốn, đặc biệt khi ấy chúng tôi cực kỳ thiếu muối.
Nghe nhắc đến thiếu muối, bà Y Réo - đồng đội bà Tư, bà Suốt ngồi cạnh thốt lên: Chúng tôi là những người trực tiếp cõng muối từ đồng bằng lên Kon Tum, sau mỗi chuyến đi, lưng đỏ bỏng rát vì nước muối thấm vào nhiều ngày.
Bà Y Réo kể lại: Tham gia kháng chiến, tôi từng trải qua nhiều nhiệm vụ khác nhau, trong đó việc tham gia cõng muối để lại cho tôi nhiều ấn tượng khó quên. Mỗi chuyến đi, chúng tôi phải mất khoảng 20 ngày cõng muối từ huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi lên cung cấp cho quân ta. Mỗi người cõng một bao muối len lỏi qua nhiều cánh rừng, lội qua nhiều sông, suối. Sau nhiều ngày, nước muối thấm dần trên lưng khiến lưng đỏ bỏng, rát. Những lúc ấy, tôi nghĩ đến đồng đội đang ngày đêm chiến đấu, gồng mình bảo vệ Tổ quốc nên tự dặn bản thân càng cố gắng vượt qua.
Giờ đây, khi cuộc sống hòa bình, những câu chuyện của bà Tư, bà Y Suốt, Y Réo chỉ là một vài mẩu chuyện nhỏ trong hàng vạn câu chuyện mà họ cùng đồng đội, cán bộ, chiến sĩ tham gia kháng chiến đã trải qua. Buổi gặp mặt kết thúc sau khi bữa cơm thân mật khép lại, họ bịn rịn chia tay nhau, cùng nhau khích lệ, cổ vũ nhau tiếp tục tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương, góp sức xây dựng tỉnh nhà ngày càng giàu đẹp.
Văn Tùng