Những nông dân vượt khó, vươn lên thoát nghèo
Trong chuyến công tác gần đây tại 2 xã Đăk Môn (huyện Đăk Glei) và Đăk Ang (huyện Ngọc Hồi), chúng tôi có dịp gặp gỡ, tìm hiểu tình hình sản xuất, đời sống một số hộ đồng bào DTTS. Qua đó, tôi nhận thấy ở họ có sự thay đổi nếp nghĩ, cách làm; không trông chờ, ỷ lại sự trợ giúp của Nhà nước mà tự lực vươn lên để thoát nghèo bền vững.
Đó là trường hợp ông A Thiên ở thôn Đăk Nai, xã Đăk Môn. Ông A Thiên kể, trước đây, gia đình mình rất nghèo, quanh năm chỉ biết trồng mì, làm lúa rẫy, nuôi vài con heo, con gà. Làm không đủ ăn, nhà cửa tạm bợ, kinh tế gia đình luôn thiếu trước, hụt sau, con cái không được học “đến nơi, đến chốn”… cuộc sống gia đình mình vô cùng khó khăn, vất vả.
Sau khi được cán bộ xã, thôn tuyên truyền, vận động, ông tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và được cử đi tham quan, học tập các mô hình làm ăn kinh tế hiệu quả của một số nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tại các địa phương trong tỉnh. Được mở mang kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi, ông quyết tâm làm theo họ.
|
Gia đình ông mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để trồng 1 ha cao su, 5 sào cà phê, 2 ha mì cao sản, 400 cây bời lời, hơn 500m2 ruộng lúa nước 2 vụ. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, gia đình chăm lo làm ăn, chi tiêu tiết kiệm để tích luỹ và tái đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Qua nhiều năm, ông mua sắm xe công nông, máy cày làm dịch vụ cho bà con trong địa phương. Hiện nay, mỗi năm gia đình ông có thu nhập trên 150 triệu đồng, đã thoát nghèo bền vững, nhà cửa xây dựng chắc chắn, có cuộc sống ổn định.
Rời Đăk Môn, tôi về xã Đăk Ang để tìm hiểu những người nông dân vươn lên thoát nghèo tại địa phương này. Được sự dẫn đường của cán bộ xã, tôi đến thôn Long Zôn gặp anh A Gim, một trong những nông dân từ nghèo khó vươn lên, thoát nghèo bền vững, đời sống kinh tế gia đình tương đối khấm khá.
Trò chuyện với tôi, A Gim cho hay đã từng đi bộ đội. Sau khi phục viên, trở về địa phương sinh sống, anh biết cách thức, kế hoạch làm thế nào để gia đình bớt khổ, có cuộc sống tốt đẹp hơn.
|
Vợ chồng anh A Gim đã vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để mở rộng diện tích đất canh tác. Hai vợ chồng còn đăng ký theo học các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất do ngành Nông nghiệp tỉnh và huyện mở tại địa phương; đồng thời học hỏi kinh nghiệm qua sách báo, truyền hình để biết cách đầu tư chăn nuôi, trồng trọt để đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Gia đình anh A Gim nuôi 4 con bò, 150 con gà; trồng 2ha cao su, 1ha cà phê, 5ha mì, 3 sào lúa nước 2 vụ. Hàng năm, sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình anh có thu nhập trên 150 triệu đồng.
A Gim bộc bạch: Đến nay, dù chưa được giàu có như một số hộ gia đình khác trong xã, nhưng gia đình mình có nhà cửa đàng hoàng, con cái được ăn học đầy đủ, không lo thiếu ăn, thiếu mặc như trước đây nữa.
Tại thôn Đăk Súk, tôi đến thăm khu sản xuất của ông A Việt. Gia đình ông trước đây thuộc diện hộ nghèo, làm quanh năm suốt tháng không đủ ăn, đủ mặc. Nhưng với ý chí không cam chịu đói nghèo, không thể trông chờ, ỷ lại sự trợ giúp của Nhà nước, ông quyết tâm phấn đấu vươn lên phát triển kinh tế gia đình để thoát nghèo.
|
Vợ chồng ông kiên trì học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vay vốn ngân hàng để đầu tư mở rộng diện tích canh tác, phát triển sản xuất. Gia đình ông trồng 1 ha cao su, 1 ha cà phê, 2 ha cây bời lời, 4 ha mì; nuôi 3 con bò, 4 con heo đẻ và hơn 40 con gia cầm. Ông dành dụm tiền để mua phân bón, thuốc trừ sâu, chăm sóc cho cây trồng. Nhờ vậy, sản lượng cao su, cà phê, bời lời, mì luôn cho năng suất cao, thu nhập của gia đình ông cũng tăng lên, bình quân mỗi năm cho thu nhập từ 120-180 triệu đồng.
A Việt chia sẻ: Qua mấy năm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xây dựng kế hoạch sản xuất, định hướng công việc làm ăn cho tương lai, đến nay gia đình tôi đã có nhà cửa khang trang, sạch đẹp, mua sắm đầy đủ mọi đồ dùng sinh hoạt thiết yếu trong gia đình, con cái ăn học đàng hoàng. Có được cuộc sống như hôm nay là nhờ ơn Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, giúp đỡ người dân, đặc biệt là đồng bào DTTS biết cách vươn lên, phấn đấu lao động sản xuất, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Quang Định