Những khó khăn trong công tác phòng chống lao
Công tác khám phát hiện bệnh nhân lao mới luôn được coi là nhiệm vụ hàng đầu, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã khám, phát hiện và điều trị cho khoảng 275 bệnh nhân lao các thể. 100% bệnh nhân lao mới đều được lập hồ sơ bệnh án điều trị đa hóa trị liệu ngắn ngày có kiểm soát theo đúng quy định của chương trình; tỷ lệ điều trị lao thành công luôn ở mức trên 95%.
Những năm qua, hệ thống y tế trên địa bàn tỉnh ngày càng được hoàn thiện và đủ điều kiện triển khai công tác chống lao lồng ghép vào hoạt động y tế chung của tỉnh. Tỉnh vẫn duy trì được mục tiêu triển khai công tác chống lao tại 100% huyện, thành phố và 100% số xã, phường, thị trấn, đạt 100% tỷ lệ dân số được tiếp cận Chương trình Chống lao quốc gia; tổ chức bộ máy và mạng lưới chuyên trách lao tiếp tục được mở rộng, củng cố và hoàn thiện; việc đào tạo, cập nhật kiến thức, huấn luyện kỹ năng chuyên môn cho cán bộ mới tham gia chương trình được thực hiện thường xuyên. Công tác khám phát hiện bệnh nhân lao mới luôn được coi là nhiệm vụ hàng đầu, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã khám, phát hiện và điều trị cho khoảng 275 bệnh nhân lao các thể. 100% bệnh nhân lao mới đều được lập hồ sơ bệnh án điều trị đa hóa trị liệu ngắn ngày có kiểm soát theo đúng quy định của chương trình; tỷ lệ điều trị lao thành công luôn ở mức trên 95%.
Hiện nay, tình hình dịch tễ bệnh lao còn cao trong cộng đồng và tỷ lệ phát hiện hàng năm thấp, theo tính toán của Chương trình Chống lao quốc gia mới chỉ đạt 56%, như vậy, nguồn lây trong cộng đồng là rất lớn. Bệnh nhân HIV/AIDS và lao kháng thuốc có chiều hướng gia tăng làm tăng gánh nặng bệnh lao trong hiện tại và tương lai. Nguồn nhân lực ở tất cả các tuyến tuy đã được củng cố và tăng cường, nhưng mới chỉ đáp ứng được những nhiệm vụ cơ bản, vẫn còn thiếu cán bộ chuyên sâu nhằm đáp ứng được yêu cầu đối với chức năng nhiệm vụ ngày càng cao. Mô hình chống lao từ tỉnh đến huyện còn nhiều bất cập, chưa hợp lý, cán bộ làm công tác chống lao thường xuyên thay đổi, kiêm nhiệm nhiều. Nguồn kinh phí hàng năm chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu hoạt động. Kể từ năm 2014, kinh phí Trung ương dành cho hoạt động phòng chống lao tỉnh bị cắt giảm đáng kể, do đó các hoạt động như: truyền thông, đào tạo tập huấn và giám sát hỗ trợ không được thực hiện thường xuyên, ảnh hưởng rất lớn tới tính bền vững của chương trình. Nguy cơ thiếu thuốc đã được Chương trình Chống lao quốc gia cảnh báo, đòi hỏi tỉnh phải sẵn sàng nguồn kinh phí đáp ứng cung cấp thuốc, vật tư y tế phục vụ công tác chẩn đoán, điều trị bệnh lao trong giai đoạn tiếp theo.
Cơ sở vật chất cho công tác phòng chống lao ở tỉnh còn nhiều khó khăn, hầu hết các huyện chưa có phòng cách ly riêng cho bệnh nhân lao. Phần lớn bệnh nhân khó có điều kiện tiếp cận các dịch vụ chẩn đoán hiện đại như: nuôi cấy, sinh học phân tử... Trong khi đó, nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế, tình trạng một số bệnh nhân còn chủ quan bỏ điều trị giữa chừng, điều trị không đúng phác đồ đã làm cho bệnh ngày càng trầm trọng hoặc dẫn đến lao kháng thuốc thất bại trong điều trị. Sự giám sát bệnh nhân điều trị tại tuyến cơ sở còn nhiều hạn chế, nhân lực mỏng lại phải kiêm nhiệm nhiều, đường xá đi lại khó khăn. Đa số bệnh nhân lao thuộc đối tượng nghèo, thời gian điều trị lại kéo dài, vì vậy, việc hỗ trợ về vật chất cho bệnh nhân lao trong giai đoạn điều trị là vô cùng cần thiết.
Để loại trừ bệnh lao ra khỏi cộng đồng, trong thời gian tới, công tác phòng, chống bệnh lao phải được xem là một nhiệm vụ quan trọng. Ngành Y tế tỉnh cùng với sự tham gia phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội và chính quyền các cấp tăng cường công tác tuyên truyền phòng chống bệnh lao, đồng thời hỗ trợ các điều kiện tích cực để điều trị bệnh lao.
VĂN PHÚC