Những giọt máu đào
Bạn thấy gì từ hình ảnh hàng người rồng rắn chờ đến lượt hiến máu cứu người, dù người hiến và người cần máu, đều xa lạ? Riêng với tôi, đó là hình ảnh mang ý nghĩa cao đẹp. Ấy là trao sự sống.
Trong hơn 300 người tham gia hiến máu tại Lễ phát động “Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện” năm 2024 tổ chức ngày 7/4, có một người bạn mà tôi rất yêu quý.
Không chỉ vì anh đã âm thầm tham gia hiến máu nhiều lần, mà còn vì anh là người đã động viên tôi tham gia hiến máu tình nguyện trước đây và hiến máu cứu chính tôi sau này.
Ngày trước, tôi gầy “như que củi”, nên chưa bao giờ có suy nghĩ sẽ tham gia hiến máu tình nguyện vì… sợ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Nhưng anh giải thích cho tôi hiểu cặn kẽ rằng, người có sức khoẻ bình thường, không mắc bệnh lý, không bị nhiễm các tác nhân lây qua đường truyền máu, không có hành vi nguy cơ, đều có thể hiến máu mà không ảnh hưởng đến sức khỏe.
Hiến máu cũng là cơ hội để kiểm tra sức khỏe của mình; là việc làm thiện nguyện, vừa lợi mình vừa lợi cho người, cứ thử một lần cho biết- anh khích lệ tôi.
|
Thế là tôi tham gia cùng anh. Cũng nhờ lần hiến máu đầu tiên ấy mà tôi mới biết mình thuộc nhóm máu B, được coi là nhóm máu hiếm thứ 2 trên thế giới, đứng sau nhóm máu AB.
Sau đó, tôi đi hiến máu đều đặn hơn, dù vẫn “gầy như que củi’, với suy nghĩ đơn giản rằng, máu của mình sẽ giúp ích được một người nào đó. Mà không biết rằng, có ngày mình sẽ được cứu sống từ những giọt máu đào do người khác hiến tặng.
Năm năm trước, tôi bị căn bệnh, phải nói là nan y, quật ngã, nhập viện cấp cứu trong tình trạng thiếu máu nghiêm trọng, lại đúng thời điểm bệnh viện hết nhóm máu B.
Với sự kêu gọi của bạn bè và bệnh viện, ngay trong đêm, nhiều người đã tìm đến tự nguyện hiến máu. Trong số đó có anh, có những người đã từng nhận những giọt máu hồng từ tôi, nhưng đa số là người tôi không quen biết.
Bạn thấy gì từ hình ảnh hàng chục người xếp hàng chờ đến lượt hiến máu cứu một người xa lạ, rồi lặng lẽ rời đi? Riêng với tôi, đó là hình ảnh mang ý nghĩa cao đẹp. Ấy là trao sự sống.
Kể từ ngày 24/1/1994, khi lễ phát động Ngày hiến máu nhân đạo lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội, phong trào hiến máu nhân đạo, nay là hiến máu tình nguyện, đã trải qua hành trình 30 năm.
Đây thực sự là cuộc “cách mạng” thay đổi nhận thức của người dân về hiến máu. Theo Bộ Y tế, trước năm 1994, nhu cầu máu cho cấp cứu và điều trị thiếu nghiêm trọng, không có người cho máu. Lượng máu tiếp nhận được phần lớn dựa vào số người bán máu chuyên nghiệp.
Sáu năm sau, ngày 7/4/2000, nhân Ngày Sức khoẻ thế giới với chủ đề “An toàn truyền máu bắt đầu từ tôi”, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 43/QĐ-TTg về vận động, khuyến khích nhân dân hiến máu tình nguyện; đồng thời lấy ngày 7/4 hằng năm là Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện.
Sự kiện này đánh dấu sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của cả xã hội với phong trào hiến máu tình nguyện.
|
Kể từ đó đến nay, hiến máu tình nguyện đã trở thành phong trào lớn, đầy sức sống, mang đậm tình yêu thương, lan tỏa rộng khắp trong các cấp, các ngành và toàn xã hội, góp phần quan trọng trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Theo công bố của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, đến nay cả nước đã có trên 21,3 triệu lượt người tham gia hiến máu. Hàng vạn cá nhân hiến máu tình nguyện trên 30 lần, 50 lần thậm chí trên 100 lần.
Riêng năm 2023, toàn quốc tiếp nhận được hơn 1,5 triệu đơn vị máu, trong đó 99% từ nguồn hiến, tương đương tỷ lệ 1,5% dân số. Hàng triệu bệnh nhân đã được cứu sống từ những giọt máu đào ấy.
Ở tỉnh ta, trong những năm qua, phong trào hiến máu tình nguyện đã phát triển rộng khắp ở tất cả các huyện, thành phố; các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường học và cộng đồng.
Hiến máu tình nguyện cũng trở thành nét đẹp văn hóa của mỗi người dân, là nghĩa cử cao đẹp và là truyền thống tương thân tương ái “lá lành đùm lá rách” của người Việt Nam.
Trước đây, người hiến máu hầu hết là thanh niên, sinh viên thì hiện nay mở rộng mọi thành phần trong xã hội, không phân biệt độ tuổi, giới tính, ngành nghề, dân tộc, tôn giáo.
Trước đây, người đi hiến máu bị gia đình ngăn cấm hay bị kỳ thị thì nay được tôn vinh, ủng hộ, động viên.
Hiện nay, toàn tỉnh có 10 ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện từ tỉnh đến cơ sở; trên 9.200 người đăng ký tham gia hiến máu tình nguyện. Duy trì 7 câu lạc bộ hiến máu tình nguyện, với 510 thành viên, sẵn sàng hiến máu khẩn cấp khi cần.
Cả trong thời gian bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhiều hoạt động bị đình trệ, nhưng phong trào hiến máu tình nguyện vẫn luôn tiếp nối, không giảm đi, mà ngược lại, càng phát triển mạnh mẽ.
Như năm 2022, là năm dịch Covid-19 diễn biến căng thẳng và phức tạp, toàn tỉnh đã tổ chức được 34 đợt hiến máu tình nguyện, tiếp nhận 6.844 đơn vị máu, đạt 136,8% chỉ tiêu kế hoạch của Ban chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện giao.
Năm 2023, toàn tỉnh tổ chức được 35 đợt hiến máu tình nguyện, vận động trên 9.000 lượt người tham gia đăng ký hiến máu. Kết quả tiếp nhận được 6.498 đơn vị máu, đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch của Ban chỉ đạo quốc gia Vận động hiến máu tình nguyện giao.
Ngay trong buổi phát động “Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện” năm 2024, đã có hơn 300 cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, thanh niên hiến 250 đơn vị máu toàn phần.
Những giọt máu đào, cứ như thế đi từ trái tim tới trái tim con người, một cách nhẹ nhàng và trong sáng.
Hồng Lam