Những “cột mốc sống” miền biên viễn
63 người uy tín DTTS sinh sống ở 13 xã vùng biên giáp Lào, Campuchia, chẳng ai còn trẻ, nhưng tinh thần bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới luôn bùng cháy. Theo cách riêng của mình, họ quyết giữ biên cương như giữ nhà của mình.
|
Giữ cột mốc như giữ nhà mình vậy!
Ông Broc Ken (dân tộc Giẻ Triêng)– người uy tín ở thôn Nông Nhầy 2, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi cười phấn khởi, tự hào khoe phía sau nhà mình có cột mốc biên cương. Cũng bởi niềm tự hào ấy, ngày nào ông cũng ghé ra thăm, kiểm tra, trông mốc như một tài sản quý giá. “Phên dậu có vững thì đất nước mới ổn định. Giữ cột mốc cũng như giữ nhà mình vậy, có trách nhiệm thì mới yên ổn sinh sống được”- ông Broc Ken nói một cách đơn giản về suy nghĩ của mình.
Với suy nghĩ, bảo vệ cột mốc là chuyện không của riêng ai, ông Broc Ken tự nguyện dành cả cuộc đời của mình tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc.
“Nói được, làm được”, là thành viên tích cực trong tổ tự quản đường biên, mốc giới, chẳng kể đêm hôm, mưa gió, ông sẵn sàng có mặt, cùng bộ đội biên phòng tuần tra. Ông làm gương, không phát rừng làm rẫy và cũng không vượt biên trái phép; vận động người dân không nghe lời kẻ xấu xúi giục vận chuyển, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy; khi thấy người lạ vượt biên vào làng, vào xã, phải báo ngay cho cơ quan chức năng.
Cũng bởi tinh thần trách nhiệm cao, 2 năm nay ông được dân làng tin tưởng bầu làm người có uy tín, đại diện cho tiếng nói của dân làng.
Với suy nghĩ bảo vệ đường biên, cột mốc cũng là bảo vệ đất đai của tổ tiên mình, ông Trương Văn Thành – dân tộc Mường, người uy tín ở thôn 9, xã Ia Tơi, huyện Ia Hdrai là tấm gương sáng, góp sức xây nên thế trận an ninh biên giới vững chắc.
Ở địa bàn giáp ranh với nước Campuchia, ông Thành thuộc làu, nắm rõ từng đường mòn, lối mở. 9 năm liên tục được người dân tin tưởng bầu làm người uy tín, những lời nói của ông Thành luôn có sức thuyết phục với bà con, với người dân nước bạn trong việc bảo vệ đường biên, cột mốc của Tổ quốc. Ông Thành vẫn thường giải thích cho các bạn trẻ hiểu về ý nghĩa ranh giới, đường biên, cột mốc ở địa bàn.
Chỉ cần phát hiện đối tượng lạ mặt hoặc nghi vấn, ông liền thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng; vận động người dân khi đi thăm bà con hoặc người dân bên Campuchia phải báo với các cấp chính quyền địa phương. “Ngày trước cũng có các đối tượng tự ý đi qua, đi lại biên giới mà không xin phép. Nhưng nay, qua tuyên truyền, nhận thức của người dân nâng lên”- ông Thành nói.
Giữ vững trận tuyến văn hóa
Cùng với việc tuần tra, bảo vệ, người uy tín DTTS ở vùng biên còn tuyên truyền, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết. Đó cũng là cách để bảo vệ từng tấc đất quê hương.
Ông A Xin (dân tộc Gia Rai) – người uy tín ở làng Kđin, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy nói rằng, chính những phong tục lạc hậu đã kéo theo nhiều hệ lụy, khiến đời sống của bà con khó khăn. Kẻ xấu lại hay lợi dụng những vấn đề về tôn giáo, về phong tục để xuyên tạc. Nhận thức được điều đó, với sự tin tưởng của bà con trong làng, ông A Xin trở thành ngọn cờ đầu, cùng người dân từng bước bỏ dần những suy nghĩ, phong tục lạc hậu.
“Trước đây, một mùa lúa, bà con cúng đến 3-4 lần. Mỗi lần cúng lại giết heo, có khi còn giết bò. Thu hoạch một mùa lúa không đủ tiền lễ nghi. Thấy vậy, bản thân mình tự giảm và bỏ dần các nghi lễ để tiết kiệm. Làm được, mình vận động người dân làm theo. Ngoài ra, mình vận động người dân sinh hoạt tôn giáo lành mạnh, đúng đắn, đấu tranh có hiệu quả với tà đạo” – già A Xin nói.
Bằng uy tín và kinh nghiệm của mình, những người uy tín DTTS ở vùng biên trở thành cầu nối, tích cực tuyên truyền, xây dựng ngọn cờ đoàn kết. Nhiều năm làm Bí thư Chi bộ, 2 năm làm người có uy tín, cô Y Nở - người có uy tín ở thôn Chiên Chiếc, xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi nói rằng, người dân ở vùng biên cùng phải tạo dựng sức mạnh bó đũa, đồng tâm, đồng sức mới có thể bảo vệ vùng biên vững mạnh.
Nghĩ thế, cô vận động người dân trong thôn đoàn kết, chung sức, kịp thời giúp đỡ những hoàn cảnh yếu thế, khó khăn trong cuộc sống. Từ những sự quan tâm, chia sẻ, mọi người thêm gắn kết với nhau. “Có tinh thần đoàn kết, người này bảo người kia, thế rồi, nhà nhà tham gia tổ tự quản, giữ gìn đường biên, cột mốc. Các cột mốc được giữ gìn, tình trạng mua bán ma túy giảm hẳn, an ninh trật tự được đảm bảo”- cô Nở cho hay.
Những ngôi nhà rộn tiếng cười, những đồng ruộng, rẫy mì xanh ngát bên mỗi cột mốc, đường biên, chứng tỏ đời sống nơi biên viễn ngày một no ấm. Trên mỗi nẻo đường, những người uy tín DTTS vẫn miệt mài chung sức bảo vệ biên cương. Họ chính là những “cột mốc sống”, bằng những việc làm thiết thực, họ luôn chứng tỏ tinh thần: Ở đâu có biên giới, ở đó có dân bảo vệ biên giới.
Hoài Tiến